MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

21% người Việt làm trái ngành, "đá chéo sân" nhưng nhiều người vẫn kiếm tiền tỷ mỗi tháng

11-11-2022 - 11:31 AM | Sống

21% người Việt làm trái ngành, "đá chéo sân" nhưng nhiều người vẫn kiếm tiền tỷ mỗi tháng

Vì nhiều lý do khác nhau, không ít sinh viên ra trường đi làm trái ngành. Và trong thực tế, nhiều sinh viên đã chứng minh, làm trái ngành không phải là một thất bại hay uổng phí những năm học đại học, thậm chí có người kiếm được cả tỷ đồng mỗi tháng.

4-5 năm, thậm chí là 7 năm trên giảng đường đại học, bất kể cử nhân nào cũng muốn được làm đúng chuyên ngành học để có thể phát huy tối đa năng lực cũng như những kiến thức đã tích lũy.

Học ngành này, làm nghề khác đã không còn quá xa lạ đối với thị trường lao động Việt Nam hiện nay, thậm chí đã trở thành một xu thế. Theo nghiên cứu nhóm nghiên cứu trường Đại học Quốc tế (ĐHQGHN) mới đây đã công bố tỷ lệ người lao động làm trái ngành lên đến 21,43%. Con số này có thể cao gấp 2 lần nếu tính riêng từng ngành. 

Cũng theo dữ liệu từ nhóm nghiên cứu này, cử nhân những ngành kiến trúc, công nghệ, kỹ thuật và xây dựng có tỉ lệ làm trái ngành lên đến 31,6%. Thậm chí, tỷ lệ sinh viên làm trái ngành còn vượt quá 60% đối với các ngành như Nhân văn và nghệ thuật (63%); Ngành khoa học tự nhiên, toán và công nghệ thông tin (60.6%); Ngành nông, lâm, ngư và thú y (67%).

Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan cũng chiếm phần nổi bật. Rất nhiều các ứng viên sẵn sàng làm trái ngành khi có cơ hội và nếu cảm thấy bản thân phù hợp. Và thực tế, rất nhiều bạn trẻ đã chọn được công việc trái ngành thực sự phù hợp với bản thân, đạt mức thu nhập cao và dự định gắn bó, phát triển lâu dài.

Học xây dựng nhưng thành công với Start-up thời trang

Anh Đặng Hoàng Sơn, sinh năm 1996 tại Hà Nội vốn là cử nhân xuất sắc của Khoa Kiến trúc và quy hoạch (Đại học xây dựng). Sau khi ra trường, anh đã cùng 2 người bạn mở công ty kiến trúc và xây dựng nhà dân dụng và đạt được một số thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, sau 2 năm gắn bó, anh Sơn đã quyết định “đá chéo sân”.

“Sau hơn 2 năm gắn bó với nghề, tôi nhận thấy làm kiến trúc và xây dựng thực tế khác xa ước mơ của mình mong muốn thời còn đi học là được thỏa sức sáng tạo đứa con tinh thần của mình vì một số đặc thù của ngành  kiến trúc và xây dựng nhà dân dụng ở Việt Nam”, anh Sơn kể lại. “Sau một khoảng thời gian nghiêm túc tìm hiểu và nghiên cứu thị trường Việt Nam, tôi nhận thấy tiềm năng vượt trội của ngành Xuất khẩu may mặc trong thời kỳ hội nhập. Đó cũng là lý do tôi quyết định dấn thân vào ngành này”.

21% người Việt làm trái ngành, đá chéo sân nhưng nhiều người vẫn kiếm tiền tỷ mỗi tháng - Ảnh 1.

Anh Đặng Hoàng Sơn, sinh năm 1996

Xây dựng một thương hiệu thời trang xứng tầm thế giới đã trở thành khao khát của anh Sơn. Dù là người “tay ngang”, không được đào tạo chuyên nghiệp nhưng anh vẫn quyết định cùng 4 người bạn thành lập 1 start-up về Thời trang, kinh doanh qua phương thức E-commerce (Thương mại điện tử).

21% người Việt làm trái ngành, đá chéo sân nhưng nhiều người vẫn kiếm tiền tỷ mỗi tháng - Ảnh 2.

Anh Sơn làm việc miệt mài cùng team

Nhớ lại những ngày đầu tiên, anh Sơn kể lại: “Tôi và team đã phải vừa học và làm, học từ những kiến thức cơ bản nhất đến nghiên cứu các cách làm, quản lý hàng hóa, chuỗi cung ứng, quản lý tài chính, marketing... Cũng như những start-up non trẻ khác, chúng tôi đã vấp ngã rất nhiều và có những sai sót phải trả giá bằng toàn bộ số vốn đã bỏ ra. Những mỗi lần bắt đầu lại, chúng tôi lại có thêm kinh nghiệm và càng ngày càng khẳng định bản thân đã lựa chọn đúng đắn”.

Hiện tại, thương hiệu thời trang của anh Sơn đã đi vào hoạt động ổn định và đạt mức độ tăng trưởng cao. Với mức thu nhập cá nhân trên dưới 1 tỷ đồng mỗi tháng, anh Sơn càng tin tưởng hơn vào sự lựa chọn của bản thân.

“Đá chéo sân” không đồng nghĩa với thất bại

Bén duyên” với ngành Truyền thông - marketing một cách rất tình cờ, anh Đặng Lê Minh (sinh năm 1999) dường như đã thực sự tìm thấy đam mê của bản thân và lên kế hoạch gắn bó, phát triển lâu dài. Vốn là cử nhân ngành Quản trị nguồn nhân lực, tốt nghiệp đúng khoảng thời điểm đại dịch covid-19 bùng phát dữ dội, chàng trai 9x đã tìm ra một ngã rẽ hoàn toàn khác cho bản thân.

“Thời điểm mình kết thúc chương trình học tại Đại học cũng là lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát, với ảnh hưởng rất nặng nề tới việc làm của mọi người trong xã hội, đặc biệt là các công việc văn phòng. Bản thân mình là 1 người yêu thích sự sáng tạo và ngay tại thời điểm đó, mình đã tìm ra được hướng đi mới trong việc phát triển sự nghiệp của bản thân - đó là đi theo xu hướng của thời đại mới với ngành Marketing - Truyền thông”, Lê Minh kể lại.

21% người Việt làm trái ngành, đá chéo sân nhưng nhiều người vẫn kiếm tiền tỷ mỗi tháng - Ảnh 3.

Đặng Lê Minh, sinh năm 1999

Cũng như bao lao động làm trái ngành khác, ban đầu Minh cũng gặp nhiều khó khăn vì thiếu kiến thức nền tảng. “Để bắt kịp với đồng nghiệp cũng như đáp ứng được các yêu cầu của công việc, những người làm trái ngành như chúng mình thường phải nỗ lực gấp 2-3 lần. Bản thân mình phải tự mày mò và tự học lượng kiến thức khổng lồ”, Minh chia sẻ. Ngoài giờ làm, anh thường xuyên tham gia các khóa học online và tham dự các hội thảo để trau dồi thêm kiến thức. Việc kết bạn và học hỏi từ những người trong ngành cùng đóng một vai trò vô cùng quan trọng.

Vất vả là vậy nhưng Lê Minh luôn khẳng định, những kiến thức được đào tạo ở giảng đường vẫn luôn đóng một vai trò quan trọng và mang tính nền tảng cho công việc trái ngành hiện tại: “Chuyên ngành Quản trị nguồn nhân lực cùng những kinh nghiệm thực tập trong nghề giúp mình có khả năng giao tiếp, kết nối tốt với người khác. Nhờ đó, mình có được lợi thế hơn trong việc nắm bắt được tâm lý và mong muốn của sếp cũng như công chúng mục tiêu. Đó cũng là yếu tố then chốt hỗ trợ mình trong việc triển khai các kế hoạch và chiến dịch truyền thông”.

Hiện tại chàng trai sinh năm 1999 đang trong quá trình thực hiện luận văn thạc sĩ Quản trị kinh doanh - chuyên ngành Marketing tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Sau khi hoàn thành chương trình Thạc sĩ, Lê Minh tin tưởng bản thân sẽ xây dựng được sự chủ động và tâm thế tự tin hơn về kiến thức, hiểu biết với ngành nghề. Đồng thời  tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành 1 chuyên gia trong ngành cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho những cơ hội nghề nghiệp mới trong tương lai.

Như vậy, được làm công việc đúng với chuyên ngành mà mình theo đuổi trong suốt những năm học đại học là ước mơ của hầu hết mọi người, Thế nhưng, làm trái ngành cũng là một trong những lựa chọn tốt, miến là bản thân chúng ta có đủ đam mê, sự quyết tâm và tinh thần bền bỉ đến cùng.

Thu Quỳnh

Trí thức trẻ

Trở lên trên