MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VinaCapital: Nhà đầu tư ngoại mong muốn gì khi cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty?

Giảm bớt tỷ lệ sở hữu của nhà nước đồng thời tăng cường minh bạch tài chính cũng như quy trình định giá doanh nghiệp nhà nước

Theo một báo cáo vừa được công ty quản lý quỹ VinaCapital phát hành, việc chính phủ ban hành nghị quyết 15/NQ-CP Về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá đây là cơ hội thứ 2 để họ mua cổ phần của những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Dưới đây là phần đầu trong series những bài đánh giá của VinaCapital về tiến trình cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mới được khởi động lại. Phần này đề cập đến góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài về đợt cổ phần hóa này.

Sau khi cổ phần hóa và niêm yết, các doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines hay Vinatex đều sẽ những doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất Việt Nam. Các doanh nghiệp này sẽ là lựa chọn chốt để thêm vào danh mục của các nhà đầu tư ngoại lớn trên thị trường, đặc biệt là các quỹ ETF tập trung vào thị trường Việt Nam.

Những cổ phiếu vốn hóa lớn chắc chắn sẽ được chào đón bởi vì nhiều cổ phiếu blue-chip đã không còn room trống cho nhà đầu tư ngoại, chẳng hạn như Vinamilk hay FPT.

VinaCapital nhận thấy có nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại đối với thị trường Việt Nam từ năm 2013 và tiếp tục gia tăng trong năm 2014 này. Ngay cả các nhà phân tích bi quan như Marc Faber cũng tự tin vào xu hướng đi lên của thị trường Việt Nam và những khoản đầu tư của họ phản ánh sự tự tin đó.

Những mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia cổ phần hóa

Với một bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định như lạm phát thấp và tỷ giá ổn định, các nhà đầu sẽ yên tâm hơn về việc bảo toàn giá trị các khoản đầu tư của mình. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề khác mà họ mong muốn, bao gồm:

- Sự minh bạch của các số liệu tài chính của các doanh nghiệp thực hiện IPO. Các báo cáo tài chính cần được kiểm toán và phát hành trước khi IPO. Việc định giá tài sản của doanh nghiệp cũng cần được công bố đầy đủ.

- Việc định giá giá trị của doanh nghiệp là phần phức tạp nhất của quá trình cổ phần hóa và cần phải được thực hiện bởi các nhà tư vấn có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp đó. Trong bối cảnh hiện nay, giá trị của doanh nghiệp cần phải được điều chỉnh giảm xuống để phù hợp với những thực trạng của nền kinh tế. Trước nhiều, nhiều lãnh đạo của các doanh nghiệp nhà nước đã định giá doanh nghiệp dựa trên những kỳ vọng có phần không thực tế.

- Minh bạch các báo cáo tài chính và quá trình định giá sẽ giúp nhà đầu tư tin tưởng hơn rằng các doanh nghiệp nhà nước này sẽ thực sự hoạt động vì lợi ích của các cổ đông. Cần có những phương án để gắn lợi ích của ban lãnh đạo với lợi ích của cổ đông (phát hành cổ phiếu ưu đãi cho ban lãnh đạo).

Tỷ lệ sở hữu của nhà nước sau cổ phần hóa mối quan tâm hàng đầu

Theo Nghị quyết 15, nhà nước sẽ không nắm giữ quá 65% cổ phần của các doanh nghiệp cổ phần hóa, ngoại trừ một số ngoại lệ như Bảo Việt và một số ngân hàng. Đại diện Eurocharm cho biết các nhà đầu tư nước ngoài khá băn khoăn về việc cổ phần giữ lại của nhà nước còn quá lớn, như vậy tiếng nói của nhà nước vẫn còn đáng kể đối với việc điều hành doanh nghiệp.

Các vấn đề như bổ nhiệm thành viên HĐQT và ban điều hành, chia cổ tức, tỷ lệ nợ trên vốn là những cân nhắc quan trọng trong quyết định của nhà đầu tư ngoại khi mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước.
Bằng chứng rõ ràng cho những quan ngại trên là việc một số doanh nghiệp như Sabeco sau 8 năm cổ phần hóa thì nhà nước vẫn nắm tới 89% cổ phần hay Petrolimex hiện do nhà nước sở hữu 95%.

Câu chuyện thành công

Tổng Công ty khí Việt Nam – PV GAS được cổ phần hóa vào năm 2010 với tỷ lệ chào bán thành công ra công chúng là 3,2% vốn điều lệ. Giờ đây, PV GAS là cổ phiếu lớn nhất trên thị trường chứng khoán với mức độ tác động rất lớn tới VN-Index. Giá trị của PV GAS đã tăng gấp 3 lần từ khi cổ phần hóa, từ 2,8 tỷ lên 8,4 tỷ USD. Nhà đầu tư nước ngoài hiện đang sở hữu 2,5% cổ phần của PV GAS.

Đầu năm 2014, PV GAS đã đề xuất với các cơ quan chức năng về việc phát hành thêm cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài để huy động thêm vốn mua một mỏ khí đốt lớn ở vùng biển phía Nam Việt Nam. GAS cũng cần 1 tỷ USD để mua lại hệ thống đường ống dẫn khí từ tập đoàn Chevron của Hoa Kỳ. Giải pháp khả thi nhất là phát hành thêm cổ phần.

Những thông tin trên là ví dụ thành công về việc một doanh nghiệp doanh nghiệp nhà nước lớn đã cổ phần hóa với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Và đến từ các động thái:

- Một đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng
- Niêm yết trên sàn chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh
- Các kế hoạch tăng vốn

Những đánh giá tích cực
Thông qua các cuộc tiếp xúc thường xuyên với giới đầu tư nước ngoài, VinaCapital nhận thấy sự quan tâm đáng kể của nhà đầu tư nước ngoài đối với các đợt IPO đang và sắp diễn ra. Quan điểm chung của những nhà đầu tư nước ngoài về động thái này là:

- Đây là một khởi đầu mới trong một nỗ lực quan trọng của Việt Nam
- Tiến trình cổ phần hóa diễn ra trong điều kiện vĩ mô và thị trường chứng khoán thuận lợi
- Việc cổ phần nhận được sự ủng hộ và giám sát của Chính phủ.
- Tiến trình cổ phần hóa đầy tham vọng này đại diện cho một bước tiến lớn trong việc tạo dựng một nền kinh tế hiệu quả hơn và năng suất hơn.

Khả Hãn

duchai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên