5 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam: Không chia sẻ rủi ro, bảo đảm 'trải thảm đỏ' mời nhà đầu tư
Mặc dù 5 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam thực hiện theo hình thức đối tác công-tư (PPP) không áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư về lưu lượng xe, nhưng, Bộ GTVT khẳng định “khi phân chia dự án, Bộ GTVT đã tính toán, dự án nào hoàn thành trước cũng sẽ đủ điều kiện để vận hành khai thác độc lập mà không phụ thuộc vào các dự án bên cạnh, tất cả các dự án đều được thiết kế nút giao phù hợp ra QL1 bảo đảm đủ điều kiện để khai thác độc lập”.
- 05-08-2020Ngày 8/8, sẽ bán hồ sơ mời thầu thi công 3 đoạn cao tốc Bắc – Nam chuyển đầu tư công
- 03-08-202014 nhà đầu tư mua hồ sơ dự thầu 5 đoạn BOT cao tốc Bắc-Nam
- 28-07-2020Chính phủ giao Bộ GTVT làm người quyết định đầu tư 3 đoạn cao tốc Bắc-Nam
Chiều 6/8, Bộ GTVT đã tổ chức trao đổi, cung cấp thông tin đến 14 nhà đầu tư để làm rõ các nội dung liên quan đến công tác đấu thầu 5 dự án cao tốc Bắc-Nam triển khai theo hình thức đối tác công-tư (PPP) gồm: Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm và Cam Lâm-Vĩnh Hảo. Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật chủ trì.
Không áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro
Là một trong những nhà đầu tư tham gia đấu thầu, ông Dương Văn Mậu, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đặt câu hỏi "Luật PPP có quy định về chia sẻ rủi ro của dự án PPP, tuy nhiên, trong hồ sơ mời thầu chưa có bất kỳ nội dung nào liên quan đến vấn đề này, đề nghị Bộ GTVT làm rõ?"
Trả lời nhà đầu tư, ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT) giải thích, theo quy định tại Khoản 3 Điều 101 Luật PPP, trường hợp đã có kết quả lựa chọn nhà đầu tư nhưng việc đàm phán ký kết hợp đồng được thực hiện sau ngày Luật PPP có hiệu lực (từ 1/1/2021) thì cơ quan ký kết hợp đồng có trách nhiệm tổ chức đàm phán, ký kết hợp đồng căn cứ vào kết quả lựa chọn nhà đầu tư, hồ sơ dự thầu, hồ sơ mời thầu theo quy định của Luật này nhưng không dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư và báo cáo nghiên cứu khả thi đã được duyệt.
Trong trường hợp hợp đồng ký kết sau thời điểm Luật PPP có hiệu lực, chúng ta sẽ tiến hành đàm phán các nội dung chưa phù hợp, với điều kiện tất cả nội dung đàm phán không làm thay đổi chủ trương đầu tư và báo cáo nghiên cứu khả thi đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, tại Điều 82 của Luật PPP có quy định, nếu dự án muốn được chia sẻ rủi ro thì phải được đưa vào phê duyệt từ bước chủ trương đầu tư, nhưng các dự án này không nằm trong quy định đó.
"Với mốc thời gian được Chính phủ đưa ra hiện nay, chúng tôi phải trả lời thẳng thắn là các dự án PPP cao tốc Bắc-Nam không được áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro về lưu lượng", ông Lê Kim Thành nói.
Chia sẻ nỗi băn khoăn về rủi ro lưu lượng xe với nhà đầu tư, ông Lê Kim Thành cho biết: "Chúng tôi hiểu rằng nhà đầu tư lo ngại về vấn đề đưa vào khai thác, dự án này hoàn thành sớm, dự án kia hoàn thành muộn sẽ ảnh hưởng đến phương án tài chính. Nhưng, tôi xin khẳng định, việc này đã được Bộ GTVT xem xét, tính toán từ bước nghiên cứu khả thi, mỗi dự án dài 50 km, 70 km, 100 km đều được thiết kế các nút giao phù hợp ra QL1 đảm bảo đủ điều kiện để khai thác độc lập".
