3 nhóm việc ưu tiên ở dự án sân bay Long Thành
Tinh thần đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện. Thực hiện phải có hiệu quả, có thể đo đếm được - Thủ tướng yêu cầu.
- 27-01-2023Đào, đắp gần 2 triệu m3 đất tại sân bay Long Thành trong dịp Tết Nguyên đán 2023
- 25-01-2023Bộ GTVT làm rõ tiến độ các dự án giao thông kết nối sân bay Long Thành
- 19-01-2023Lý do đấu thầu thi công nhà ga sân bay Long Thành thất bại
Trong chương trình kiểm tra các dự án, công trình trọng điểm quốc gia những ngày đầu năm mới, sáng 29-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra dự án xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) và thăm, tặng quà các hộ dân đang sinh sống tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (khu tái định cư sân bay Long Thành ).
Không để khó cho người dân
Tham gia đoàn công tác có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Xây dựng; Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh; Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi…
Tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, Thủ tướng cùng đoàn công tác đã thăm hỏi, động viên bà con về công việc, cuộc sống.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác kiểm tra tiến độ triển khai dự án sân bay Long Thành. Ảnh: NGUYỄN TUẤN
Báo cáo trước đoàn công tác, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết khu tái định cư có diện tích hơn 280 ha, dự kiến sẽ đón khoảng 7.000 hộ dân về sinh sống, bao gồm hộ chính và hộ phụ. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ có 1.500 hộ về.
Riêng hạ tầng xã hội, có 6 gói thầu xây dựng các trường học do biến động giá, nhà thầu thi công để dang dở nên tỉnh đang tổ chức đấu thầu lại để thi công phần còn lại trước năm học mới sắp tới. Ông Cao Tiến Dũng cam kết trước tháng 8-2023 sẽ hoàn tất các dự án hạ tầng "điện, đường, trường, trạm" để phục vụ cư dân gần sân bay.
Trước những thông tin trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại rằng các hạng mục tiện ích ở khu tái định cư từng được hứa hẹn xong trước tháng 9-2022, vậy mà đến nay chưa hoàn tất là quá chậm trễ. Thủ tướng yêu cầu phải làm dứt điểm, không kéo dài lê thê nữa.
Thủ tướng thăm hỏi các hộ dân tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Ảnh: NHẬT BẮC
Thủ tướng cũng lắng nghe người dân bày tỏ những vướng mắc trong vấn đề tái định cư như có hộ nhiều con nhưng không được xét suất tái định cư hộ phụ, việc bồi thường chưa đi đến thống nhất…, từ đó yêu cầu địa phương khẩn trương rà soát chính sách để bảo đảm quyền lợi cho người dân. "Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai phải nghiên cứu lại cách xử lý việc tái định cư, không để khó cho người dân. Thực tiễn phát sinh những vướng mắc thì cần nghiên cứu lại, điều chỉnh phù hợp, đừng quá cứng nhắc. Đặc biệt, quán triệt tinh thần tái định cư phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ..." - người đứng đầu Chính phủ lưu ý.
Lập tổ công tác của Chính phủ để khớp nối các việc
Khi đến công trường sân bay Long Thành, Thủ tướng đã thăm hỏi, tặng quà, chúc mừng năm mới cán bộ, công nhân đang thi công. Cùng với đó, thị sát, kiểm tra các công trình, dự án thành phần.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư phối hợp đẩy nhanh quá trình từ công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế, đấu thầu, giải phóng mặt bằng đến thi công. Trong đó, chính quyền địa phương phải tập trung công tác giải phóng mặt bằng bảo đảm tiến độ, chất lượng. Đặc biệt, Thủ tướng nhắc nhở: "Tinh thần đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện. Thực hiện phải có hiệu quả, có thể đo đếm được".
Thủ tướng nêu rõ 3 nhóm công việc cần tập trung giải quyết thời gian tới. Trong đó, tỉnh Đồng Nai khẩn trương thực hiện các giải pháp để hết quý I/2023 bàn giao toàn bộ mặt bằng giai đoạn 1 phục vụ thi công dự án. Đến hết quý II/2023, bàn giao mặt bằng xây dựng đường hậu cần, đường dẫn vào sân bay.
Một góc công trường sân bay Long Thành. Ảnh: NGUYỄN TUẤN
Thứ hai, đối với việc triển khai phần xây lắp, các bộ, ngành, địa phương, nhất là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm việc chỉ đạo, phân công của Chính phủ tại Quyết định số 1777/QĐ-TTg năm 2020 về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Thứ ba, Thủ tướng cho hay đã giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và sau đó là Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo công trình này. Nay Thủ tướng yêu cầu lập Tổ công tác của Chính phủ để đôn đốc, kiểm tra, khớp nối các công việc. Tổ này sẽ do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Tổ trưởng với sự tham gia của lãnh đạo các bộ.
Tránh tình trạng "ăn xổi ở thì"
Trước đó, tối 28-1, tại tỉnh Nghệ An, ngay sau khi kiểm tra thực địa dự án cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi ở Hà Tĩnh, Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện 10 dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 (2017-2020) và giai đoạn 2 (2021-2025) từ Ninh Bình đến Quảng Trị. Trong số này, 1 dự án đã hoàn thành, 9 dự án đang triển khai.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng với các dự án cao tốc nói chung cần tránh tình trạng chia quá nhỏ các gói thầu, có quá nhiều đơn vị thi công trên một tuyến đường gây mất nhiều thời gian làm các thủ tục, khó kiểm soát tiến độ và chất lượng, dễ nảy sinh tiêu cực. Với các đơn vị tư vấn, Thủ tướng yêu cầu tránh tình trạng "ăn xổi ở thì", như cao tốc chỉ làm 2 làn đường, vừa làm xong đã phải làm lại, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Việc thi công các dự án phải bảo đảm an toàn, tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường; không đội giá; không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Chính phủ sẵn sàng bố trí thêm vốn cho TP HCM
Chiều 29-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra dự án xây dựng đường Vành đai 3 - TP HCM. Đi cùng Thủ tướng có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; lãnh đạo một số bộ, ngành và địa phương liên quan.
Thủ tướng hoan nghênh 4 tỉnh, thành phố có tuyến đường đi qua đã phối hợp hiệu quả trong triển khai dự án; bước đầu công tác chuẩn bị đầu tư, bố trí nguồn vốn, chuẩn bị vật liệu... đã được các đơn vị chủ động thực hiện. Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẵn sàng chia sẻ, bố trí thêm vốn từ nguồn tăng thu để TP HCM bổ sung cho dự án đường Vành đai 3 - TP HCM cũng như các dự án đang triển khai tốt mà thiếu vốn.
Đường Vành đai 3 - TP HCM dài hơn 76 km, đi qua TP HCM (47,51 km), Bình Dương (10,76 km), Đồng Nai (11,26 km), Long An (6,81 km). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỉ đồng từ ngân sách trung ương và địa phương. Dự án dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2026.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, hiện nay 4 tỉnh, thành phố có tuyến đường đi qua đã hoàn thành công tác phê duyệt và bàn giao ranh giải phóng mặt bằng phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Người lao động