3 ngành "xương sống" của kinh tế số: thương mại điện tử, fintech và logistics của Việt Nam đã hút vốn thành công ra sao trong năm 2019?
"Các ngành thương mại điện tử, fintech và hậu cần sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vì chúng là xương sống của nền kinh tế Internet", Lê Hoàng Uyên Vy của ESP Capital nói. "Đây là một nền tảng đầy hứa hẹn, nơi các công ty mới khởi nghiệp có thể tìm kiếm cơ hội mới, thay vì cạnh tranh trực tiếp với các công ty lớn."
- 26-12-2019Bloomberg: Từ ánh đèn Giáng sinh phố Hàng Mã đến câu chuyện thương chiến Mỹ-Trung và những nỗ lực chống hàng giả "Made in Vietnam" của Việt Nam
- 25-12-2019Fitch Solutions: Cải thiện an ninh năng lượng là yếu tố vô cùng quan trọng để duy trì đà tăng trưởng của Việt Nam trong dài hạn
- 25-12-2019The Straits Times: Việt Nam có lợi thế và rủi ro gì trong cuộc đua ngành dệt may với đối thủ Bangladesh?
Một chiều thứ sáu, Thanh Thủy, 38 tuổi, bước ra từ một quán cà phê bên đường để nhận một bưu kiện từ nhân viên Giao hàng nhanh. Thủy không mang ví. "Dạo này ra đường tôi chỉ mang mỗi điện thoại" cô nói về chiếc smartphone của mình.
Thủy là một trong số hàng triệu người tiêu dùng trung lưu Việt Nam. Đối với những người như Thủy, thương mại điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Eddy Hong, CEO của Nextrans, một quỹ đầu tư Hàn Quốc cho biết: "Việc chuyển đổi từ giao dịch tiền mặt sang không tiền mặt là một trong những cơ hội lớn nhất tại Việt Nam".
Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, khoảng 70% trong số đó dưới 35 tuổi và có tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm gần 7%. Có thể nói rằng Việt Nam là thị trường nóng nhất ở Đông Nam Á năm 2019.
Yotaro Tokuo, chuyên gia tại Công ty cổ phần tư nhân Nhật Bản Advantage Partners, coi Việt Nam là một trong những điểm đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực. "Kinh tế Việt Nam đã trở thành một điểm nóng thu hút các nhà đầu tư quốc tế, vẫn còn nhiều khoảng trống để tăng trưởng nhanh hơn. Các chính sách cũng đã được mở cửa cho đầu tư trực tiếp nước ngoài," ông nói.
Cơ sở hạ tầng Internet đã phát triển nhanh chóng ở Việt Nam, với tăng trưởng 148% số người sử dụng điện thoại di động và dịch vụ di động, theo GSMA Intelligence.
Lĩnh vực công nghệ đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ trong hoạt động vốn cổ phần tư nhân. Năm 2018, đã có khoản đầu tư 50 triệu USD của Tập đoàn Northstar vào Topica Edtech. Theo DealStreetAsia, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ trong 12 tháng qua là khoảng 500 triệu USD. Các giao dịch đáng chú ý bao gồm các khoản đầu tư của Warburg Pincus cho ví điện tử MoMo; và SoftBank, GIC đầu tư khoảng 300 triệu đô la vào VNPAY, một nền tảng thanh toán kỹ thuật số.
"Ở cấp độ khu vực, chúng tôi đã thấy các công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân hàng đầu có sự hiện diện ở Việt Nam ngày càng tăng", Khánh Trần của VinaCapital Ventures, công ty đầu tư công nghệ của công ty quản lý tài sản VinaCapital cho biết. "Công nghệ là một không gian không biên giới, nơi những người chơi trong khu vực có thể tiếp xúc với thị trường Việt Nam dễ dàng hơn nhiều so với các ngành công nghiệp truyền thống, vì vậy các nhà nhà đầu tư địa phương sẽ sớm cảm thấy sự cạnh tranh ngay trên chính sân nhà của họ".
