MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cứ khó khăn, doanh nghiệp lại 'tố' ngân hàng?

18-10-2012 - 06:41 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng sợ nợ xấu. Doanh nghiệp (DN) chịu tồn kho cao. Trong khó khăn chung, bị siết nợ, DN phá sản càng gia tăng. Mâu thuẫn này đã khiến cho nút thắt tiếp cận vốn càng trở nên khó gỡ.

Ngân hàng làm khó DN?

Vấn đề này đã trở thành một trong những tâm điểm "chất vấn" giữa đại diện DN và Ngân hàng Nhà nước trong một hội nghị đối thoại chính sách gần đây, do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì.

Bày tỏ bức xúc, luật sư Trương Tiến Bình, Giám đốc Công ty TNHH Luật châu Á- Thái Bình Dương (trụ sở ở Hà Nội) chia sẻ: "Tôi đã gặp rất nhiều DN đặt câu hỏi, chính sách Nhà nước đã hỗ trợ dựa trên những giải pháp như giãn, hoãn thuế, cho vay ưu đãi đối với DN, nhưng vấn đề là tìm nguồn vốn này ở đâu? Làm thế nào xin được?"

Ông kể: "Một số DN khi vay ngân hàng, gặp đúng thời kỳ kinh tế khó khăn, không đáo hạn kịp, rơi vào nợ xấu. Ngay lập tức, ngân hàng phát mại tài sản, đưa DN ra tòa gây mất nhiều thời gian và chi phí. Hệ quả là, DN đã ra hầu tòa thì gần như không còn cơ hội hồi phục. Vì cứ ông nào ra hầu tòa là bị rút hết đơn hàng".

"Tôi đã gặp 5 DN rơi vào tình trạng này và giờ, đều đang trên đà phá sản hết!", luật sư Bình ngậm ngùi nói.

Theo vị luật sư này, ở một khía cạnh nào đó, chính ngân hàng cũng đã góp phần đẩy DN thực sự vào bờ vực phá sản. DN vay vốn thì ngân hàng cứ siết dần, siết dần. Nếu ngân hàng cứ ép như vậy thì DN sẽ phá sản. "Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, có đáng phải làm như vậy không và DN phải làm như thế nào để thoát khỏi?" ông Bình đặt câu hỏi.

Cho đến nay, nguyên nhân phá sản DN vẫn chỉ được nhận định chung chung là do kinh tế đi xuống, sức mua suy kiệt, tồn kho lớn, nợ đọng cao, vốn thiếu...

Và nếu đúng như giãi bày của luật sư Trương Thanh Bình, kết quả khảo sát về sức khỏe DN quý III vừa được VCCI công bố cũng cho thấy phần nào mối liên quan về nút thắt vốn.

Kết quả khảo sát cho biết, có 82,6% số DN tham gia khảo sát vay lãi suất 15%/năm trở xuống. Chỉ có 17,4% DN đang vay lãi suất từ 16%/năm trở lên. Dù vậy, đánh giá về mức lãi suất 15% này, VCCI cho biết có tới 55,9% số DN bày tỏ sẽ gặp khó khăn nếu phải chịu mức lãi vay này trong lâu dài. Chỉ có có 0,6% DN cho rằng, đây là lãi vay hợp lý trong thời điểm hiện tại.

Mức lãi suất mà phần lớn các DN mong muốn nhất vẫn là phải dước 11%/năm, trong đó, khoảng 31,1% DN muốn lãi suất 10-11% và 31,7% DN mong lãi suất cần hạ xuống 8-9%/năm.

Bộ KHĐT cũng khẳng định khi báo cáo tình hình kinh tế xã hội tới Chính phủ hôm 9/10, dù lãi suất cho vay giảm 5-8% so với cuối năm 2011, phù hợp diễn biến lạm phát, thanh khoản hệ thống ngân hàng cải thiện nhưng mức tăng tổng dư nợ tín dụng vẫn rất thấp. Việc tiếp cận vốn vay ngân hàng của các DN vẫn gặp nhiều khó khăn.

Không thể hạ "chuẩn" cho vay DN "sắp chết"

"Không phải ngân hàng không muốn cho DN vay tiền nhưng việc cho vay này phải đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của Nhà nước, đảm bảo an toàn cho hệ thống!", ông Trương Ngọc Anh, Chánh văn phòng Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hành Nhà nước đáp lời, nhấn mạnh.

Theo ông Trương Ngọc Anh, vấn đề đặt ra ở đây là tại sao ngân hàng cứ "thích" để khách hàng phải ra tòa.... Ngay khi tiếp cận ngân hàng vay vốn, giữa ngân hàng và DN đã thỏa thuận được nguồn vốn, xác định thời hạn.

"Trong 2 năm trở lại đây, rất nhiều khoản cho vay được gọi là sản xuất kinh doanh nhưng thực tế là bất động sản, chứng khoán. Đặc biệt là vay ngắn hạn nhưng thực chất là dành cho các khoản đầu tư 5-10 năm thậm chí lâu hơn. Vậy thì biết đến bao giờ mới trả được nợ? Các DN rơi vào tình trạng như vậy là có nguyên cớ đó", ông Trương Ngọc Anh phân tích.

Ông tỏ ra đồng cảm khi nói: "Tại hội nghị hồi tháng 7, Thống đốc có chỉ đạo các ngân hàng phải đưa ra mức lãi suất tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Trong lợi nhuận của ngân hàng, chênh lệch thu chi thì phải có tới 80% do DN mang lại. Cho nên, DN chết thì ngân hàng sống với ai? Thực sự, bản thân ngân hàng rất muốn DN tồn tại".

Theo ông Anh, việc đưa ra gói lã suất thấp cũng chỉ là thỏa thuận giữa 2 bên, ngân hàng còn phải xem xét đối tượng đó có phải trong diện được Nhà nước ưu tiên hay không? Các ngân hàng bây giờ thực hiện chính sách khoán huy động và cho vay, tất nhiên, trong quá trình hoạt động, tiêu chuẩn cho vay khác nhau, nhưng tất cả điều kiện cho vay không được thấp hơn quy định chung của Nhà nước.

"Nợ xấu đã hơn 8% và xu thế còn tiếp tục tăng. Các ngân hàng càng phải cẩn thận trong việc lựa chọn khách hàng cho vay. Nếu nới lỏng cho vay, ngân hàng sẽ dễ gánh nợ xấu. Tất nhiên, với các dự án có tính khả thi thì ngân hàng vẫn có thể xem xét cho vay", vị đại diện cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng nhấn mạnh.

Có thể nói, ngân hàng- doanh nghiệp đều có những lý do đổ lỗi cho nhau về nút thắt tiếp cận vốn. Trong khi đó, sức khỏe DN hiện nay vẫn trầm trọng.

Mới tuần trước, báo cáo về tình hình kinh tế xã hội năm 2012, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã đưa ra con số thật đáng giật mình: Trong 9 tháng qua, số doanh nghiệp giải thể hoặc dừng hoạt động đã lên đến 40.190 DN, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2011.

So với con số 26.324 DN phá sản, giải thể tính đến 30/6 thì chỉ trong một quý III này, số DN hấp hối hoặc phải khai tử đã tăng thêm 52%. Tính trung bình từ năm đến nay, mỗi tháng, đã có khoảng 4.500 DN "tắt thở" hoặc chết lâm sàng.

Và nếu so với mức trung bình mỗi năm thành lập mới khoảng 50.000-60.000 DN thì số DN phá sản hiện cũng đã gần đuổi kịp con số này.

Theo Phạm Huyền

VEF

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên