Doanh nghiệp lớn tăng trưởng khá tốt
Trong 9 tháng đầu năm, thu nội địa nói chung chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2011, nhưng tốc độ tăng thu ngân sách từ doanh nghiệp lớn do Tổng cục Thuế quản lý tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2011.
Hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp lớn chắc không nằm ngoài khó khăn chung của nền kinh tế, thưa ông?
So với mọi năm, tình hình kinh tế năm nay gặp khó khăn hơn nên hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp lớn do Tổng cục Thuế trực tiếp quản lý thuế cũng gặp khó khăn, nhưng so với các doanh nghiệp khác, về cơ bản, doanh nghiệp lớn vẫn có sự tăng trưởng khá tốt, ngoại trừ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng và sản xuất, lắp ráp ô tô.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, thu nội địa nói chung chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2011, nhưng tốc độ tăng thu ngân sách từ doanh nghiệp lớn do Tổng cục Thuế quản lý tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2011. Số thu ngân sách từ doanh nghiệp lớn có sự tham gia đóng góp đáng kể của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, bia - rượu - nước giải khát, viễn thông…
Còn những lĩnh vực khác, đặc biệt là tài chính - ngân hàng, chắc không có lãi khủng như mọi năm để đóng góp vào ngân sách?
Hiện chúng tôi được giao quản lý thuế của 35 tập đoàn, tổng công ty với 415 thành viên hoạt động trong những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế và trên khắp địa bàn cả nước. Những doanh nghiệp mà chúng tôi quản lý thuế, ngoài các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, còn có tổng công ty cổ phần có quy mô lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Công ty Ô tô GM Việt Nam, Mercedes - Benz Vietnam, Yamaha Motor Vietnam và Unilever Vietnam), ngân hàng thương mại (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, ANZ và ACB).
Trong điều kiện hoạt động tín dụng gặp khó khăn, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay bị thu hẹp, nợ xấu gia tăng khiến hoạt động tài chính - ngân hàng về cơ bản gặp khó khăn. Tuy nhiên, những khó khăn này chỉ diễn ra đối với những ngân hàng có quy mô nhỏ, nguồn lực tài chính không ổn định, chiếm thị phần ngân hàng thấp; còn cả 6 ngân hàng mà chúng tôi đang trực tiếp quản lý thuế vẫn hoạt động khá ổn định, có đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước.
Với diễn biến của nền kinh tế, ông có tin rằng, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp lớn sẽ ấm dần trong những tháng cuối năm và năm 2013?
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GDP trong quý III đạt 5,35%, thay vì mức 4% của quý I và 4,66% của quý II. Trong quý VI, theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng GDP khả quan hơn 3 quý đầu năm, tạo điều kiện để GDP cả năm tăng trưởng khoảng 5,2% (3 quý đầu năm mới đạt 4,73%).
Năm 2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2013 đạt 5,5%. Những số liệu này cho thấy, về cơ bản, hoạt động của nền kinh tế đang dần vượt qua khó khăn. Trong bối cảnh này, chắc chắn, hoạt động của doanh nghiệp lớn sẽ khả quan hơn.
Tôi muốn nói thêm rằng, cả nước có 471.500 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, 415 doanh nghiệp lớn đóng góp hơn 1/3 tổng thu ngân sách nhà nước và hơn 1/3 GDP. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp lớn ngày một tốt hơn, sẽ góp phần rất quan trọng để hoàn thành mục tiêu thu ngân sách nhà nước và tốc độ tăng trưởng GDP năm 2012.
Hiện có rất nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, có đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, nhưng không được “tập trung quản lý thuế”. Theo ông, trong tương lai, có nên mở rộng đối tượng đưa vào danh sách doanh nghiệp lớn do Tổng cục Thuế trực tiếp quản lý?
Quản lý thuế doanh nghiệp lớn không chỉ đơn thuần là thanh, kiểm tra việc chấp hành nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, mà quan trọng hơn là hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chấp hành nghĩa vụ thuế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Qua việc quản lý thuế doanh nghiệp lớn, cơ quan thuế áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để tổ chức thu thập đối chiếu, tổng hợp thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tình hình chấp hành pháp luật thuế của doanh nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp lớn theo ngành kinh tế; dự báo nguồn thu ngân sách nhà nước chính xác hơn…
Vì vậy, Bộ Tài chính đã có lộ trình mở rộng danh sách doanh nghiệp lớn do Tổng cục Thuế quản lý thuế trực tiếp.
Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn đã được giao nhiệm vụ xây dựng tiêu chí doanh nghiệp lớn thuộc diện Tổng cục Thuế trực tiếp quản lý. Thời gian tới, nhiều khả năng, những doanh nghiệp có số thuế nộp vào ngân sách lớn; có tiềm năng nộp thuế lớn; những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quan trọng, như bảo hiểm, ngân hàng, dầu khí, điện lực, đóng tàu… sẽ coi là doanh nghiệp lớn và được tập trung quản lý thuế.
Trong trường hợp DN không đáp ứng được tiêu chí, sẽ đưa ra khỏi danh sách DN lớn. Số lượng DN lớn do Tổng cục Thuế trực tiếp quản lý khoảng 800 - 1.200 đơn vị, nhưng đóng góp vào ngân sách nhà nước 70 - 80% tổng số thu từ thuế, phí, lệ phí.
Theo Mạnh Bôn
Báo đầu tư