‘Nhạc trưởng’ quản lý FDI
Có thể sẽ có một ban điều phối ở tầm quốc gia được thành lập, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Trong khi đó, hai tập đoàn E-United (Đài Loan) và JFE (Nhật Bản) cũng đang phải liên hệ với Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, UBND tỉnh Quảng Ngãi, rồi Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ KH&ĐT…, và lên cả Chính phủ, để kiến nghị giải quyết những vướng mắc trong quá trình xin nâng vốn đầu tư của Dự án Thép Guang Lian (Dung Quất, Quảng Ngãi) từ 3 tỷ USD lên 4,5 tỷ USD, cũng như để “kết nạp” thêm chủ mới là JFE.
Thời gian mà các “đại gia” nói trên phải “lòng vòng” không phải được tính bằng tháng, mà có khi cả năm trời. Nhưng tới đây, rất có thể, những vướng mắc của các nhà đầu tư sẽ được giải quyết nhanh hơn, khi một ban điều phối ở tầm quốc gia về FDI được thành lập, theo đề xuất của Bộ KH&ĐT tại Dự thảo Đề án Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI đến năm 2020.
Ban điều phối này sẽ do một Phó thủ tướng làm Trưởng ban, còn Bộ KH&ĐT sẽ làm cơ quan thường trực, xây dựng khung chương trình hành động, với sự phối hợp của các bộ, ngành và các địa phương.
“Nhiệm vụ của Ban điều phối là phải xử lý những vướng mắc trong quá trình thực thi mà các bộ, ngành, địa phương không xử lý được. Trường hợp vượt thẩm quyền thi hành, thì trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu nói.
Có một “nhạc trưởng” điều phối ở tầm quốc gia, xem xét và giải quyết tất cả các vướng mắc của nhà đầu tư, song ở các bộ, ngành, địa phương, cũng phải chỉ định một đầu mối chuyên trách về FDI theo nguyên tắc “một cửa”.
Theo đó, các đầu mối này cũng chịu trách nhiệm liên hệ và đôn đốc các đơn vị trong bộ, ngành, địa phương mình để giải quyết các vấn đề liên quan đến FDI, từ khâu xúc tiến đầu tư, cấp phép, quản lý sau cấp phép, kể cả các vướng mắc phát sinh…
Cùng với đó, đầu mối này cũng chịu trách nhiệm thường xuyên tổng hợp số liệu, phân tích, đánh giá tình hình đầu tư giúp công tác quản lý nhà nước về FDI theo chuyên ngành có hiệu quả…
Phương án thiết lập một “nhạc trưởng” điều phối ở tầm quốc gia đã nhận được sự đồng tình của các chuyên gia trong lĩnh vực FDI và các bộ, ngành, địa phương.
Thậm chí, nêu dẫn chứng về trường hợp không tìm được tiếng nói chung trong quyết định chính sách ưu đãi đầu tư cho một doanh nghiệp Malaysia, mà hai bộ phải “kéo” lên Chính phủ giải quyết, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế của Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh rằng, phải có một lãnh đạo Chính phủ tham gia vào tổ công tác.
Ủng hộ mô hình này, ông Ngô Sỹ Bích, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cho rằng, cơ chế quản lý một cửa ở địa phương và cơ chế điều phối ở tầm quốc gia sẽ giúp cải thiện chất lượng thu hút FDI ở các địa phương.
Thực tế, thời gian qua, còn rất nhiều tồn tại liên quan đến quản lý nhà nước về FDI, nhất là sau khi cơ chế phân cấp được thực hiện triệt để. Mạnh ai nấy làm, nên thu hút FDI nhiều khi phá vỡ cả quy hoạch ngành, quy hoạch vùng. Trong khi đó, Bộ KH&ĐT, tuy là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về FDI, song chỉ riêng việc có được số liệu đầy đủ, chính xác về tình hình thu hút và thực hiện dự án FDI cũng không dễ, bởi nhiều khi còn thiếu sự hợp của địa phương. Chính vì thế, việc xây dựng chính sách hợp lý cũng bị ảnh hưởng.
Có “nhạc trưởng” điều phối ở tầm vĩ mô, có sự hợp tác thông suốt từ Trung ương tới địa phương sẽ giúp công tác quản lý nhà nước về FDI đi vào khuôn phép, góp phần nâng cao hiệu quả của dòng vốn FDI. Những tồn tại, bất cập của cơ chế phân cấp có lẽ cũng nhờ mô hình quản lý này mà sẽ phần nào được giải tỏa.
Theo Nguyên Đức
Báo đầu tư