MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

447 thủ tục hành chính: Bộ Công Thương lấy ý kiến doanh nghiệp để tinh gọn và cắt giảm

Số lượng thủ tục hành chính hiện nay tại Bộ Công Thương là 447, không nhiều như các Bộ ngành khác nhưng có nhiều nội dung gây tranh cãi trong cộng đồng doanh nghiệp.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định thủ tục hành chính ngành công thương sáng ngày 27-9.

Ngành công thương hiện nay duy trì tổng 447 thủ tục hành chính ở tất cả các cấp. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh với vai trò là ngành chiếm hơn 80% GDP thì con số thủ tục này không phải quá nhiều, nhất là khi nhiều loại giấy phép bao hàm nhiều thủ tục cấp mới, sửa đổi, cấp lại và thu hồi….

"Vấn đề quan trọng nhất không phải là ít hay nhiều mà quy định hành chính đó cần thiết hay khônng, có duy trì thủ tục này hay không, thủ tục đó đã đủ công khai minh bạch, đơn giản hóa và hiện đại hóa, chuẩn hóa hay chưa? Đó là câu hỏi mà Bộ trưởng và toàn ngành luôn đặt ra với 447 thủ tục" - Thứ trưởng Khánh nói.

Đại diện của Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cũng cho biết, các thủ tục hành chính được đưa ra xuất phát từ 28 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, gấp đôi so với số lượng trung bình các bộ ngành khác. Đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cũng thừa nhận là có những vấn đề gây khó khăn cho DN, bởi DN không sợ thủ tục mà chỉ sợ thủ tục không minh bạch, có thể có cách hiểu khác nhau và áp dụng khác nhau, gây nhũng nhiễu cho người dân và DN.

Theo đó, với những thủ tục được xem là rườm rà và quá nhiều nên rà soát lại, lấy ý kiến người dân và DN để sửa đổi bổ sung, cải tiến bao gồm cắt giảm.

"Chúng tôi đã tính toán, việc cắt giảm chi phí thủ tục hành chính của Bộ đã giúp tiết kiệm được trên 4,3 tỷ/năm, dựa trên tính toán chi phí thời gian trung bình chứ chưa tính chi phí cơ hội" - đại diện Bộ Công Thương nói.

Cụ thể, trong năm 2016, Bộ này bãi bỏ 6 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 33 thủ tục trong nhóm thương mại điện tử, hóa chất, rượu, năng lượng, an toàn thực phẩm… Điển hình, riêng trong lĩnh vực điện năng, Bộ Công Thương thực hiện đề xuất giảm tiết kiệm điện năng từ 132 xuống từ 33-41 ngày. Nếu so sánh với thời gian tiếp cận điện năng trung bình của 6 nước đứng đầu ASEAN là 50,3 ngày thì Việt Nam thấp hơn nhiều.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có cuộc họp với người đứng đầu các Cục, Vụ, các đơn vị liên quan để trao đổi cụ thể về những quy định đang còn nhiều tranh cãi, gây bức xúc cho dư luận. Theo đó, Bộ trưởng đã chỉ đạo rà soát và sửa đổi theo hướng đơn giản hơn với một quy định liên quan kinh doanh khí gas, bãi bỏ quy định Thông tư 20 liên quan nhập khẩu ô tô; tháo gỡ những bất cập trong việc kiểm tra mẫu vải quy định tại thông tư 37…

N. An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên