MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ xử lý xong các ngân hàng yếu kém trong năm 2013

19-10-2012 - 12:59 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, ngoài xử lý những vấn đề căn bản như nợ xấu, sở hữu chéo, rủi ro đạo đức… thì những thành phần yếu kém cũng sẽ bị loại bỏ dù là dưới hình thức nào.

Cần thúc đẩy nhanh dù khó khăn

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa qua đã chỉ ra một trong những mục tiêu và giải pháp quan trọng là phải thiết lập lại kỷ cương trong lĩnh vực ngân hàng. Đặc biệt, trong năm 2013 sẽ xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém, góp phần ổn định hệ thống ngân hàng, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và người dân; đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu trong toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc xác định và quyết tâm thực hiện mục tiêu trên là rất cần thiết. “Vấn đề tái cấu trúc ngân hàng, trong đó có vấn đề phải xử lý các ngân hàng yếu kém là vô cùng khẩn trương, không thể trì hoãn được nữa”, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng nhìn nhận.

Đồng quan điểm trên, TS. Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: “Mặc dù việc giải quyết những ngân hàng yếu kém chỉ là một khâu trong tổng thể tái cấu trúc hệ thống ngân hàng nhưng rất quan trọng. Bởi tuy chỉ là khâu nhỏ, nhưng tính lan truyền lại lớn. Bên cạnh đó, nó cũng liên quan trực tiếp đến vấn đề thanh khoản và nợ xấu của hệ thống”.

Một điểm nữa được TS. Thành lưu ý thêm: quá trình xử lý các ngân hàng yếu kém trong thực tế phức tạp hơn chúng ta tưởng. Nguyên nhân vì những tương tác trong nội tại hệ thống tài chính ngân hàng, cộng với đó là trong bối cảnh kinh tế trong nước, thế giới khó khăn, nên cải cách cũng khó khăn hơn. Tuy nhiên, TS. Thành cũng tin tưởng: “Với 4,5 ngân hàng còn lại trong lộ trình cần sắp xếp thì hoàn toàn có thể xử lý xong trong năm tới, thậm chí có thể xong trong ngay nửa đầu năm 2013”.

Những biến động trên thị trường tiền tệ vừa qua, trong đó có hiện tượng các ngân hàng vẫn tiếp tục cuộc chạy đua lãi suất cho thấy, khi nào những ngân hàng yếu kém còn tồn tại ở trong hệ thống, thì lúc đó “cơ thể” của toàn Ngành chưa thể thực sự khỏe mạnh lại được. Do đó, theo TS. Hiếu, ngoài xử lý những vấn đề căn bản như nợ xấu, sở hữu chéo, rủi ro đạo đức… thì hệ thống ngân hàng cũng phải được hoàn thiện, có nghĩa là những thành phần yếu kém cũng sẽ bị loại bỏ dù là dưới hình thức nào.

Củng cố niềm tin thị trường

Câu hỏi đặt ra lúc này là cần phải làm gì để đạt được mục tiêu củng cố niềm tin cho thị trường? Theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính ngân hàng, có 5 yếu tố, bao gồm: Quyết tâm cao về chính trị để xử lý vấn đề này, đặc biệt liên quan đến sở hữu chéo; Xác định rõ việc hậu thuẫn của ngân hàng lớn với ngân hàng nhỏ (như những trường hợp chúng ta đã xử lý); Xác định quy mô và phương án rõ ràng về xử lý nợ xấu; Xác định rõ tỷ lệ sở hữu cho phép đối với nhà đầu tư nước ngoài tại những ngân hàng yếu kém; Tiến hành song song và quyết liệt vấn đề tái cơ cấu hệ thống DNNN. Theo TS. Lực, đây cũng chính là những vấn đề có thể gây khó khăn cho quá trình xử lý các ngân hàng yếu kém nếu không được thúc đẩy và làm rõ.

Bên cạnh đó, theo TS. Hiếu, một vấn đề cần đặc biệt quan tâm là củng cố lòng tin của ngân hàng, DN và người dân.

Dẫn ví dụ về cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ năm 2008, TS. Hiếu cho biết, một trong những lý do đẩy các ngân hàng đến bờ phá sản là tình trạng đóng băng tín dụng, mà nguyên nhân sâu xa là lòng tin giảm sút dẫn đến “không ai dám cho ai vay”.

“Khi lòng tin được củng cố, thì người dân sẽ chi tiêu nhiều hơn, tăng gửi tiền vào ngân hàng. Các DN cũng sẽ mạnh tay mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, các ngân hàng cũng mạnh dạn cho vay ra hơn. Từ đó, thị trường bất động sản, cho vay tiêu dùng có thể phần nào sẽ được tháo gỡ”, TS. Hiếu nói.

Tiếp cận dưới góc độ khác, TS. Thành cho rằng để xử lý được các ngân hàng yếu còn lại, có lẽ cần thay đổi cách đặt và giải quyết vấn đề. Vừa qua chúng ta “ưu tiên” nhiều hơn cho việc khuyến khích các ngân hàng tự nguyện tìm đối tác, tự nguyện sáp nhập… thì nay - nhất là trong bối cảnh khó khăn của thị trường, có lẽ cần đề cao hơn tính kiên quyết, triệt để và có thể phải điều chỉnh các biện pháp kỹ thuật trong xử lý. Rủi ro khác được một chuyên gia đặt ra là quá trình xử lý các ngân hàng yếu kém có thể gây ra biến động trên thị trường tài chính ngân hàng.

Tuy nhiên theo TS. Lực, vấn đề này không thực sự đáng lo ngại. Vì, một mặt chúng ta đã có kinh nghiệm xử lý các ngân hàng yếu kém trong thời gian qua; mặt khác đây là những ngân hàng nhỏ. Hơn thế nữa, khi chúng ta thông tin rõ ràng là NHNN đã đứng ra đảm bảo về quyền lợi của người gửi tiền nên lo ngại về biến động thị trường là không đáng có.

Theo Đỗ Lê
Thời báo ngân hàng

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên