3 kịch bản giá xăng và lạm phát năm 2019
Dù chịu nhiều yếu tố tăng nhưng áp lực lạm phát chỉ đáng ngại khi các hàng hóa khác cũng tăng giá theo điện và xăng dầu.
- 06-04-2019Giá xăng, dầu lẽ ra tăng gần 3.000 đồng/lít nếu không sử dụng Quỹ bình ổn
- 05-04-2019Doanh nghiệp vận tải lo 'mất khách' trước áp lực giá xăng dầu
- 02-04-2019Giá xăng tăng mạnh gần 1.500 đồng/lít kể từ 17h chiều nay ngày 2/4
Ngày 8/4/2019, giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng qua. Nhiều dự báo cho rằng giá xăng dầu khó dự báo, nhưng đều cho rằng có xu hướng tăng, điều này sẽ gây thêm sức ép với CPI trong nước và sức ép với lạm phát.
Giá xăng trong năm tăng 5% vì thuế môi trường
Trong điều hành giá và chống lạm phát, giá xăng dầu là một yếu tố quan trọng. Cuối tuần trước, tại phiên họp báo của Bộ Tài chính, ông Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, Bộ đã tính tới 3 kịch bản chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2019 với các giả thiết diễn biến giá xăng dầu thế giới ở các mức độ tăng khác nhau.
Kịch bản 1, theo giả thiết giá dầu bình quân thế giới tăng 5%, tác động tới CPI năm 2019 có thể tăng 3,4% so với năm 2018. Kịch bản 2, nếu xăng dầu thế giới tăng 10%, CPI tăng khoảng 3,7%. Kịch bản 3, nếu xăng dầu thế giới tăng 15% sẽ khiến CPI tăng ở mức 3,8-3,9%.
Theo ông Đặng Công Khôi, 3 kịch bản này đã được báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá. “Trong từng thời kỳ, từng quý, theo diễn biến cụ thể sẽ có những kịch bản chi tiết và biện pháp cụ thể để giữ được ổn định CPI", ông Khôi cho biết.
Không chỉ phụ thuộc vào diễn biến giá trên thế giới, nghiên cứu báo cáo Kinh tế vĩ mô 2019 của Trường Đại học Kinh tế quốc dân vừa được công bố cho rằng, giá bán lẻ xăng dầu trong nước năm 2019 còn bị đẩy tăng do thuế bảo vệ môi trường, và sẽ tác động đến lạm phát và tăng trưởng của nền kinh tế.
PGS.TS.Tô Trung Thành (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho biết: “Một trong những điểm nhấn là việc tăng thuế môi trường thêm 1000 đồng/lít kể từ ngày 1/1/2019 có thể làm tăng giá xăng dầu và ảnh hưởng lan tỏa đến nền kinh tế. Với mức tăng thuế này giá xăng dầu bình quân chung năm 2019 sẽ tăng khoảng 5% so với năm 2018”.
Nghiên cứu cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng ngay ở tháng đầu sau khi giá xăng dầu tăng khoảng 0,18%, tháng thứ 2 tăng 0,21%. Ảnh hưởng trực tiếp của giá xăng đến tiêu dùng cuối cùng của dân cư khiến ước tính 3 tháng sau CPI tăng 0,22%.
Ngoài ra, giá xăng dầu tăng khiến chi phí trung gian của nền kinh tế tăng 0,39%, tỷ lệ chi phí trung gian trên giá trị sản xuất tăng lên 0,1 điểm phần trăm, từ đó dẫn đến chỉ số giá khi bán cho người mua tăng 0,25%.
CPI tăng ở chu kỳ sản xuất sau thông qua quá trình sản xuất là 0,25%. Như vậy, ở ngay chu kỳ sản xuất tiếp theo, CPI có thể tăng 0,47% (0,25% + 0,22%). Tới chu kỳ sản xuất tiếp ở 3-6 tháng sau, khi nền kinh tế sử dụng đầu vào đã tăng giá ở chu kỳ trước, chi phí trung gian sẽ tiếp tục tăng lên. Trong trường hợp không tăng giá được nữa thì có thẻ khiến tổng giá trị gia tăng hoặc GDP giảm 0,27%.
Có 5 nhóm ngành chịu ảnh hưởng mạnh và ngay lập tức ở vòng đầu do tăng giá xăng tăng là dịch vụ vận chuyển, lưu trữ và bưu chính, dịch vụ lưu trú và ăn uống, thủy sản, khí đốt, cấp thoát nước và xử lý chất thải, dịch vụ vận tải, kho bãi.
Tượng tự, cũng có 5 nhóm ngành chịu tác động mạnh ở vòng sau là sản xuất kim loại, sản xuất thực phẩm và đồ uống, hóa chất - hóa dược và dược liệu, cao su, sản xuất xe có động cơ, khai khoáng. Đây là những ngành sử dụng sản phẩm đầu vào từ những ngành khác nhiều nên tác động của việc tăng giá xăng sẽ mạnh từ chu kỳ tiếp sau.
DN cầm cự chịu giảm lợi nhuận, chưa tính việc tăng giá
Như vậy, giá xăng dầu tăng ảnh hưởng rất lớn cả trực tiếp và gián tiếp tới hầu hết các ngành sản xuất quan trọng cả trong ngắn và dài hạn và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Tuy vậy, theo chuyên gia về giá cả, TS. Vũ Đình Ánh “Dù có chịu nhiều yếu tố tăng nhưng áp lực lạm phát chỉ đáng ngại khi các hàng hóa khác cũng tăng giá theo điện và xăng dầu”.
Mặc dù chịu tác động mạnh và trực tiếp khi chi phí xăng dầu chiếm tới 30-40% giá thành dịch vụ vận tải và các DN trong ngành, nhưng DN đang gắng gượng, chấp nhận giảm lợi nhuận và chưa tăng giá, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết. Việc tăng giá phải được tính toán cẩn trọng, không chỉ dựa trên đầu vào của dịch vụ mà còn phải dựa trên sức mua của thị trường, năng lực cạnh tranh.
Nhưng trên thị trường vật liệu xây dựng, “để đảm bảo sản xuất kinh doanh, vừa qua đồng loạt các DN sản xuất xi măng đã tăng giá bán sản phẩm trên thị trường”, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết.
Ở phía DN sản xuất, giá thành sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng do giá điện, giá xăng dầu và cả giá xi măng cùng tăng trong quãng thời gian ngắn, nhưng ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc dự án của Tổng công ty Viglacera cho biết, DN này đang cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau để có phương án giá phù hợp. Giá bán hiện đã tính tới một phần biên độ dao động theo tình thế thị trường, nếu vượt con số đó mới tăng giá.
“Đến nay, chưa có nhiều mặt hàng tăng giá cũng là tín hiệu tích cực, cho thấy không đến mức quá quan ngại về lạm phát. Nhưng việc tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, sách giáo khoa, tăng lương cơ sở… cần được cân nhắc kỹ lưỡng về thời điểm và nên theo bước nhỏ thay vì tăng mạnh để tránh tác động tâm lý”, TS.Vũ Đình Ánh phát biểu.
Tại phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá Quý I/2019 do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ chủ trì, Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước báo cáo đã có các tính toán và kịch bản riêng lạm phát cho những tháng còn lại. Trong đó, với kịch bản CPI tăng cao nhất thì vẫn bảo đảm mục tiêu là tăng khoảng 4%.
CPI tháng 4 này sẽ thể hiện ngay tác động từ giá điện, giá xăng tăng. TS.Vũ Đình Ánh cho rằng mức tăng CPI tháng 4 là chỉ báo quan trọng cho công tác điều hành giá những tháng tiếp theo.
Thời báo ngân hàng