MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Đặng Hùng Võ: Kiến nghị sửa 6 điểm trong Luật Đất đai để thu hút FDI

Theo ông Đặng Hùng Võ, sớm hay muộn cũng phải xây dựng một hệ thống pháp luật đất đai trên nguyên tắc bảo đảm sự công bằng về quyền và nghĩa vụ giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Gs. TsKh. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, khả năng tăng vốn FDI có mối liên quan chặt chẽ với độ cởi mở của các chính sách đất đai. Việc tạo bình đẳng về quyền tiếp cận đất đai giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài sẽ là một bước quan trọng để tăng vốn FDI trong thời gian tới.

Tăng vốn FDI liên quan chặt chẽ với độ cởi mở chính sách đất đai      

Vốn FDI thực hiện tăng khá mạnh trong giai đoạn 1993 - 1994 là do Luật Đất đai năm 1993 và Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê đất ở Việt Nam đã có những quy định cụ thể mang tính ổn định cho môi trường đầu tư FDI.


Luồng vốn FDI thực hiện bị giảm đáng kể vào năm 1998 là do khủng hoảng tài chính khu vực, sau đó luồng vốn FDI có tăng chậm.

Từ 2004, vốn thực hiện FDI thực hiện bắt đầu tăng trở lại với tốc độ cao hơn do sự cởi mở hơn của Luật Đất đai 2003, mở rộng nhiều quyền cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong năm 2007 và 2008, vốn FDI thực hiện tăng đáng kể do Chính phủ đã tạo được cơ chế bình đẳng thực sự giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài trong thực hiện các dự án phát triển bất động sản nhà ở. 

Trong 3 năm gần đây, vốn FDI thực hiện giảm đi do những khó khăn của nền kinh tế trong nước khi Chính phủ thực hiện các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát.

Sớm hay muộn cũng phải xây dựng một hệ thống pháp luật đất đai 

Theo ông Đặng Hùng Võ, theo nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), sớm hay muộn chúng ta cũng phải xây dựng một hệ thống pháp luật đất đai trên nguyên tắc bảo đảm sự công bằng về quyền và nghĩa vụ giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. 

Ông Đặng Hùng Võ cho rằng, các đổi mới về pháp luật đất đai đối với các dự án đầu tư nhằm khuyến khích thu hút FDI bao gồm các nội dung như: 

Thứ nhất, cơ chế "Nhà nước thu hồi đất" được thay thế bằng cơ chế "Nhà nước trưng dụng đất" và chỉ được áp dụng cho các dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Thứ hai, các dự án đầu tư vì mục đích lợi nhuận của nhà đầu tư chỉ được tiếp cận đất đai thông qua cơ chế thoả thuận với người đang sử dụng đất để nhận chuyển nhượng, thuê hoặc nhận góp vốn bằng đất đai; trường hợp đã đạt được sự đồng thuận của ít nhất 80% số lượng người đang sử dụng đất mà gặp trở ngại từ sự bất hợp tác của những người đang sử dụng đất còn lại, thì Nhà nước cho phép áp dụng cơ chế chuyển nhượng bắt buộc theo mức giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

Thứ ba, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều được lựa chọn hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần hoặc cho thuê đất trả tiền hàng năm để thực hiện các dự án đầu tư có thời hạn; tiền thuê đất ở được tính bằng tiền sử dụng đất ở đối với các dự án xây dựng kinh doanh nhà ở.

Thứ tư, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều được quyền nhận chuyển nhượng đất đai từ tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân trong phạm vi dự án đầu tư đã được chấp thuận địa điểm.

Thứ năm, nhà đầu tư được thực hiện các quyền giao dịch đối với đất thuê của Nhà nước trả tiền thuê đất một lần, đối với đất đã nhận chuyển nhượng, thuê, nhận góp vốn; quyền giao dịch được thực hiện theo thời hạn sử dụng đất.

Thứ sáu, pháp luật đất đai cần đa dạng hoá các hình thức tiếp cận đất đai thông qua Tổ chức phát triển quỹ đất để làm giảm nhẹ áp lực về sự phức tạp của đất đai lên các nhà đầu tư. 

Phương Dung

dungdp

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên