3 bài học đắt giá trong khi tìm cơ hội nghề nghiệp mới giúp tôi có cái nhìn tích cực về "nhảy việc": Thay đổi không có nghĩa phải vứt bỏ mọi thứ
Bạn hoàn toàn có thể nghĩ đến những cơ hội lớn hơn và luôn được quyền hy vọng vào một công việc với mức độ ổn định hơn hiện tại nếu như bạn không tìm được nhiệt huyết.
Bài viết được thực hiện bởi Stephanie Nieves, biên tập viên tại The Muse. Stephanie tốt nghiệp trường Hobart và William Smith Colleges với bằng B.A. Cô đã từng là một giáo viên, sau đó thay đổi sang công việc đam mê từ lâu đó là viết lách. Với những gì gặt hái được, Stephanie chia sẻ tới độc giả: Không bao giờ là quá muộn để theo đuổi ước mơ của bạn.
Sau nhiều năm ở một vị trí, bạn đã quá mệt mỏi và chán nản nhưng lại cảm thấy mạo hiểm khi bỏ công việc ổn định hay tiếc nuối những gì mình đã gây dựng suốt trong thời gian qua. Vì vậy, bạn không tự tin và lo ngại về sau khi đưa ra quyết định thay đổi công việc.
Nhưng, "nhảy việc" không phải là một việc tiêu cực đến mức như vậy, tôi cũng là một người đã từng có kinh nghiệm "nhảy việc" và trong suốt thời gian chuyển đổi công việc cũ sang mới, mọi thứ diễn ra đều khiến tôi yên tâm hơn về quyết định này.
Trước khi trở thành một biên tập viên cho một kênh tin tức chuyên về tư vấn sự nghiệp, tôi là một giáo viên tiểu học được 3 năm nhưng sau đó cảm thấy bản thân không thực sự chắc chắn về công việc này và lo ngại năng lực giảng dạy sẽ ảnh hưởng tới kết quả học tập của học sinh. Thẳng thắn với hiệu trưởng, tôi quyết định xin nghỉ việc và theo đuổi đam mê trở thành một biên tập viên. Khi kết thúc sáu tháng tìm hiểu, làm bán thời gian để thử việc và suy ngẫm về kinh nghiệm của mình, tôi nhận ra rằng tôi đã học được ba bài học quý giá trong chặng đường đầu tiên này và hiểu biết nhiều hơn về thực tế của sự thay đổi chốn làm việc.
Bài học thứ nhất: Thay đổi nghề nghiệp không có nghĩa là bạn vứt bỏ mọi thứ và bắt đầu lại
Dạy học có nghĩa là truyền đạt thông tin mới hoặc có giá trị cho học sinh, sinh viên. Còn với vị trí biên tập viên hiện tại tôi đang làm tại kênh tin tức của mình thì đó là một sự khác biệt, vì ở đây tôi thường chia sẻ lời khuyên tới những độc giả hay giải đáp những câu hỏi liên quan đến nghề nghiệp.
Nhưng tôi nhận ra nhiều điểm giống nhau giữa hai công việc hơn đó là đưa ra ý tưởng và viết nội dung hấp dẫn cho trang web của chúng tôi cũng khó khăn và yêu cầu cao không kém khi tôi phải cố gắng thu hút học sinh tiểu học vào một bài giảng, dạy chúng làm sao cho để không bị "cháy" giáo án. Hay việc thu thập và lắng nghe phản hồi về các bài viết của mình từ đồng nghiệp và sếp luôn giống với việc lên kế hoạch cho các bài giảng và thảo luận với các giáo viên khác trong tổ bộ môn. Vì vậy, tôi cảm thấy những kinh nghiệm khi còn giảng dạy đã giúp tôi mạnh mẽ và tự tin khi đưa ra quyết định "sang trang".
Về cơ bản, không có gì bạn làm trước đây là một sự lãng phí. Chúng ta hoàn toàn có thể tìm thấy những điểm tích cực trong việc này. Chuyển việc có thể giúp bạn tìm hiểu thêm được về bản thân bạn thực sự thích gì và không thích gì, mở rộng được mối quan hệ với nhiều người trong các ngành nghề khác nhau hay giúp bạn bổ sung thêm kĩ năng nào đó cho bản thân.
Bài học thứ hai: Nhưng thay đổi nghề nghiệp có nghĩa là thay đổi cách bạn làm việc
Khi là một giáo viên, tôi hay cùng đồng nghiệp lên kế hoạch trước cho các bài giảng. Mỗi khi bắt đầu một đơn vị bài học mới, tất cả các giáo viên cùng khối sẽ cùng nhau viết giáo án, đưa ra cả tổ cũng thảo luận trước chương trình giảng dạy. Và, điều này có nghĩa là kế hoạch, định hướng luôn được chuẩn bị sẵn sàng, chỉn chu và mang tính chiến lược giúp học sinh hiểu bài một cách tốt nhất.
Nhưng khi chuyển sang nơi làm việc mới này, mọi thứ với tôi thật mới mẻ từ quy trình làm việc đến thói quen. Xuất bản nội dung trực tuyến linh hoạt hơn nhiều so với công việc một giáo viên. Thay vì đặt thời gian và lịch trình dựa trên các kế hoạch chuyên môn hay bài học hiện có, tôi phải tự lên kế hoạch cho các nội dung, đề tài cần xuất bản cho kênh tin tức, đáp ứng đủ chỉ tiêu mỗi ngày mà chúng tôi cần gửi tới độc giả. Tôi đã phải học cách ưu tiên các nhiệm vụ của mình trong giờ làm việc mà vẫn hoàn thành công việc sếp giao trước thời gian được cho phép. Phải từ bỏ một số thói quen trước đây như mang việc về nhà vào cuối ngày, hay chỉ cần làm việc theo những gì đã viết sẵn từ năm này qua năm khác trong quyển sách giáo khoa.
Bài học thứ ba: Và thay đổi nghề nghiệp khuyến khích bạn khám phá nhiều hơn
Khi còn là một giáo viên, tôi đã phải cố gắng duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống vì đây là công việc toàn thời gian, nên sau quyết định nghỉ việc tại trường học, tôi đã có thêm thời gian để theo đuổi sở thích và những đam mê mà tôi đã lãng quên trước đây.
Tham gia một lớp yoga và đọc rất nhiều sách hay viết lách những câu chuyện nhỏ về kĩ năng thực hành tự chăm sóc bản thân và chia sẻ chúng trên trang cá nhân của mình. Những hoạt động này cho tôi những giây phút nghỉ ngơi cần thiết sau những căng thẳng của công việc, giúp tôi trau dồi về các chủ đề tôi cần quan tâm khi là một biên tập viên. Chẳng hạn, khi tập yoga, tôi nhận ra rằng mình phải viết nhiều về việc tự chăm sóc bản thân cũng như việc bảo vệ sức khỏe. Và sáng tác những câu chuyện ngắn ấy đã giúp tôi nhận ra điểm mạnh của mình nằm ở đâu. Những kinh nghiệm này ảnh hưởng đến bài viết và công việc đang làm ở kênh tin tức hiện tại, và mở ra những cơ hội nghề nghiệp trong tương lai mà tôi chưa từng nghĩ đến trước đây.
Thay đổi nghề nghiệp không có nghĩa là tôi phải từ bỏ hoàn toàn một lĩnh vực này sang một lĩnh vực khác. Trên thực tế, nó là sự kết hợp giữa kinh nghiệm giảng dạy trong quá khứ và kinh nghiệm viết lách hiện tại, giúp cho niềm đam mê của tôi sẽ tiếp tục phát triển và trở nên rõ ràng hơn theo thời gian.
The Muse