30 nghìn tỷ đồng mỗi năm đến 2015 để giải quyết nợ xấu?
Vấn đề giải quyết nợ xấu liên tục là chủ đề nóng trên thị trường tài chính ngân hàng những tháng qua. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, phương án xử lý nợ xấu nào được lựa chọn vẫn chưa ngã ngũ.
NHNN cho rằng nên lập ra một công ty quản lý tài sản (AMC) với vốn điều lệ khoảng 100 nghìn tỷ đồng để mua bán nợ xấu ngân hàng, phía Bộ Tài Chính trong khi đó lại muốn nâng cấp công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC).
Các chuyên gia thì cho rằng, các ngân hàng phải tự xử lý nợ xấu trước, sau đó những khoản nợ không thể giải quyết được mới cần đến sự can thiệp của Nhà nước. Một công ty xử lý nợ xấu có đầy đủ vai trò và năng lực là rất cần thiết và NHNN có vai trò giám sát, kiểm tra việc xử lý nợ xấu này.
Về công ty AMC, theo kinh nghiệm quốc tế (Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia) thì công ty này là trực thuộc chính phủ. Nguồn vốn được cấp qua ba hình thức phổ biến.
Thứ nhất là Chính phủ trực tiếp cấp vốn cho AMC thông qua ngân sách hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ. Thông thường, để tránh việc sử dụng quá nhiều ngân sách vào việc xử lý nợ xấu, nhiều chính phủ chỉ cấp cho AMC lượng vốn ở tỷ lệ nhất định , phần còn lại AMC phải huy động từ nguồn khác.
Thứ hai, phát hành trái phiếu AMC và vay từ các tổ chức khác. Trái phiếu của AMC sẽ phát hành trực tiếp cho các ngân hàng để mua lại nợ xấu và có sự bảo lãnh của Chính phủ.
Thứ ba là cấp vốn bởi ngân hàng trung ương. Việc cấp vốn này không loại trừ khả
năng ảnh hưởng tới bảng cân đối kế toán và khả năng thực hiện chính sách tiền
tệ, chức năng giám sát của ngân hàng trung ương. Nhiều nước vì thế cũng không lựa chọn hình thức cấp vốn này.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn thì một AMC mới với vốn điều lệ lên tới 100 nghìn tỷ là hết sức khó khăn. Hiện chúng ta đã có DATC thì nên tập trung nâng cao năng lực cho DATC thay vì thành lập một AMC mới để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu đồng thời giúp tiết kiệm kinh phí.
Trường hợp nâng cấp DATC, theo một số nguồn tin, DATC đang hoàn thiện đề án nâng cao năng lực để thực hiện xử lý nợ, tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp.
Theo đó, DATC muốn được nâng vốn điều lệ và muốn được cho phép một số quyền đặc biệt nhằm đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu nhằm tăng tính thanh khoản cho ngân hàng qua việc giảm bớt một phần nợ xấu có tài sản đảm bảo khỏi hệ thống ngân hàng và tách việc quản lý tài sản khỏi các ngân hàng cho một tổ chức chuyên ngành quản lý, khai thác và bán lại nhằm thu hồi vốn, giảm thiểu rủi ro.
DATC cũng muốn được bơm vốn để hỗ trợ một số TCTD có quy mô lớn, có tỷ lệ nợ xấu sau khi tự xử lý vẫn cao và có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, có khả năng hồi phục tốt để phát triển thông qua hình thức mua cổ phần ưu đãi. Các TCTD này tất nhiên sẽ phải chịu giám sát chặt chẽ của NHNN và tuân thủ các quy định khắt khe hơn trong hoạt động. Việc bơm vốn sẽ giúp tránh sự sụp đổ của các TCTD có khả năng gây ảnh hưởng lớn, đồng thời tạo điều kiện ép buộc các TCTD phải nỗ lực tái cơ cấu.
Với khoản nợ xấu vào khoảng 202 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 3, trong đó nợ không có tài sản đảm bảo chiếm 16% tức 32 nghìn tỷ đồng; nợ có tài sản đảm bảo 170 nghìn tỷ đồng, số tiền trích lập dự phòng rủi ro là 67,3 nghìn tỷ đồng thì số tiền dự phòng này không đủ bù đắp toàn bộ số nợ xấu không có tài sản đảm bảo và một phần nợ xấu có tái ản đảm bảo.
Số nợ xấu có tài sản đảm bảo chưa được bù đắp còn khoảng 135 nghìn tỷ đồng sẽ được DATC mua lại một phần; một phần do các TCTD tự xử lý; đối với một số TCTD có quy mô nợ xấu lớn, sau khi tự xử lý và bán cho DATC vẫn ở mức cao thì NHNN nên hỗ trợ vốn một phần.
Nếu DATC được nâng cấp và giao cho việc xử lý nợ này, thì với giá mua nợ bình quân khoảng 30% giá trị khoản nợ như công ty này đã thực hiện thời gian qua thì số vốn phải sử dụng để xử lý nợ xấu lên tới 90.000 tỷ đồng.
Việc xử lý nợ đang hết sức cấp bách, song nhiều ý kiến cho rằng cũng không thể giải quyết triệt để trước năm 2015. Với thời hạn này, DATC như vậy cần có vốn hoạt động luân chuyển khoảng 30.000 tỷ đồng mỗi năm