5 con số cho thấy ông Joe Biden sẽ 'thừa hưởng' nền kinh tế Mỹ tồi tệ nhất trong nhiều thế hệ
Hàng triệu người Mỹ thất nghiệp và sự hồi phục của thị trường lao động đang bị đình trệ. Nhiều gia đình rơi vào cảnh đói nghèo, trong khi các nguồn lực của tiểu bang và địa phương đang bị sử dụng quá mức.
- 21-01-2021Toàn văn phát biểu nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden
- 21-01-2021Tổng thống Joe Biden nhậm chức, Phố Wall hứng khởi chạm mức cao nhất mọi thời đại
- 18-01-2021Giới triệu phú Mỹ 'vung tiền' đầu tư chứng khoán như thể bong bóng thị trường đang cận kề
Vào thời điểm Tổng thống Joe Biden tuyên thệ nhậm chức trong ngày 20/1 (giờ Mỹ), ông sẽ chính thức "thừa hưởng" cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế trên quy mô chưa từng có trong nhiều thế hệ. Hàng triệu người Mỹ thất nghiệp và sự hồi phục của thị trường lao động đang bị đình trệ. Nhiều gia đình rơi vào cảnh đói nghèo, trong khi các nguồn lực của tiểu bang và địa phương đang bị sử dụng quá mức.
Kinh tế gia trưởng Mark Zandi của Moody’s Analystics cho biết: "Thật vậy, các vấn đề của nền kinh tế đều là hậu quả của đại dịch – một điều không thể đổ lỗi cho ông Trump. Tuy nhiên, chúng ta có thể nói đến phản ứng tồi tệ của chính phủ liên bang đối với đại dịch."
Tuần trước, ông Biden đã công bố kế hoạch về gói cứu trợ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD, nhằm kiểm soát đại dịch và hỗ trợ trực tiếp cho các gia đình. Kế hoạch này bao gồm 400 tỷ USD cho các biện pháp ứng phó với dịch bệnh, trong đó có chương trình tiêm vắc-xin trên toàn quốc và mở rộng thử nghiệm. Ngoài ra còn có một vòng kích thích khác, tăng trợ cấp thất nghiệp liên bang và hỗ trợ 350 tỷ USD cho chính quyền địa phương, tiểu bang.
Dẫu vậy, hiện vẫn chưa có sự đảm bảo rằng kế hoạch này sẽ được thông qua và có thể sẽ được triển khai với quy mô nhỏ hơn nhiều so với đề xuất, bởi đảng Dân chủ không chiếm đa số tại Thượng viện.
Dưới đây là 5 con số cho thấy tân Tổng thống Mỹ sẽ phải đối mặt với những gì trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ:
10 triệu
Đây là số người thất nghiệp tại Mỹ. Điều này cho thấy nền kinh tế mới chỉ khôi phục khoảng 1 nửa trong số 22 triệu việc làm đã mất trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 12 là 6,7%, thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh 14,7% vào tháng 4, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức thấp nhất từ trước đến nay là 3,5% vào tháng 12.
14 triệu
Đây là số lượng người đã không thể chi trả tiền thuê nhà vào tháng 12, theo dữ liệu từ Cục Điều tra Dân số (CB) do Trung tâm Ngân sách và Chính sách Ưu tiên (CBPP) phân tích. Con số này chiếm gần 20% tổng số người trưởng thành thuê nhà tại Mỹ và tỷ lệ này còn cao hơn nhiều khi nói đến màu da. 28% người đi thuê nhà là người da đen cho biết họ không thể chi trả tiền thuê nhà trong cuộc khảo sát này.
18%
Đây là tỷ lệ các hộ gia đình cho trẻ em cho biết họ không đủ ăn trong 1 tuần vào tháng 12, theo dữ liệu từ Cục Điều tra Dân số (CB) do Trung tâm Ngân sách và Chính sách Ưu tiên (CBPP) phân tích. Trong khi đó, 11% hộ gia đình không có con cũng rơi vào tình trạng tương tự. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, 10,5% hộ gia đình (có và không có trẻ em) đã đối diện với thực trạng mất an ninh lương thực "ít nhất trong một thời gian" vào năm 2019.
0,9%/năm
Theo Moody’s Analytics, đây là mức tăng trưởng GDP thực tế trung bình trong nhiệm kỳ của ông Trump. Trong khi đó, dưới thời ông Obama, kinh tế Mỹ tăng trưởng 1,6%/năm và trung bình 3,9% dưới thời Tổng thống Clinton.
0.7%
Đây là mức doanh số bán lẻ đã giảm trong tháng 12, theo dữ liệu từ Cục Điều tra Dân số. Mỹ đã ghi nhân doanh số bán lẻ giảm 3 tháng liên tiếp, cho thấy một dấu hiệu đáng lo ngại khác cho thấy sự hồi phục của nền kinh tế đang không ổn định.
Tham khảo Forbes