MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 bài học "vỡ lòng" để trở thành một freelancer thành công: Nghiêm khắc, kỷ luật và không được phá giá bản thân

14-07-2020 - 11:06 AM | Sống

Mỗi freelancer đều giữ cho mình một “bí kíp” để thành công trong sự nghiệp của mình. Thị trường thuê ngoài luôn có vô vàn công việc cho bạn lựa chọn. Tuy nhiên, cuộc đua giữa một anh thợ viết được trả 50.000/1 bài hay 500.000/1 bài rất khắc nghiệt và phụ thuộc rất nhiều ở bản thân.

Tôi bắt đầu với sự nghiệp freelancer sau khi tốt nghiệp. Freelancer - hiểu nôm na là những người làm ngoài, lao động tự do. Có những freelancer làm toàn thời gian, nghĩa là họ chỉ ở nhà và tìm kiếm công việc, làm bao nhiêu nhận tiền bấy nhiêu. Không ít người có một công việc vẫn ổn định nhưng vẫn tìm thêm việc freelance để làm, chủ yếu là buổi tối. Có vô vàn lý do cho con đường freelancer: Lương chính quá bèo, muốn đa dạng hóa sản phẩm, linh hoạt thời gian và không bị gò bó. Thị trường lao động tự do, đôi khi còn sôi động hơn mấy nhóm tìm việc toàn thời gian.

Tất nhiên, để thành công, bạn cần phải có những quy tắc riêng. Không phải mẫu freelancer thành công nhưng việc nghiêm khắc với bản thân trên con đường làm một freelancer khiến tôi đúc rút được vô số bài học.

1. Không có mối quan hệ không có giá trị, chỉ là bạn chưa nhìn ra thôi. Hãy luôn duy trì tất cả mối quan hệ khi làm freelance.

Là một freelancer, bạn sẽ hiểu được hơn ai hết tầm quan trọng của việc “networking” - quan hệ, thiết lập các mạng lưới đồng sự, đối tác, kiểu như vậy. Khi làm việc fulltime, bạn có thể không thích làm với người này, chán khách kia thì cuối tháng vẫn “ting ting”. Dòng tiền đều đặn ấy cứ chảy về và bạn không phải lo tìm thêm đối tác này hay khách hàng mới kia.

Đời freelancer khác vậy, bạn nhận ra rằng những điều người ta cho rằng thảo mai chính là sự hoạt ngôn cần thiết để “kiếm miếng cơm”. Dù bất kể bạn đang nói chuyện với quản lý marketing của một công ty hay nhân viên account mới vào nghề của 1 agency, hãy nhớ rằng đó có thể là khách hàng tiềm năng của bạn trong tương lai. Chúng ta không có những con đường thăng tiến thẳng tắp như trong một công việc full-time; chính những va chạm, hợp tác với người này người kia trong thế giới freelancer sẽ giúp bạn ổn định về công việc. Có trời mới biết đứa bạn ghét năm nào giờ đã lên làm quản lý của một công ty quảng cáo còn cô nhân viên “quèn” ngày nào bạn chê bai giờ đã có trong tay mối sản xuất nội dung mà bao đám freelancer mơ trúng được.

Dân freelancer, đôi khi hơn nhau không ở kỹ năng công việc, cốt ở việc xây dựng mối quan hệ. Từ chối một cơ hội làm việc, bạn có thể mất đi rất nhiều những cơ hội khác. Thế giới truyền miệng của freelancer chắc chắn tinh vi hơn hẳn việc gọi điện thoại lại công ty cũ để kiểm tra sơ yếu lý lịch của một ứng viên.

2. Nếu content là vua thì deadline là “thượng đế”

Đừng nói hay nói dở gì về bản thân, nếu một cái deadline không nộp đúng hạn, bạn đã mất điểm nghiêm trọng với người thuê ngoài rồi. Người ta không thuê một freelancer chỉ vì chất lượng công việc tốt mà điều mấu chốt là thời gian nhanh gọn, xử lý được khối lượng công việc lớn trong một thời gian chắc chắn là ngắn hơn các nhân viên fulltime. Chất lượng công việc rất quan trọng nhưng đảm bảo được đúng deadline là điều nhiều người cần nhất.

Với những freelancer mới bắt đầu vào nghề, cái khó là vừa đảm bảo được đúng chất lượng sản phẩm, vừa làm sao để trả được đúng deadline. Có những công việc như viết lách, thiết kế, đôi khi người ta có thể đổi chất lượng sản phẩm cho câu “tùy quan điểm mỗi người” nhưng deadline thì chẳng có quan điểm khác nhau gì hết, đúng giờ là phải trả. Bài học vỡ lòng về deadline, đơn giản vậy thôi mà nhiều người cũng không làm được.

Một chia sẻ nhỏ nữa là bạn có thể trả sản phẩm trước deadline để họ thấy rằng mình là người làm việc có trách nhiệm. Tuy nhiên cũng đừng gửi quá sớm, không nhiều người có thể nghĩ rằng bạn làm ẩu. Làm công việc tự do, bạn sẽ hiểu sự co kéo về thời gian, dù chỉ vài phút đến cả giờ, nó nhạy cảm và tinh tế thế nào.

3. Đọc và không ngừng tìm hiểu kiến thức mới

Khi nhận sản phẩm đầu tiên cho việc viết bài quảng cáo về nhóm ngành hàng tiêu dùng, tôi đã nghĩ việc viết lách cũng khá đơn giản. Dần sau đó, có nhiều sản phẩm “khó nhằn” hơn như bất động sản, dược phẩm, thời trang. Thậm chí, tôi đã từng có nhận được đơn đặt hàng viết cho băng vệ sinh hay dung dịch vệ sinh phụ nữ, còn tôi là nam giới. Vậy có nhận không? Có chứ, tất cả đều là tiền mà.

Bạn muốn công việc phát triển đa dạng thì càng phải đọc và tìm hiểu kiến thức mới, đặc biệt là những người làm trong mảng viết lách. Đừng nghĩ rằng có một giọng văn hay, cách hành văn hiện đại là có được sự hài lòng của khách hàng nếu kiến thức về sản phẩm của bạn rỗng tuếch. Làm freelancer giống như làm “dâu trăm họ” vậy, mà đã là dâu trăm họ thì mỗi họ một tính cách, một đặc điểm, nếp sống, văn hóa - việc của bạn là phải am hiểu những điều đó để làm một cô dâu tốt.

5 bài học vỡ lòng để trở thành một freelancer thành công: Nghiêm khắc, kỷ luật và không được phá giá bản thân - Ảnh 1.

Nhiều bạn freelancer nghĩ rằng mình có kỹ năng và kinh nghiệm là giỏi rồi. Anh bạn tôi cũng làm copywriter đã từng “điếng người” khi nhận được phản hồi của khách hàng sau một bài viết về trí thông minh nhân tạo: “Người viết không có kiến thức gì về ngành IT cả”. Tất nhiên, anh ấy không biết gì thật và những con chữ hoa mỹ cũng không thể nào che được sự yếu kém trong kiến thức dù đã làm nghề cả chục năm.

4. Không được bán phá giá bản thân

Hiểu được bản thân đã khó, hiểu được vị thế của mình trong một nghề nghiệp lại càng khó hơn. Thế giới freelance đôi khi như một cuộc đấu giá ngược, người nào ra được mức giá thấp nhất sẽ chiến thắng trong một phiên tìm freelancer. Nhiều người đứng giữa lằn ranh: Chọn hạ giá để lấy được “job” hay giữ nguyên giá của bản thân và chờ công việc phù hợp?

Những người đi thuê ngoài, họ hiểu hơn ai hết việc “tiền ít thì không thể có cái gì thơm cả” - chất lượng song hành cùng chi phí. Tuy nhiên, vì nhiều người sẵn sàng đẩy giá trị của sản phẩm do mình làm ra xuống nên mới có những cuộc cạnh tranh khốc liệt. Nhưng hãy nhớ rằng, đừng phá giá bản thân, đừng để mình lúc nào cũng phải đắn đo giành giật mấy bài viết “chuẩn SEO, 1000 từ, độc đáo” với giá “30 nghìn”. Đôi khi, sự cân nhắc giảm giá có thể đến từ yếu tố người quen (lần đầu), bài viết thử, một hợp đồng rất lớn… nhưng cũng phải cho người thuê biết, giá tôi không rẻ và đổi lại cho anh chị chất lượng sản phẩm tuyệt vời.

5 bài học vỡ lòng để trở thành một freelancer thành công: Nghiêm khắc, kỷ luật và không được phá giá bản thân - Ảnh 2.

Đừng bán phá giá bản thân để rồi đến lúc, chúng ta sẽ phải hoài nghi về năng lực của chính mình. Là một freelancer giỏi, không nên lao vào cuộc đua giảm giá, hãy lao vào cuộc đua hoàn thiện bản thân và khẳng định chất lượng sản phẩm.

5. Đừng đi quá giới hạn chịu đựng

Nhiều người làm freelancer một thời gian bắt đầu thấy uể oải khi cuộc sống bị thay đổi: Có người phải thức đêm hôm, cường độ làm việc dày, lịch sinh hoạt hoàn toàn bị xáo trộn. Freelancer, tích cực thì là linh hoạt và không gò bó, nhưng tiêu cực là bạn luôn phải sẵn sàng cho khách hàng bất cứ sáng trưa hay đêm khuya. Nhiều bạn trẻ đang vừa bán sức, bán kiến thức cho công việc freelancer mà còn đang bán rẻ tuổi trẻ của mình với thời gian làm việc freelance còn nhiều hơn thời gian nghỉ ngơi.

Không ít người chắc cũng từng như tôi, khách ốp một deadline vào sáng sớm nhưng tối hôm trước mới gửi kèm lời nhắn “em cố giúp chị nhé” hay “thiết kế cần duyệt gấp lên bài cho kịp” dù đã là 12 giờ đêm. Chúng ta cứ lao đi theo công việc, bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ “làm nhiều hưởng nhiều” nên cứ ôm thêm bao nhiêu nữa bất chấp sức khỏe.

Làm freelance cũng cần biết giới hạn của chính mình, sức khỏe, tinh thần và quan trọng là khả năng sáng tạo. Bạn không thể đốt hết ngần đó thứ để rồi ngã gục trong mệt mỏi và nhận ra rằng số tiền công việc freelance kiếm được không lại tiền thuốc thang hay đánh đổi niềm vui gia đình. Một freelancer giỏi sẽ biết làm sao để kiếm được số tiền nhiều nhất trong khoảng thời gian tối ưu nhất, vừa cân đối cuộc sống cá nhân, công việc freelance và cả công việc toàn thời gian.

Suy cho cùng, “làm freelance” cũng không phải làm một cái gì cụ thể. Thế giới công việc thuê ngoài đã phát triển đa dạng tới mức chính những freelancer cũng phải ngạc nhiên khi mọi thứ trở nên chuyên nghiệp, chuẩn chỉ, nghiêm túc và đôi khi khó khăn hơn cả công việc chính. Nếu không tự đặt cho bản thân những nguyên tắc để đi theo, chắc chắn sẽ rất khó cho bạn thành công với nghề, bất cứ nghề gì.

Theo Minh Đức - Minh Trang

Trí thức trẻ

Trở lên trên