MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 kịch bản cho Bitcoin tại Việt Nam

Sự biến động lớn của thị trường Bitcoin những năm qua đặc biệt trong vài tháng gần đây khiến nhiều người lo ngại về kịch bản của Bitcoin trong tương lai. Liệu câu chuyện "bong bóng hoa tulip" có lặp lại với Bitcoin ?

Thay đổi chóng mặt

Kể từ khi chính thức ra đời vào năm 2008 đến nay, Bitcoin đã có không ít ảnh hưởng đến với thị trường tài chính thế giới. Đặc biệt, khi đồng tiền này đang có những thay đổi chóng mặt không chỉ về giá cả, niềm tin mà còn cả với hệ thống chính sách của các nước. Bitcoin cũng là cái tên được nhắc nhiều nhất trên thị trường đầu tư và giới tài chính trên thế giới trong những năm vừa qua.

Về giá cả, đồng tiền mã hóa (crytocurrency) nổi tiếng này có giá chưa đến 0,1 USD vào năm 2010 nhưng tốc độ tăng một cách chóng mặt sau đó đã khiến giá trị của nó tiến sát ngưỡng 20.000 USD vào cuối năm 2017, rồi lại rơi xuống mức dưới 9.000 USD chỉ trong chưa đầy 3 tháng tiếp theo. Theo nhiều dự báo, giá Bitcoin sẽ dịch chuyển chủ yếu trong khoảng từ 10.000 USD tới 15.000 USD cho tới khi nhiều nhà đầu tư từ thị trường truyền thống tham gia vào cuộc chơi. Nhưng với tình hình hiện tại, ít ai có đủ lạc quan để cho rằng giá Bitcoin có thể phục hồi trở lại.

Giá trị của Bitcoin tại thị trường Việt Nam từ 16/1/2017 - 17/3/2018

3 kịch bản cho Bitcoin tại Việt Nam - Ảnh 1.

Nguồn: coinmarketcap.com


Về niềm tin, Bitcoin từng được đánh giá là tương lai của nhiều lĩnh vực với sự nổi bật về công nghệ blockchain, đặc tính vượt trội so với tiền pháp định thông thường. Nhưng cho đến nay, với những gì đã và đang diễn ra, Bitcoin đang dần đánh mất niềm tin của nhiều người. Đặc biệt, sau khi các "cá mập" trên thị trường đồng loạt bán tháo đồng Bitcoin cùng với sự tăng cường kiểm soát của các nước đối với loại tiền mã hóa này. Có thể nói, mức độ tin tưởng vào Bitcoin được lượng hóa thông qua chính giá trị của nó trên thị trường hiện hành. Vậy kịch bản nào sẽ xảy ra với Bitcoin ?

Kịch bản nào cho Bitcoin tại Việt Nam ?

Kịch bản 1: thuyết kì vọng giá trị

Dựa trên tư tưởng của Hayek, Bitcoin (Nobel kinh tế 1974) hay các đồng cryptocurrency sẽ được định giá thông qua giá trị thực mà chúng đem lại cho người sử dụng. Ở đây, giá trị thực của Bitcoin dựa trên chính công nghệ mà nó sử dụng.

Thuyết giá trị kì vọng về công nghệ chỉ ra rằng: Hầu hết, những công nghệ mới ban đầu được kì vọng đem lại giá trị cao. Sau đó, việc phát triển ra thêm những công nghệ khác và việc không đáp ứng được kì vọng ban đầu khiến công nghệ này sụt giảm giá trị nghiêm trọng. Cuối cùng, công nghệ loại này được định giá chính xác trên thị trường và ổn định một mức giá trị nhưng không thể đạt được giá trị cực đại ban đầu. Công nghệ càng được cải tiến hiện đại thì giá trị của nó càng cao.

3 kịch bản cho Bitcoin tại Việt Nam - Ảnh 2.

Nguồn : hype circle


Nói đến giá trị thực mà Bitcoin đem lại có thể kể đến một vài các ứng dụng thực tế đang được áp dụng trên thị trường. Ví dụ: trong lĩnh vực bán lẻ, Walmart là một trong những doanh nghiệp tiên phong sử dụng blockchain. Hiện tại, thương hiệu bán lẻ này đã sử dụng blockchain từ năm 2016 để theo dõi nguồn thịt lợn nhập từ Trung Quốc đến Mỹ. Trong lĩnh vực giáo dục, tại San Francisco, trường Holberton - một trường đào tạo kỹ sư phần mềm đã thông báo dự án quản lý sinh viên dựa trên nền tảng blockchain vào năm học mới.

Đối với ngành tài chính, OCBC là ngân hàng đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ blockchain (khối chuỗi) trong dịch vụ chuyển tiền nội địa và quốc tế, làm tăng hiệu suất, sự minh bạch, giảm chi phí và cải thiện trải nghiệm cho khách hàng. Ba ngân hàng lớn của Nhật Bản gồm Mizuho Bank, Sumitomo Mitsui Banking và Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ sau đó cũng đã công bố việc áp dụng công nghệ blockchain trong hoạt động của mình.

Ngoài ra, còn hàng ngàn ứng dụng khác trong các lĩnh vực thương mại điện tử và ngành y tế. Nhưng nhìn chung, tất cả các ứng dụng này giúp giảm thiểu đáng kể được chi phí và tăng tính thuận tiện cho khách hàng sử dụng.

Có thể nói, đây là kịch bản được đánh giá mang tính thực tế cao do không chỉ bởi những diễn biến trên thị trường Bitcoin hiện tại mà sự thuyết phục trong lý thuyết nền tảng từ F.A.Hayek trong cuốn sách "Denationalisation of money".

Kịch bản 2: thuyết đầu cơ

Kịch bản xấu hơn cho rằng: thị trường Bitcoin là thị trường đầu cơ.  Theo đó, giá trị của đồng Bitcoin sẽ bị chi phối không bởi giá trị thật của chúng mà do một số kẻ sở hữu lượng lớn Bitcoin trên thế giới. Những kẻ này được gọi là "cá mập". Khi các "cá mập" đẩy được giá Bitcoin lên cao thì chúng sẽ tung lượng lớn Bitcoin ra thị trường nhằm kiếm lợi nhuận. Ngay lập tức giá Bitcoin sẽ giảm một cách mạnh mẽ. Giá Bitcoin sau đó có thể phục hồi lại nhưng ở mức không đáng kể.

Đây có lẽ cũng là là kịch bản được nhiều người nhìn nhận về thị trường Bitcoin. Không chỉ nhà đầu tư, giới truyền thông mà không ít chuyên gia cũng đưa ra những nhận định không mấy khả quan sau sự sụt giảm nhanh chóng của đồng Bitcoin.

Ngày 1/1/2017, giá mỗi đồng Bitcoin là 970 USD. Gần 12 tháng sau, mỗi đồng tiền này xác lập mức đỉnh 20.000 USD. Rồi trong tuần cuối cùng của năm, nó xuống tới 10.400 USD, thấp hơn 44% so với đỉnh đạt được trước đó một tuần.  Đặc biệt, chỉ trong phiên giao dịch ngày 22/12, bitcoin giảm tới 30% khi chạm đáy. Hơn nữa, chỉ có khoảng 1.000 người có thể sở hữu khoảng 40% tổng số Bitcoin hiện có - theo chuyên gia Aaron Brown từng làm việc cho Quỹ đầu tư AQR Capital Management (Mỹ).

Như vậy, nếu kịch bản Bitcoin xảy ra đúng như dự đoán thì giá Bitcoin sẽ tiếp tục giảm trong tương lai. Tuy nhiên, kịch bản này khó có thể thành sự thực do Bitcoin thực sự đem lại giá trị trên thị trường và niềm tin vào Bitcoin vẫn được duy trì ở mức độ nhất định.

3 kịch bản cho Bitcoin tại Việt Nam - Ảnh 3.

Nguồn : Dr. Jean-Paul Rodrigue


Kịch bản 3: unlock

Đây có lẽ là kịch bản tươi sáng nhất cho thị trường Bitcoin. Theo đó, dù yếu tố công nghệ đằng sau và giá trị thực còn hạn chế so với những loại tiền mã hóa khác thì Bitcoin sẽ vẫn sẽ có giá trị cao và duy trì được do hiện tượng unlock xuất hiện.

Khi đã có lượng lớn người tin tưởng và sử dụng Bitcoin thì việc sử dụng loại đồng tiền mã hóa khác là tốn kém hơn về mặt chi phí (bao gồm các chi phí tìm hiểu, chi phí giao dịch, chi phí thiết lập tài khoản, chi phí duy trì…). Cũng tương tự như facebook, một khi khách hàng đã quen với việc sử dụng mạng xã hội này thì việc chuyển sang sử dụng một loại mạng xã hội khác dù thuận tiện hơn là hết sức khó khăn và tốn kém.

Như vậy, nếu theo kịch bản này dù giá trị Bitcoin có những biến động đáng kể thì giá trị của nó vẫn có thể giữ được giá trị cao và ổn định trong một thời gian dài trong tương lai nếu như phục hồi lại được niềm tin khách hàng một cách nhanh chóng.

Dẫu vậy, tất cả kịch bản về Bitcoin đều mang tính dự đoán. Giá trị của Bitcoin trong tương lai ra sao phụ thuộc vào niềm tin của người sử dụng, tất cả các đồng crytocurrency khác cũng vậy. Và niềm tin đó phụ thuộc chủ yếu vào giá trị thực tế mà chúng có thể đem lại.

Cuối cùng, chỉ có giá trị thực của một mới đem lại sử ổn định và lâu dài cho Bitcoin và các đồng crytocurrency. Khi Bitcoin trở về đúng giá trị thực của nó khi ấy thị trường mới thực sự hoạt động và các ứng dụng thực tế của nó mới đem lại của cải và hạnh phúc cho nhân loại.


Lê Văn Đạo

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên