MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 dấu hiệu nhận biết để tránh xa các cổ phiếu rơi từ 30.000đ về 2.000đ

Những nhà đầu tư không hiểu rõ báo cáo tài chính có thể thông qua một số dấu hiệu "phổ thông" để có thể sáng suốt hơn trước khi chọn mặt gửi vàng.

Tình trạng cổ phiếu lao dốc không phanh về mức giá cọng hành đang diễn ra ngày một nhiều. Trước đó, các cổ đông sẽ không thể ngờ rằng cổ phiếu mà mình đang nắm giữ - từng có giá 30.000 – 40.000 đồng lại có thể giảm sàn khốc liệt đến nỗi về đến 2.000 đồng.

Từ MTM, ATA, KTB, FID, BII, KVC, NHP… cho đến gần nhất lúc này là CDO, điểm chung đều là một biểu đồ giá rơi thẳng đứng. Giá cổ phiếu đi xuống có thể do tình hình kinh doanh của doanh nghiệp sụt giảm hoặc gặp thông tin bất lợi, nhưng những trường hợp cổ phiếu lao dốc quá nặng thường xảy ra tại các doanh nghiệp đã sử dụng thủ thuật để tăng vốn ảo, tăng tài sản ảo. Đối với những nhà đầu tư không hiểu rõ báo cáo tài chính, thông qua một số dấu hiệu dưới đây cũng có thể sáng suốt hơn trước khi chọn mặt gửi vàng.

Nhìn chung, nhà đầu tư có thể nhận thấy rằng ngay trước hoặc sau khi niêm yết, các doanh nghiệp này đều tăng vốn rất mạnh. Đối với doanh nghiệp đang phát triển, nhu cầu huy động vốn là cần thiết, nhưng hãy nhìn vào 3 chỉ tiêu này để thấy vốn đó có thật hay không.

Tiền mặt

Chiến lược quản trị tiền mặt của mỗi doanh nghiệp mỗi khác và cũng tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động. Nhưng dù thế nào, một doanh nghiệp tốt cũng phải có tiền mặt thu về từ hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi, giống như một người giàu có thực sự phải là người có tiền trong tài khoản, chứ không chỉ là một danh mục cổ phiếu chưa chốt lãi.

Đối với một doanh nghiệp vừa tăng vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu, tiền lại càng nhiều. Để đánh giá tiền mặt của doanh nghiệp có “ảo” hay không, nhà đầu tư có thể xem khoản mục Doanh thu tài chính, phần Lãi từ tiền gửi, cho vay và so sánh khoản thu nhập có được nếu gửi tiền vào ngân hàng với lãi suất ngân hàng trong kỳ báo cáo.

Một cách lành mạnh, nếu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tăng trưởng và tỷ lệ tiền mặt trên mỗi cổ phiếu. cũng tăng trưởng thì doanh nghiệp đó là một lựa chọn an toàn.

Nếu gặp trường hợp doanh nghiệp tăng vốn từ 100 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng mà tiền mặt chỉ tăng từ 10 tỷ đồng lên 15 tỷ đồng, hãy nhìn tiếp các khoản tồn kho, phải thu và đầu tư tài chính.

Phải thu, tồn kho

Vốn huy động được sẽ phải “dùng” để tài trợ cho tài sản, nên nếu không để tiền trong két, nó sẽ dồn sang các khoản mục khác.

Cũng không có gì sai nếu doanh nghiệp tài trợ cho các khoản phải thu để thúc đẩy bán hàng, tăng doanh thu hay mua nguyên vật liệu để trong kho, chuẩn bị cho những đơn hàng mới. Nhưng phải xem thuyết minh chi tiết các khoản này. Các khoản phải thu thuộc dạng nào? Đối tượng của các khoản phải thu là ai? Nếu đối tượng là các đơn vị có liên quan đến doanh nghiệp thì cần xem xét kỹ hơn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể dùng chiêu mua hàng ảo và bán hàng ảo, ghi nhận các khoản trả trước cho người bán và sau đó rút ra từ đối tác bằng nhiều hình thức. Để có thêm KQKD đẹp thì doanh nghiệp lại bán chịu cho đối tác một khoản lớn hơn giá trị tài sản khác hoặc hàng tồn kho.

Ví dụ như CDO, trong năm 2015, CDO đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng với tổng doanh thu là 181 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2014. Trong đó, doanh thu từ bán hàng hóa (phần lớn đến từ kinh doanh vật liệu xây dựng, nguyên vật liệu nến) đạt gần 56 tỷ đồng và còn lại thu từ dịch vụ (tư vấn thiết kế các công trình xây dựng và đặc biệt là mảng kinh doanh nhà hàng, khách sạn) là 125,6 tỷ đồng.

Khoản phải thu ngắn hạn cuối năm 2015 là 100 tỷ đồng – chiếm 75% tài sản ngắn hạn, trong đó có 49 tỷ đồng phải thu khách hàng và 51 tỷ đồng trả trước cho người bán. Trong đó, phải thu đối với Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển đô thị là 25 tỷ, đây là công ty do ông Vũ Đình Nghĩa, bố của ông Vũ Đình Nhân (Chủ tịch CDO) làm Chủ tịch HĐQT. Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển Đô thị cũng đã đóng góp hơn 73 tỷ đồng giá trị bán hàng của CDO trong năm 2015.

Đầu tư tài chính

Không “để tiền” vào tồn kho, phải thu thì doanh nghiệp có thể chọn đầu tư tài chính. Ví dụ như NHP, dù có lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng dùng tiền để đầu tư vào các đơn vị “tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn” rồi tham gia quản trị, nhưng không thể không đặt câu hỏi: Một doanh nghiệp vừa phát hành tăng vốn để tài trợ cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh, tại sao lại sẵn sàng đi cứu giúp các đơn vị khó khăn khác.

Nhìn lại trường hợp của MTM, sau khi tăng vốn và đầu tư đủ thứ, hơn 100 tỷ đồng tiền mặt đã bị rút mất, đi đâu không rõ trong khi tài sản ghi nhận trên bảng cân đối kế toán vẫn có đầy đủ.

Cũng về vấn đề đầu tư tài chính, nếu doanh nghiệp có lợi nhuận chủ yếu từ hoạt động tài chính hay hoạt động khác thì cũng không nên đánh giá sự tăng trưởng này quá. Các chuyên gia phân tích thường loại bỏ thu nhập bất thường và thu nhập tài chính khi đánh giá một doanh nghiệp.

Thanh Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên