MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thường vụ Quốc hội: Ngân hàng phải cứu doanh nghiệp

16-10-2012 - 20:37 PM | Tài chính - ngân hàng

Nếu chỉ đưa ra một giải pháp hạ lãi suất thì cũng không phải là giải pháp tối ưu, mà phải thực hiện cả 3 điều: khoanh nợ, giãn nợ và mua lại nợ xấu.

Kiên quyết giảm tồn kho, nợ xấu

Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày hôm nay 16/10, thảo luận về tình hình KT – XH, các thành viên của UBTVQH nhất trí cho rằng, nợ xấu và tồn kho là hai vấn đề đặc biệt của năm 2012, 2013 và cần tập trung tìm cách giải quyết.

“Phải đẩy sản xuất, đẩy tiêu dùng thì mới giải quyết được tồn kho đồng thời cũng giải quyết được nợ ngân hàng”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu.

“Dứt khoát từ nay đến cuối năm và trong 6 tháng đầu năm 2013 phải khẳng định trong báo cáo với Quốc hội là tồn kho phải giảm”.

Chủ tịch QH kiên quyết: “Nợ xấu ngân hàng phải giảm, nhưng nợ mới thì phải tăng”.

“Cho đến nay, vay về 12 - 13 %, mà cho vay ra có 3 - 4% thì tạo ra một hình ảnh ngân hàng rất xấu”, ông nói.

Ngân hàng phải cứu doanh nghiệp

“Anh em nói với tôi là có thể gỡ được nhiều, nhưng chúng ta cứ cho vào một giỏ là nợ xấu không cho vay nữa, đóng băng”, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói.

Bà đề nghị ngân hàng phải hết sức chủ động chia sẻ với doanh nghiệp. Bởi nếu doanh nghiệp đã không động đậy, không hoạt động, không phát triển thì ngân hàng cũng dần dần chết.

Hướng về phía Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói: nếu chỉ đưa ra một giải pháp hạ lãi suất thì cũng không phải là giải pháp tối ưu, mà phải thực hiện cả 3 điều: khoanh nợ, giãn nợ và mua lại nợ xấu.

“Chúng ta phải có tổ chức tài chính để mua nợ xấu một cách hợp lý, không phải mua như đã xảy ra một số nơi một số công ty mua bán nợ vừa rồi, làm không minh bạch và không thực hiện đúng mục tiêu, lợi dụng, tham nhũng, tiêu cực”.

“Khoanh nợ, giãn nợ, mua nợ là những giải pháp để cùng với việc chúng ta nới lỏng tín dụng với một số lĩnh vực, ví dụ như thị trường bất động sản hoặc hoạt động đầu tư để chúng ta có thể giải quyết được”, ông Hiển nói.

Kích hoạt thị trường bất động sản

“Khâu quan trọng nhất chính là vấn đề giải quyết thị trường và sức mua”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Phùng Quốc Hiển nói, đồng thời đặt câu hỏi: “Nhưng chúng ta phải kích hoạt những gì trong thị trường? Nếu kích hoạt tất cả thì không có lực”.

Theo ông, phải tìm tới khâu quan trọng nhất, ảm đạm nhất và tác động nhất cho nền kinh tế hiện nay để kích hoạt. “Đó là thị trường bất động sản và toàn bộ thị trường đầu tư, nhất là đầu tư trong giao thông, các hoạt động thủy lợi, trong hoạt động bất động sản”, ông Hiển nói.

Ông cho rằng, vừa qua sắt, thép, xi măng không tiêu thụ được là bởi đầu tư giảm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng nhận thấy sức mua của người dân khó khăn. Ông đặt vấn đề: tăng lương cũng là một cơ hội để kích hoạt tiêu dùng.

Cho rằng nợ xấu ngân hàng nằm ở bất động sản là chủ yếu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu vấn đề: bây giờ người có nhu cầu mua bất động sản để sử dụng lại không có khả năng để tiếp cận nên vẫn cứ tồn đọng. “Tôi nghĩ đấy là một khâu đột phá và đi vào điểm cụ thể như thế để bàn”, ông nói.

Tường Vi

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên