Tài sản trung bình của một người trưởng thành trên thế giới là bao nhiêu trong năm 2012?
Câu trả lời là 49.000 đôla, dựa trên báo cáo Global Wealth Report của ngân hàng Credit Suisse. Báo cáo này ước tính tổng giá trị tài sản của các hộ gia đình đến giữa năm 2012 là 223 ngàn tỉ USD.
Khảo sát theo khu vực và quốc gia lớn từ giữa năm 2011 đến nay, chỉ có Trung Quốc và Bắc Mỹ là gia tăng tổng giá trị tài sản (tăng 2,9% và 1,3%), trong khi đó Ấn Độ và khu vực châu Âu có mức sụt giảm tổng tài sản lớn nhất (18% và 13,6%). Cũng theo báo cáo này, trung bình giá trị tài sản của các hộ gia đình trên thế giới giảm 5,2%.
Yếu tố chính tác động đến sự sụt giảm giá trị tổng tài sản trên thế giới là sự tăng giá trị của đồng USD từ 2011 đến nay, trong đó đồng Euro đã giảm 14% so với USD, các đồng tiền của Brazil, Hungary, Ấn Độ, Ba Lan có mức giảm giá đến hơn 20%.
Dưới đây là đồ thị mô tả sự thay đổi về vốn hoá thị trường, tỷ giá, giá nhà ở từ 2011 đến nay:
Với việc giữ tỷ giá ổn định với đồng USD và tăng vốn hoá thị trường lên 11% so với năm 2011 đã giúp Colombia là quốc gia có mức tăng tài sản lớn nhất (16%). Angieri, Hồng Kông, Peru, Uruguay cũng ghi nhận mức tăng trên 5%, trong khi đó hầu hết các nước khu vực châu Âu đều bị nghèo đi so với năm ngoái, đặt biệt là Rumani bị giảm 36%, Hungary giảm 25%.
Nếu tính theo tài sản của cá nhân, chúng ta có hình kim tự tháp như sau:
Theo hình vẽ trên, 69,3% người trưởng thành trên thế giới có tài sản dưới 10.000 USD, chỉ chiếm 3,3% tổng tài sản thế giới. Trong khi đó, 0,6% có tài sản trên 1 triệu USD và chiếm đến 39,3% tổng tài sản trên thế giới.
Năm nay có 962.000 triệu phú mới ở Mỹ và 460.000 ở Nhật Bản, nhưng không có sự thay đổi lớn ở các quốc gia còn lại. Trong khi đó khu vực châu Âu mất đến 1,8 triệu triệu phú USD, đặt biệt là ở Ý (374.000 người), Pháp (322.000 người), Đức (290.000 người).
Ngoài thống kê tài sản thì báo cáo còn thống kê nợ trung bình của một người trưởng thành ở các khu vực và quốc gia trên thế giới. Theo đó, khu vực Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Á (trừ Trung Quốc, Ấn Độ) vượt trội, chiếm tới 94% tổng nợ trên thế giới. Năm 2012, 1 người châu Phi trung bình nợ 427 USD, người Ấn Độ nợ 162 USD thì con số này ở các nước Bắc Mỹ lên đến 57.063 USD.
Từ năm 2000 đến nay, số nợ trên 1 người trưởng thành đã tăng 150% ở Trung Quốc và Châu Phi, 200% ở khu vực Nam Mỹ, 250% ở Ấn Độ, so với mức trung bình của thế giới là 45%.
Hầu hết các quốc gia đều có số nợ trên đầu người tăng mạnh từ năm 2000 đến 2007, ngoại trừ Đức gần như không đổi và Nhật Bản có xu hướng giảm đi. Úc, Nauy và Canada là các nước có tỉ lệ nợ trên người trưởng thành tăng mạnh nhất kể từ năm 2000.
Tường Vi