MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng thư kí VAFI: Cần thiết phải lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư

Tiền quỹ này sẽ do các CTCK phải đóng phí hàng năm, các CTCK sẽ đóng dựa theo doanh số môi giới, tích lũy lại chi trả lúc cần.

Gần đây, hàng loạt vụ việc nhà đầu tư tố nhân viên môi giới CTCK lừa tiền, lạm dụng tài khoản bán cổ phiếu…Chúng tôi đã có trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư kí Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) về vấn đề này.

Nhiều nhà đầu tư (NĐT) đã lên tiếng vì tài khoản chứng khoán của họ bị lợi dụng, ông đánh giá thế nào về thực trạng này?

Ông Nguyễn Hoàng Hải: Tình trạng nhà đầu tư bị lạm dụng tài khoản đang tồn tại trên TTCK. Nó có thể dưới dạng CTCK mượn chứng khoán, mượn tiền của NĐT, thậm chí là một số cá nhân CTCK biến hóa biến chất, chiếm dụng tiền và chứng khoán của NĐT, khi không thanh toán được, CTCK phải bù vào.

Có một số trường hợp, CTCK quản lí yếu kém, chiếm dụng tiền của NĐT nhưng không có khả năng chi trả dẫn đến nợ xấu. Hiện chưa có con số thống kế chính xác về số mất mát của NĐT cá nhân.

NĐT mở tài khoản tại CTCK phải đọc trước BCTC của công ty, phải chọn CTCK có tình hình tài chính mạnh để giảm mất mát. Hoặc mở tài khoản giao dịch tại nhiều CTCK có khả năng tài chinh tốt để giảm thiểu rủi ro, trước mắt chưa có biện pháp hữu hiệu thì như vậy.

Hay như trường hợp của HSC, thông thường CTCK sẽ đẩy trách nhiệm về nhân viên môi giới và việc đòi quyền lợi của nhà đầu tư là khó khăn. Do đó NĐT phải chịu khó đi kiện, đưa đơn lên UBCK, tích cực theo kiện. Ngoài ra nữa thì thuê luật sư, công ty luật am hiểu chứng khoán, đấu tranh bằng cách cùng khiếu kiện hoặc ra tòa.

Đây chỉ là giải pháp tạm thời còn giải pháp bền vững phải từ phía cơ quan quản lý.

Như ở các nước, nguyên tắc là tôi mở ở CTCK nào cũng được, khi công ty phá sản thì tiền và chứng khoán vẫn được đảm bảo. Do vậy, như VAFI đã đề nghị cần tách bạch tài khoản của NĐT với CTCK, NĐT chỉ mở tài khoản giao dịch tại CTCK, còn tài khoản tiền và tài khoản chứng khoán phải đặt tại ngân hàng để tránh rủi ro cho NĐT.

Cái nữa là cần UBCK đưa ra quỹ Đền bù tài sản cho NĐT, công ty bảo vệ cho NĐT hay quỹ đền bù cho NĐT. Trong bất kì tình huống nào thì quỹ đó sẽ bảo vệ quyền lợi cho NĐT. Quỹ này không đền bù các khoản thua lỗ do nhà đầu tư kinh doanh, mà chỉ khi là nạn nhân của CTCK thì quỹ này sẽ thực hiện chi trả.

Nguồn tiền ở đâu để lập quỹ thưa ông?

Tiền quỹ này buộc các CTCK phải đóng phí hàng năm, các CTCK sẽ đóng dựa theo doanh số môi giới, tích lũy lại chi trả lúc cần.

Thường nguồn tiền có khi trích từ nhà đầu tư vì có thể tăng phí môi giới lên. Hay các khoản phí thành viên của các CTCK nộp cho Sở GDCK hay Trung tâm lưu kí. Nhưng thực chất khoản tiền đó cũng là của nhà đầu tư thôi, khi đặt ra khoản phí đó thì cần tùy tình hình, ở mức độ hợp lý.

Mô hình này bất kì thị trường chứng khoán nào cũng có, chỉ có thị trường nhỏ như Việt nam, Lào, Campuchia là chưa.

Quỹ này nên đặt ở đâu thưa ông?

Mô hình hoạt động thường là của công ty cổ phần chứ không phải nhà nước làm, thông thường là các Sở giao địch, Trung tâm lưu kí, cổ đông có thể là các công ty bảo hiểm.

Hoạt động của cty này sẽ phải đảm bảo an toàn, không thể để quỹ đầu tư lung tung, phải đảm bảo hoạt động lành mạnh hạn chế rủi ro, chỉ được đầu tư trái phiếu hay tiền gửi để đảm bảo thanh khoản, không cho đầu tư vào cổ phiếu, bất động sản…

Hiện các cơ quan chức năng chưa có động tĩnh nào cho việc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, theo anh trong năm nay hay năm sau nếu việc bảo vệ nhà đầu tư không được xúc tiến thì thị trường sẽ phải trả giá thế nào?

Trong cuộc họp đầu năm với lãnh đạo UBCK, VAFI tiếp tục kiến nghị lên UBCK để thực hiện việc này, thực ra kiến nghị này đã đưa ra cách đây 3-4 năm, nhưng có vẻ kiến nghị này còn xa lạ với TTCK Việt Nam.

Thực ra, hiệp hội kiểu này nước nào cũng có, đó là định chế bắt buộc như bảo đảm tiền gửi thì cái này phải ra đời, để phòng tránh rủi ro thì cần tách bạch.

Ví dụ quỹ VFM để tạo lòng tin cho nhà đầu tư đã gửi toàn bộ tiền và chứng khoán của nhà đầu tư tại các định chế ngân hàng như HSBC, Vietcombank, BIDV … .Hay như thông lệ thế giới, nhà đầu tư tổ chức chiếm 70% thì phần lớn do ngân hàng quản lí tài sản.

Báo cáo tài chính cty này đền bù rất ít, nhưng vẫn có, khi lượng tiền nhiều thì phí đóng sẽ ít đi, tiền nhiều mà ít đền bù thì phí sẽ giảm. Hoạt động các CTCK nước ngoài lành mạnh như vậy nhưng vẫn tồn tại quỹ đền bù, để nhà đầu tư yên tâm và nghĩ rằng tài khoản của NĐT không để mất.

Còn ở Việt Nam, muốn ra đời hay không cần giao việc cho cán bộ. Nếu UBCK mạnh dạn, có thể giao cho VAFI, chúng tôi sẵn sàng làm miễn phí, vì khuôn khổ pháp lí cho mô hình này không có nhiều phức tạp lắm, quản trị hoạt động, phương thức hoạt động có thể copy 98% thông lệ thế giới còn 2% là vận hành thực tế cho phù hợp.

Trong khu vực Asean chưa có mô hình công ty bảo vệ nhà đầu tư nhưng Lào, Camphuchia không trách được vì mới họ mới vận hành được mấy tháng, còn Việt Nam là 12 năm. UBCK nếu giao cho VAFI làm 2 tháng sẽ xong.

Phản ứng công ty chứng khoán sẽ ra sao thưa ông?

CTCK nhiều khi nghĩ ăn lãi nhiều, nâng phí lên sợ nhà đầu tư phản đối, đó chỉ là cái nhìn ngắn hạn, giờ làm sao thị trường yên tâm, tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư.

Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn.

Khánh Linh

phuongmai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên