MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 dấu hiệu chứng tỏ sếp đang âm thầm sa thải bạn: Điều cuối khiến nhân viên sợ hãi phải ‘tự giác’ bỏ việc

08-03-2023 - 15:26 PM | Sống

Trước cơn bão sa thải như hiện nay, các công ty đã và đang tiến hành cắt giảm bớt nhân sự, đẩy nhiều nhân viên vào cơn khốn đốn. Nếu nhiều doanh nghiệp chọn cách sa thải thẳng thừng, thì cũng có sếp gây sức ép để cấp dưới tự nghỉ. Vậy, làm thế nào để nhận ra bạn đang bị thanh lọc?.

Nữ nhân viên Twitter bị đuổi việc một tuần trước khi sinh con

Bim Ali đang ở giai đoạn đầu thai kỳ khi tỷ phú Elon Musk đồng ý mua Twitter, nơi cô làm việc với vai trò là nhà quản lý chương trình trong nhóm công nghệ cốt lõi của Redbird.

Suốt những ngày tháng sau đó, dù có nhiều thông tin bất ổn nhưng cô vẫn gắn bó với công ty.

"Khi ấy tôi rất hạnh phúc, tôi yêu nhóm của mình và tôi thích cống hiến. Tôi cũng đang mang thai, nên ra đi ở thời điểm đó nghe không hợp lý chút nào", cô nói. Nếu chuyển sang công ty mới, cô có thể sẽ không được hưởng kỳ nghỉ thai sản.

5 dấu hiệu chứng tỏ sếp đang âm thầm sa thải bạn: Điều cuối khiến nhân viên sợ hãi phải ‘tự giác’ bỏ việc - Ảnh 1.

Bim Ali nằm trong danh sách sa thải nhân sự đầu tiên của Twitter - Ảnh: Bim Ali.

Nhưng vào tháng 11, ngay sau khi Musk hoàn tất thương vụ mua lại Twitter và chỉ trước kỳ nghỉ thai sản của Ali vài tuần, người phụ nữ này đã bị sa thải.

Ngày 4/1 đánh dấu ngày Ali chính thức rời Twitter, đẩy cô vào tình cảnh không có bảo hiểm y tế và không có thu nhập để trang trải sinh hoạt phí.

Một tuần sau đó, con của cô chào đời. Khi đứa bé được 2 tháng tuổi, Ali đã bắt đầu tìm kiếm công việc mới, thay vì dành thời gian với con mình.

"Tôi không được hỗ trợ tài chính như từng dự định. Không còn cách nào phải, tôi phải tìm cách duy trì cuộc sống", cô nói.

Cách sếp âm thầm khiến nhân viên phải tự bỏ việc

Thay vì bị đuổi việc một cách công khai như Ali, một số nhân viên nhận ra rằng sếp của mình đang thay đổi hình thức bằng cách giảm tính hấp dẫn trong công việc khiến cho người lao động tự chọn rời đi.

Ben Wigert, giám đốc nghiên cứu chiến lược quản lý văn phòng tại công ty tư vấn quản lý Gallup, cho biết: "Sa thải trong âm thầm là khi cấp trên của bạn trở nên hờ hững, không có kỳ vọng rõ ràng, hỗ trợ hay phản ứng cụ thể nào trong công việc khiến cho bạn dần bị đẩy ra khỏi tổ chức".

Vicki Salemi, chuyên gia về nghề nghiệp, cũng đồng tình rằng nhiều công ty không trực tiếp tiến hành sa thải mà tạo ra môi trường làm việc độc hại tới mức nhân viên phải xin thôi việc.

Còn theo Bonnie Dilber, nhà tuyển dụng của công ty tự động hóa ứng dụng Zapier nói rằng, sự chán nản, thờ ơ của những người bỏ việc yên lặng có thể bắt nguồn từ môi trường công sở không hỗ trợ họ phát triển sự nghiệp.

5 dấu hiệu chứng tỏ sếp đang âm thầm sa thải bạn: Điều cuối khiến nhân viên sợ hãi phải ‘tự giác’ bỏ việc - Ảnh 2.

Nhiều nhà quản lý có xu hướng sa thải nhân viên trong im lặng

"Nguyên nhân của xu hướng nghỉ việc trong im lặng không phải do người lao động, mà là người sử dụng lao động. Họ không thực sự gắn bó với nhân viên hoặc dành thời gian hỗ trợ. Kết quả của việc này là khiến nhân viên bắt đầu chán nản và không muốn gắn bó", bà phân tích.

Vậy, dấu hiệu nào cho biết bạn đang bị sếp loại khỏi "cuộc chơi":

- Bị ép buộc trong công việc: Theo Wigert, bắt buộc nhân viên phải đi làm nhiều hơn mức họ muốn là cách công ty tạo áp lực để xem họ có thực sự mong muốn gắn bó với tổ chức hay không. Một hình thức khác cũng thường được áp dụng đó là yêu cầu tuân thủ thời gian làm việc một cách cứng nhắc.

- Mất quyền lợi: Việc loại bỏ dần các lợi ích và đặc quyền trong công việc của nhân viên là một cảnh báo điển hình trong việc gián tiếp sa thải họ. Bởi một nhân viên nếu phải hưởng ít quyền lợi hơn từ công ty, bất kể là trong bảo hiểm, phúc lợi hay quỹ hưu trí đều có thể đẩy nhanh quá trình nghỉ việc.

Dù phương pháp này có thể khiến người lao động nhanh chóng rời đi nhưng nó cũng làm giảm giá trị của doanh nghiệp trong mắt những nhân viên ở lại.

- Bị giám sát quá mức: Đánh giá hiệu suất làm việc một cách thường xuyên giống như một hình thức cảnh cáo, khiến cho những người có biểu hiện chưa đủ tốt đi đến quyết định thôi việc.

Chip Cutter, phóng viên của tờ The Wall Street Journal chia sẻ rằng những người đã quen với tình huống này có thể đều tự hiểu không đạt chuẩn đồng nghĩa với việc phải rời đi.

"Đó là kiểu đuổi việc mà không cần phải nói rằng chúng tôi yêu cầu bạn rời đi. Thay vì nói ra, những người làm việc kém hiệu quả phải đối mặt với lựa chọn hoặc là nhanh chóng cải thiện, hoặc là tìm một vị trí khác", Wigert nói.

- Bị phớt lờ trong công việc: Cách phổ biến nhất để một người quản lý tiến hành cho nhân viên nghỉ việc đó là bỏ bê hoặc không để họ tham gia vào những công việc lớn. Chẳng hạn, bạn vẫn đang làm nhiệm vụ của mình, bạn vẫn sẵn sàng nhưng không được mời tham gia bất cứ cuộc họp hay sự kiện quan trọng nào. Về cơ bản, bạn đang bị cho ra rìa. Bạn cũng có thể được giao việc nhiều hơn nhưng không được hỗ trợ và dần kiệt sức.

- Không có cơ hội thăng tiến: Chuyên gia Salemi cho biết nhiều người dễ bỏ qua dấu hiệu mình đang bị âm thầm đuổi việc khi không được tăng lương hay nhận thêm quyền lợi dù luôn hoàn thành tốt công việc. Trong khi đó, những đồng nghiệp khác vẫn có cơ hội thăng chức và nhận về nhiều đặc quyền.

"Thông thường, nếu bạn đã là đối tượng bị sa thải thầm lặng, bạn sẽ là người duy nhất chịu thiệt thòi trong khi mọi thứ xung quanh vẫn hoạt động bình thường", Salemi chia sẻ thêm.

Khi thấy sếp có ý định "âm thầm sa thải", nhân viên cần phải làm gì?

- Trao đổi trực tiếp với người quản lý: Nếu bạn cho rằng bản thân có nguy cơ bị sa thải trong âm thầm, hãy chủ động tìm cách nói chuyện với người quản lý, hoặc tham khảo ý kiến của các đồng nghiệp cùng cảnh ngộ trước khi đề xuất cuộc gặp mặt.

Nhiều cố vấn nghề nghiệp đồng ý rằng, cách tốt nhất để giải quyết sự mơ hồ trong công việc chính là nói chuyện minh bạch với người quản lý.

5 dấu hiệu chứng tỏ sếp đang âm thầm sa thải bạn: Điều cuối khiến nhân viên sợ hãi phải ‘tự giác’ bỏ việc - Ảnh 3.

Nếu không thể thay đổi, hãy cân nhắc nghỉ việc

- Chuẩn bị kỹ kiến thức, tư liệu: Trước khi đặt vấn đề gặp mặt, người lao động cần chủ động tăng sự hiểu biết, kiến thức cơ bản về quá trình thăng chức, tăng lương của công ty qua các thông tin trong sổ tay nhân viên. Những căn cứ này có thể giúp cuộc trò chuyện với người quản lý trở nên dễ dàng hơn.

Ngoài ra, việc lưu giữ những thành tích, sự đóng góp trong công việc hay tăng lương cho từng vị trí cũng giúp bạn dễ dàng đàm phán về trường hợp hiện tại của bản thân.

- Nếu không có kết quả, hãy cân nhắc nghỉ việc: Cara de Lange, cố vấn về sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc, nói rằng hãy cân nhắc việc rời đi nếu cuộc thảo luận với cấp trên nếu không đạt được tiếng nói chung. Bởi nếu không đáp ứng được những kỳ vọng trong công việc, cấp quản lý nên cung cấp những phản hồi, hỗ trợ, hướng dẫn phù hợp để nhân viên có thể phát huy năng lực làm việc thay vì im lặng sa thải.

Nhưng Janice Gassam Asare, chuyên gia tư vấn về các vấn đề đa dạng, công bằng và hòa nhập cho rằng, cảnh báo nghỉ việc chỉ là phương án cuối cùng, trong bối cảnh suy thoái kinh tế và nhiều công ty cắt giảm nhân sự. "Bạn nên tìm kiếm mọi nguồn lực sẵn có, tham gia vào các công đoàn để đảm bảo quyền lợi và có thể lên tiếng nếu cảm thấy đang bị đánh giá thấp tại nơi làm việc", chuyên gia nói.

Theo Nguyễn Phượng

Thể thao văn hóa

Trở lên trên