MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

30 ngày đối mặt sự sống và cái chết, tôi đã nhận ra bài học đắt giá, khôn ngoan hơn 30 năm cuộc đời cộng lại: Thay đổi để tự cứu lấy mình

11-03-2019 - 13:42 PM | Sống

Đối mặt với khó khăn, tất cả những gì chúng ta có thể làm chỉ là không ngừng thay đổi.

Câu chuyện chia sẻ của Giám đốc điều hành Facebook Sheryl Sandberg về cái chết của chồng mình là Dave Goldberg đã khiến không ít người phải suy ngẫm và học hỏi từ trong đó rất nhiều điều. Khi đối mặt giữa sự sống với cái chết, con người trở nên nhỏ bé và đầy bất lực nhưng cũng mạnh mẽ và đầy kiên cường, đặc biệt là Sheryl Sandberg vì cô ấy đã nhận ra những bài học đắt giá.

Không giống với đa số các lãnh đạo nữ thuộc doanh nghiệp lớn, cô không bao giờ che giấu sự yếu đuối của bản thân trước công chúng. Chính thái độ dũng cảm và thẳng thắn này đã giúp cô nhận được sự tôn trọng và đánh giá cao hơn từ người khác. Trước sự ra đi của người chồng gắn bó, Sheryl đã đăng một dòng trạng thái rất dài chia sẻ về cảm nhận của bản thân và trong vòng chưa đầy 24 tiếng, bài viết đã nhận được 250.000 lượt chia sẻ, 600.000 lượt thích, hơn 40.000 bình luận và truyền cảm hứng cho rất nhiều người trên khắp thế giới. 

Dù bài viết đã được đăng tải từ lâu nhưng giá trị và bài học dành cho người đọc vẫn còn nguyên vẹn:

"Hôm nay là ngày thứ 31, ngày đầu tiên sau lễ Sheloshim (nghi thức để tang 30 ngày cho người đã khuất). Theo đạo truyền thống của người Do Thái, khi thân nhân qua đời, 7 ngày để tang sau đó được gọi là Shiva. Sau thời gian Shiva, tất cả gia đình sẽ quay lại sinh hoạt và làm việc bình thường. Nhưng thật sự phải đến khi kết thúc lễ Sheloshim 30 ngày, tôi mới có thể thật sự kết thúc nỗi niềm tiếc thương của mình với Dave.

30 ngày đối mặt sự sống và cái chết, tôi đã nhận ra bài học đắt giá, khôn ngoan hơn 30 năm cuộc đời cộng lại: Thay đổi để tự cứu lấy mình - Ảnh 1.

Sheryl Sandberg và Dave Goldberg.

Một người bạn thuở nhỏ của tôi từng nói rằng: Đừng chết khi mình còn được sống. Trước khi Dave ra đi, tôi đã không thể hiểu ý nghĩa của câu nói này. Phải đến lúc trải qua bi kịch, tôi mới trở nên minh mẫn và thông suốt ý nghĩa ẩn sâu trong đó.

Khi đối mặt với sự sống và cái chết, đa số chúng ta sẽ đứng trước 2 sự lựa chọn. Một là nhượng bộ để sự trống rỗng lấp đầy cơ thể, bịt kín không gian, chặn đường mọi suy nghĩ và hơi thở. Hai là tự mình đứng lên, nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa ẩn sau mọi khó khăn và đau khổ ấy. Trong 30 ngày vừa qua, rất nhiều lúc bản thân tôi rơi vào một khoảng trống rỗng vô tận. Và tôi biết rằng rất có thể những ngày sắp tới, tôi vẫn bị sự trống rỗng ấy nuốt chửng nếu không thể thay đổi một điều gì đó. Tôi muốn được sống thật ý nghĩa khi bản thân còn có thể sống trên đời. Đây cũng là lý do chủ yếu tôi quyết định viết ra đôi lời chia sẻ này: Vừa là để kết thúc 30 ngày để tang, vừa là để biết ơn những thay đổi mình nhận được suốt thời gian qua.

Sự đau khổ là cảm xúc đến từ trong lòng mỗi cá nhân. Những người đã can đảm mở lòng và chia sẻ kinh nghiệm đau buồn của bản thân đã giúp đỡ và tiếp thêm cho tôi lòng can đảm. Dù là bạn bè, thân nhân, hay thậm chí những người xa lạ mà tôi chưa hề biết đến, họ đều sẵn lòng chia sẻ những lời khuyên khôn ngoan của mình. Chính vì vậy, tôi cũng muốn chia sẻ những điều mình học được và nhận ra với cả thế giới. Hi vọng nó có thể mang lại một bài học ý nghĩa cho người khác.

