MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

21 CTCK lãi hơn 3.500 tỷ đồng sau 6 tháng, tăng trưởng 39%

Dù thị trường gặp nhiều khó khăn trong quý II/2018, nhưng với kết quả khả quan trong quý I đã giúp tổng lợi nhuận 6 tháng đầu năm của 21 CTCK lớn vẫn tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.

Sau khi xác lập mức đỉnh lịch sử vào ngày 9/4/2018 với 1.204,33 điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc rất mạnh cả về mặt điểm số lẫn thanh khoản. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6, VN-Index đứng ở mức 960,78 điểm, tương ứng giảm 18,2% so với cuối quý I/2018 và giảm 20,2% so với mức đỉnh lịch sử. HNX-Index cũng giảm 19,8% xuống 106,17 điểm.

Thanh khoản thị trường giảm một nửa so với đỉnh cao của quý 1 do nhiều nhà đầu tư đã mất niềm tin vào đà hồi phục của thị trường chung.

Những diễn biến xấu của thị trường chung trong quý II/2018 đã ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh của nhiều công ty chứng khoán.

Thống kê khoảng 21 CTCK lớn, tổng doanh thu quý II/2018 đạt hơn 5.171 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ trong khi đó lợi nhuận giảm gần 13% đạt 1.366 tỷ đồng.

21 CTCK lãi hơn 3.500 tỷ đồng sau 6 tháng, tăng trưởng 39% - Ảnh 1.

Trong đó, Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) là cái tên gây thất vọng lớn nhất khi là cái tên duy nhất trong danh sách 21 CTCK lớn báo lỗ quý II/2018 với 17 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ, ACBS vẫn lãi gần 53 tỷ đồng. Điều này là do chi phí hoạt động của ACBS tăng mạnh bởi ghi nhận lỗ từ tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ 60 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí ở mảng môi giới cũng tăng 46%.

Những diễn biến xấu trong quý II/2018 đã khiến kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm của ACBS tăng trưởng âm. Cụ thể, công ty báo lãi sau thuế 49,3 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vẫn là cái tên có mức doanh thu lẫn lợi nhuận cao nhất trong nhóm CTCK. Quý II/2018, SSI ghi nhận 870,9 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng trưởng 28% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế là 320 tỷ đồng, cách khá xa so với CTCK đứng sau là Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) với 198,3 tỷ đồng.

21 CTCK lãi hơn 3.500 tỷ đồng sau 6 tháng, tăng trưởng 39% - Ảnh 2.

(*) Các CTCK chưa có BCTC hợp nhất

Thị phần môi giới cổ phiếu/chứng chỉ quỹ của SSI trong quý II/2018 giữ vững vị trí số 1, đạt 23,08% tại HOSE và 11,18% tại HNX. Đây là quý thứ 18 liên tiếp SSI dẫn đầu tại HOSE, cũng là quý đầu tiên thị trường chứng khoán đón nhận một công ty có thị phần vượt mốc 20%. Nhờ đó, doanh thu từ nghiệp vụ môi giới chứng khoán của công ty tăng 83% so với cùng kỳ, đạt 340,3 tỷ đồng, SSI cũng là công ty có doanh thu ở mảng môi giới lớn nhất thị trường.

21 CTCK lãi hơn 3.500 tỷ đồng sau 6 tháng, tăng trưởng 39% - Ảnh 3.

Lợi nhuận 6 tháng vẫn tăng trưởng mạnh nhờ quý I

Mặc dù nhiều CTCK gặp khó khăn trong quý II nhưng với kết quả đột biến vào quý I nên tính chung cả 6 tháng đầu năm, KQKD của nhóm CTCK vẫn có sự tăng trưởng mạnh.

Cụ thể, tổng doanh thu 6 tháng của 21 CTCK đạt 10.723 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế là 3.515 tỷ đồng, tăng trưởng 39%.

21 CTCK lãi hơn 3.500 tỷ đồng sau 6 tháng, tăng trưởng 39% - Ảnh 4.

Dù trong danh sách 21 CTCK theo thống kê thì không có công ty nào báo lỗ trong 6 tháng đầu năm nhưng có 8 công ty tăng trưởng lợi nhuận âm và phần lớn đều do kết quả quý II/2018 không được tốt.

21 CTCK lãi hơn 3.500 tỷ đồng sau 6 tháng, tăng trưởng 39% - Ảnh 5.

Ba vị trí dẫn đầu về lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2018 thuộc về ba CTCK có thị phần lớn nhất đó là SSI, VCSC và HCM. Trong đó, SSI vẫn duy trì vị thế số 1 khi đạt hơn 707 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 17,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tiếp sau đó, VCSC và HCM đạt mức lợi nhuận là 530,6 tỷ đồng và 471,8 tỷ đồng trong 6 tháng, tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Tính lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu và lãi sau thuế của VPBS lần lượt đạt 791 tỷ đồng và 251 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, Công ty ghi nhận doanh thu giảm 15%, trong khi đó lãi sau thuế lại tăng mạnh 192%.

Các khoản cho vay vẫn tăng dù thị trường gặp khó

Dù thị trường gặp khó khăn trong phần lớn thời gian của quý II/2018, nhưng khoản cho vay (bao gồm cho vay ký quỹ và ứng tiền trước) của các CTCK vẫn duy trì ở mức tương đối cao. Tổng giá trị cho vay của 21 CTCK đạt hơn 39.000 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,6% so với số đầu năm.

Trong đó, khoản cho vay của Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) (MAS) có tốc độ tăng trưởng lớn nhất và đạt 71%. Cụ thể, tại thời điểm 30/6/2018, khoản cho vay của MAS đạt 1.835,5 tỷ đồng trong khi số đầu năm chỉ là 1.072,5 tỷ đồng.

Theo Bình An

NDH

Trở lên trên