Đồng thời, Vụ trưởng Vụ PPP cũng yêu cầu các ban quản lý dự án, bên mời thầu cung cấp hồ sơ về dữ liệu đếm xe cho các nhà đầu tư một cách "công khai, không giấu diếm" bởi đây là một bộ phận của hồ sơ mời thầu và là đòi hỏi chính đáng của nhà đầu tư.
Công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc-Nam đã xong 87%, dự kiến hoàn thành toàn bộ trong tháng 10/2020. Ảnh: VGP.
Trải thảm đỏ mời nhà đầu tư
Một vấn đề nữa mà hầu hết các nhà đầu tư như Công ty CP FECON hay Tập đoàn Sơn Hải đều quan tâm là giá dự toán trong hồ sơ mời thầu cao tốc Bắc-Nam rất thấp so với mặt bằng thị trường bởi thời điểm phê duyệt phương án tài chính các dự án, nhiều loại nguyên liệu đầu vào chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 khiến giá xuống rất thấp, thậm chí xăng dầu lúc đó chạm đáy.
"Dự phòng trượt giá của các dự án cao tốc Bắc-Nam quy định từ 3-5% là quá thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư. Chúng tôi đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh nội dung này trong hồ sơ mời thầu theo hướng giá cả sau này đi lên hay giảm xuống đều được điều chỉnh phương án tài chính, để Nhà nước không bị ảnh hưởng và nhà đầu tư cũng không bị thiệt", ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải nói.
Trả lời các nhà đầu tư, ông Lê Kim Thành cho biết, trong các quy định của pháp luật, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP có thể tổ chức được ngay ở bước nghiên cứu khả thi, thậm chí là tiền khả thi. Tuy nhiên, đối với các dự án PPP cao tốc Bắc-Nam, Bộ GTVT đã làm rất kỹ lưỡng, xong thiết kế kỹ thuật mới tổ chức đấu thầu. Do đó, số liệu ở giai đoạn thiết kễ kỹ thuật đã chính xác hơn rất nhiều và giá trị dự phòng trượt giá của từng dự án dự kiến từ 3-5% được xây dựng căn cứ trên các số liệu thống kê.
"Dự phòng trong các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam là trọn gói. Nhà đầu tư toàn quyền được sử dụng trong quá trình thi công, không phải hỏi ai cả, khi đã đấu thầu là lời ăn lỗ chịu", ông Lê Kim Thành khẳng định.
Tuy nhiên, ghi nhận ý kiến của các nhà đầu tư, ông Lê Kim Thành cho biết Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các ban quản lý dự án, tư vấn rà soát cập nhật lại dự toán để xem mức độ thay đổi thế nào, có cần thiết phải điều chỉnh hay không.
Khẳng định tinh thần "trải thảm đỏ" mời nhà đầu tư của Chính phủ cũng như của Bộ GTVT, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết: ngay trong tuần, Bộ GTVT tiếp tục làm việc với các ngân hàng để hỗ trợ nguồn vốn tín dụng cho các dự án PPP cao tốc Bắc-Nam.
"Đây là dự án trọng điểm quốc gia, công tác giải phóng mặt bằng đã xong 87%, dự kiến hoàn thành toàn bộ trong tháng 10/2020. Chúng tôi cam kết khi nhà đầu tư trúng thầu là có đầy đủ mặt bằng triển khai thi công các dự án. Sau 1 tháng nữa, Bộ GTVT sẽ tiếp tục đối thoại, trao đổi với các nhà đầu tư. Bộ hết sức cầu thị, lắng nghe và luôn trải thảm đỏ để các nhà đầu tư tham gia vào dự án cao tốc Bắc-Nam", Thứ trưởng chia sẻ.
Chinhphu.vn