Chấp nhận niềm đau

30 ngày vừa qua dài đằng đẵng như 30 năm, 30 năm đau buồn và khổ sở nhưng cũng là 30 năm để trưởng thành và khôn ngoan hơn. Tôi nhận ra ý nghĩa sâu sắc của việc làm mẹ. Khi nhìn các con khóc, tôi cảm nhận một nỗi đau còn lớn hơn chúng. Cũng như khi nhìn mẹ lặng lẽ nằm bên cạnh và lấp đầy khoảng trống trong tôi, nhìn tôi ngủ thiếp đi trong nước mắt. Có lẽ, để tôi được giải phóng hết cảm xúc của mình, bà đã phải kìm nén nỗi đau của bản thân, mạnh mẽ giang rộng vòng tay để bảo bọc cho người khác: Đó không chỉ là nỗi đau riêng con, mà cũng là nỗi đau các con của con nữa.

Tôi cũng nhận ra cách an ủi sai lầm của bản thân từ trước đến giờ. Mỗi khi gặp ai đó có chuyện, tôi luôn nói rằng: Mọi việc sẽ tốt hơn thôi, mà không biết đó chính là lời an ủi tệ nhất đối với họ. Sau khi nghe lời ấy, một người bạn mắc ung thư giai đoạn cuối đã hỏi lại tôi rằng: Chẳng lẽ cậu không biết tôi chắc chắn sẽ chết à? Làm thế nào để mọi việc tốt hơn?

Đôi khi, sự thông cảm và an ủi chân thành nhất chỉ là chấp nhận những điều tồi tệ đang diễn ra. Sau lễ tang của chồng, tôi hiểu rằng mọi thứ sẽ lại trở lại bình thường theo thời gian, chỉ là không bao giờ hoàn hảo được như trước. Chấp nhận là cách tốt nhất để chúng ta có thể vượt qua niềm đau.

30 ngày đối mặt sự sống và cái chết, tôi đã nhận ra bài học đắt giá, khôn ngoan hơn 30 năm cuộc đời cộng lại: Thay đổi để tự cứu lấy mình - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Sinh mệnh ngắn ngủi

Sự ra đi của Dave cũng khiến tôi nhận ra một điều nữa. Tuy anh đã tử vong ngay tại chỗ nhưng thời điểm ngồi trên xe cứu thương, tôi đã không được biết điều này. Cho nên, đoạn đường từ điểm xảy ra tai nạn cho đến bệnh viện khiến tôi tức tối gần như phát điên. Tôi đã âm thầm nguyền rủa tất cả những chiếc xe cố tình lờ đi tiếng còi cứu thương chỉ để bản thân nhanh hơn một phút nhưng khiến người khác chậm mất cả đời. Họ đã không nhận ra rằng: Khi xe cứu thương yêu cầu nhường đường, đó cũng là thời điểm cha mẹ, vợ chồng, con cái, người thân và bạn bè của một ai đó đang nằm trên ranh giới mong manh giữa sống và chết. Tính mạng của họ đang được tính bằng phút bằng giây, ngắn ngủi đến khó tin, có thể chấm dứt bất cứ lúc nào.

Tiếp nhận sự giúp đỡ

Là một giám đốc điều hành, tôi luôn tự mình làm chủ mọi thứ và vạch ra đủ loại kế hoạch. Nhưng khi cái chết của Dave ập đến, bản thân tôi hoàn toàn bất lực và không thể kiểm soát bất cứ chuyện gì xung quanh. Chính thời điểm ấy, những người thân thiết nhất không ngần ngại giúp đỡ và giải quyết mọi thứ thay cho tôi. Nhờ có họ đứng ra sắp xếp công việc, nhắc tôi ăn uống mỗi ngày, chăm lo gia đình, quan tâm đời sống của các con... tôi được thoải mái đối diện với cảm xúc của mình.

Thay vì sĩ diện và cố gồng gánh mọi thứ trên lưng để rồi rơi vào trạng thái kiệt sức, tôi chỉ cần học cách biết ơn và tiếp nhận sự giúp đỡ của những người thân yêu bên cạnh. Đôi khi chỉ một nụ cười, một cái ôm ấm áp từ họ cũng đủ để xua tan đau khổ trong lòng chúng ta. Một lòng biết ơn chân thành dành cho những tình cảm mà tôi đã nhận được trong thời gian khó khăn nhất chính là cách đền đáp chính xác cho đối phương.

Mỗi ngày trôi qua trên đời, tôi học cách biết ơn sự sống, biết ơn rằng mình vẫn còn bạn bè và gia đình sẵn sàng ở bên. Cho dù người chồng thân thương nhất đã ra đi, tôi cũng biết ơn vì anh để lại cho mình những đứa con, món quà tuyệt vời nhất để tình yêu của hai chúng tôi được kéo dài mãi mãi."

Phương Thúy

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên