MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

4 thách thức của tài chính số châu Á trong kỷ nguyên công nghệ

Bất chấp nhiều trở ngại, dịch vụ tài chính kỹ thuật số vẫn có tiềm năng phát triển lớn trong thời gian tới nếu những thách thức cơ bản được xem xét giải quyết kịp thời.

Với dân số 570 triệu người và GDP dự kiến đạt 4,7 nghìn tỷ USD vào năm 2025, sáu thị trường lớn nhất Đông Nam Á – Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam – là một trong những khu vực kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Tuy nhiên trên khắp khu vực, người tiêu dùng lại có khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính hạn chế hơn so với các thị trường phát triển trên thế giới. Cứ 10 người trưởng thành thì có tới 7 người không được tiếp cận với dịch vụ thẻ tín dụng, hoặc không có tài khoản ngân hàng hay các khoản tiết kiệm dài hạn. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng gặp khó khăn trong việc huy động vốn.

Trong bối cảnh đó, dịch vụ tài chính kỹ thuật số – bao gồm thanh toán, chuyển tiền, cho vay, đầu tư và bảo hiểm – được kỳ vọng sẽ giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua được những khó khăn trên.

4 thách thức của tài chính số châu Á trong kỷ nguyên công nghệ - Ảnh 1.

Có 4 yếu tố đã kìm hãm sự phát triển của dịch vụ tài chính kỹ thuật số trong khu vực.

Đầu tiên phải kể đến thói quen tiêu dùng tiền mặt dẫn đến chậm trễ trong việc chuyển sang các phương thức thanh toán kỹ thuật số. Một trở ngại khác đến từ sự thiếu hệ thống nhận dạng số hóa đáng tin cậy ở hầu hết các thị trường. Ngoài ra, các nhà quản lý đã có cách tiếp cận thận trọng. Cuối cùng, ngoài Singapore thì cơ sở hạ tầng tài chính trong khu vực phần lớn là còn kém phát triển.

Ngoài những trở ngại trên, thị trường cũng có những yếu tố hỗ trợ cho sự phát triển của dịch vụ tài chính kỹ thuật số.

Tỉ lệ sử dụng smartphone ngày càng cao sẽ tăng tốc độ tiếp cận của người dân tới các dịch vụ thương mại điện tử, gọi xe trực tuyến. Các chính sách cũng dần trở nên cởi mở hơn. Tại Singapore, chính quyền cho phép các công ty thử nghiệm nhiều phương thức đổi mới trong một môi trường được giám sát bởi các cơ quan quản lý. Cả Singapore và Thái Lan đã thiết lập mã QR được chuẩn hóa dành cho thanh toán di động.

Trong số 5 dịch vụ của tài chính kỹ thuật số, thanh thoán và chuyển tiền là dịch vụ phổ biến nhất, với các khoản thanh toán dự kiến vượt mức 1 nghìn tỷ USD giá trị giao dịch vào năm 2025. Các dịch vụ khác như cho vay, đầu tư và bảo hiểm vẫn đang phát triển và được dự báo sẽ tăng trưởng 20% hàng năm cho đến năm 2025.

4 thách thức của tài chính số châu Á trong kỷ nguyên công nghệ - Ảnh 2.

Để đảm bảo thành công khi cạnh tranh trong lĩnh vực này, các hãng cung cấp dịch vụ cần duy trì tập khách hàng khác biệt, có được sự tin tưởng từ người dùng thông qua các dịch vụ thuận tiện, chất lượng.

Các công ty thành công nhất sẽ đẩy mạnh đầu tư hoặc hợp tác với các bên liên quan trong việc phân tích dữ liệu người dùng, nhằm cải thiện trải nghiệm sử dụng dịch vụ tối ưu nhất. Ví dụ, một nhà cung cấp dịch vụ thanh toán hay nền tảng tiêu dùng có thể sử dụng dữ liệu giao dịch của mình để cung cấp thêm các dịch vụ cho vay hoặc bảo hiểm tới người sử dụng.

Theo tờ The Business Times, doanh thu lĩnh vực tài chính kỹ thuật số tại Đông Nam Á sẽ có thể tăng tới 60 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp khoảng 17% tổng doanh thu của ngành dịch vụ tài chính.

Lĩnh vực này vẫn cần thêm các khoản đầu tư để thúc đẩy sự đổi mới, cũng như các cơ chế khuyến khích việc áp dụng và sử dụng chúng. Nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn phải đến từ sự hỗ trợ, các chính sách quy định nhất quán từ  phía chính phủ. Điều này bao gồm các chính sách thúc đẩy số hóa, cấp phép cho các ngân hàng điện tử, thiết lập hạ tầng cơ sở hỗ trợ thanh toán điện tử, mã QR được chuẩn hóa…

Chỉ với những động thái trên, lĩnh vực tài chính kỹ thuật số tại Đông Nam Á mới có thể phát huy được hết tiềm năng của nó trong thời gian tới.

Hoàng Linh

Business Times

Trở lên trên