Thật vậy, năm 2019 cũng đánh dấu các giao dịch đầu tiên cho một loạt các công ty cổ phần tư nhân quốc tế. Advantage Partners đầu tư vào nhà bán lẻ thời trang Elise, tài trợ của TA Associates cho công ty SaaS MISA JSC và Kaizen Private Equity tài trợ cho Yola. Deal Street Asia cũng báo cáo rằng Baring Private Equity Asia đã đạt được thỏa thuận đầu tiên tại Việt Nam với việc mua lại Trung tâm tiếng Anh của Hiệp hội Hoa Kỳ Việt Nam.
Các nhà đầu tư mạo hiểm lần đầu tiên vào Việt Nam năm 2019 bao gồm Quỹ tăng trưởng Mirae-Naver, InnoVen Capital , Golden Equator Capital , GGV Capital và RTP Global.
Đó cũng là một năm bận rộn cho các nhà quản lý quỹ. Trong đó có Mekong Capital, cùng với Excelsior Capital Asia, ACA Investments, DT & Investments và FEBE Ventures.
"Chúng tôi xem xét các khoản đầu tư công nghệ có chọn lọc, mà chúng tôi tin rằng đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam," Tokuo của Advantage Partners cho biết.
Hầu hết vốn mới của năm 2019 đã được chuyển sang lĩnh vực thương mại điện tử, fintech và logistics. Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2019 là 4,6 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 23 tỷ USD vào năm 2025, theo báo cáo e-Conomy SEA 2019 của Google, Temasek và Bain.
"Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn sơ khai về thương mại điện tử", theo JJ Ang, CFO Sendo nói. Trong năm vừa qua, Tiki và Sendo là những trang thương mại điện tử được truy cập nhiều chỉ sau Shopee.
Với cơ hội lớn để tăng trưởng, lĩnh vực này dự kiến sẽ thu hút nhiều vốn hơn nữa. Ang cho biết việc có các nhà đầu tư lớn đã giúp Sendo tiếp cận thị trường khu vực. Sendo gần đây đã tăng vốn được 61 triệu USD trong vòng C của mình, sau khoản tài trợ 51 triệu USD trước đó vào năm 2018. Cùng với sự bùng nổ thương mại điện tử, đầu tư cũng đổ mạnh vào hậu cần. Dù vậy, Việt Nam vẫn cần đầu tư đáng kể vào phát triển cơ sở hạ tầng như để kết nối các cảng với kho và trung tâm hậu cần.
Có rất nhiều cơ hội khác. Theo Linh Phạm, nhà sáng lập kiêm CEO Logivan cho biết, sự phân mảnh và thiếu hiệu quả của các ngành truyền thống đã tạo cơ hội cho các công ty khởi nghiệp nổi lên, giống như những nơi khác trên thế giới. Trong năm 2018, hai công ty hậu cầu là Logivan và đối thủ EcoTruck đã thu hút được 3,5 triệu USD tổng đầu tư, theo dữ liệu công khai.
Năm 2019, đã có 10 giao dịch rót vốn vào các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực giao hàng tận nơi, dịch vụ theo yêu cầu và hệ thống quản lý hậu cần. Trong số này có tài trợ của Temasek cho Giao hàng nhanh và AhaMove. Tổng kinh phí không được tiết lộ, nhưng DealStreetAsia cho rằng nó nằm trong khoảng 100 triệu USD.
"Đầu tư gia tăng vào hậu cần, đi đôi với sự tăng trưởng và đầu tư vào thương mại điện tử", Jack Nguyễn, người đứng đầu GrabExpress Việt Nam cho biết. "Hậu cần điện tử rất quan trọng đối với thương mại điện tử vì nó tương tác trực tiếp với khách hàng cuối cùng".
Fintech cũng đang bùng nổ. Năm 2019, Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực về đầu tư, chiếm 36% tổng đầu tư fintech ở Đông Nam Á, sau 51% của Singapore, theo báo cáo gần đây của United Overseas Bank.
Trong khi đó, thị trường thanh toán di động của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 70,9 tỷ USD vào năm 2025 - một mức tăng khổng lồ từ 16 tỷ USD trong năm 2016, theo UOB. "Fintech đang tăng năng suất, trong khi hệ thống ngân hàng truyền thống thì đi xuống", Jeffrey Seah, một đối tác của Quest Ventures nói. "Các tập đoàn lớn đã không thể phát triển fintech đủ nhanh".