MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 năm trước, tỉnh này chỉ có 20km cao tốc, hiện lột xác ngoạn mục sở hữu số km cao tốc nhiều nhất Việt Nam

5 năm trước, tỉnh này chỉ có 20km cao tốc, hiện lột xác ngoạn mục sở hữu số km cao tốc nhiều nhất Việt Nam

Một tỉnh phía Bắc có số km cao tốc nhiều nhất Việt Nam.

Vào tháng 9/2014, Quảng Ninh phát lệnh khởi công làm những km đường cao tốc đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Đó là tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng có tổng vốn đầu tư khoảng 6.400 tỷ đồng. Đặc biệt, cao tốc Hạ Long – Hải Phòng là tuyến đường cao tốc đầu tiên trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ giao cho Quảng Ninh thực hiện bằng nguồn ngân sách của tỉnh và hình thức đối tác công tư (PPP).

Sau 4 năm thi công, vào tháng 9/2018, Quảng Ninh chính thức có được 20 km đường cao tốc đầu tiên, tuyến cao tốc này kết nối trực tiếp vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Sau đó, vào tháng 4/2019, Quảng Ninh chính thức cho đi vào hoạt động tuyến cao tốc thứ 2 Hạ Long – Vân Đồn dài khoảng 60 km. Sau đó là dự án cao tốc nối Vân Đồn với thành phố Móng Cái dài khoảng 80 km được thông xe vào ngày tháng 9/2022. Tuyến cao tốc Vân Đồn- Móng Cái trở thành mảnh ghép cuối cùng của tuyến đường bộ cao tốc xương sống của Quảng Ninh.

Tuyến Vân Đồn – Móng Cái đưa vào sử dụng kết nối đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể với các tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Lào Cai, tạo thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam (gần 600 km). Hiện nay, Quảng Ninh là tỉnh có số km đường cao tốc lớn nhất cả nước với gần 176 km.

Tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái cùng với hệ thống cảng biển, logistics; các đầu tàu, cực tăng trưởng kinh tế của phía Bắc và các đô thị lớn; các khu kinh tế ven biển của Hải Phòng, Quảng Ninh và các khu kinh tế cửa khẩu với cửa khẩu quốc tế Móng Cái tạo ra những lợi thế so sánh khác biệt cho Quảng Ninh.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, tuyến đường cao tốc kết nối vùng dài nhất Việt Nam đưa Quảng Ninh ngày càng trở thành điểm trung chuyển chiến lược trong khu vực Đông Á - Đông Nam Á, ASEAN - Trung Quốc, Khu vực hợp tác "hai hành lang một vành đai kinh tế" Việt - Trung, hợp tác liên vùng vịnh Bắc Bộ mở rộng. Từ đó, tuyến đường sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy liên kết vùng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng.

Tại lễ khánh thành tuyến đường cao tốc Vân Đồn–Móng Cái vào 1/9/2022, Thủ tướng cho biết: "Cùng với sân bay, cảng biển, tuyến đường cao tốc đã phá thế "độc đạo" của Quảng Ninh khi trước đây chỉ có Quốc lộ 18. Theo đó, Quảng Ninh khi có đường cao tốc, có sân bay, có bến cảng thì sẽ tự mình phát triển và vươn lên mạnh mẽ hơn nữa. Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của Quảng Ninh khoảng 2.000 USD, nhưng năm 2022 đạt khoảng 8.000 USD, tức tăng gấp 4 lần sau 10 năm".

Theo đó, 5 năm trước, Quảng Ninh chỉ có 20km cao tốc, hiện lột xác ngoạn mục sở hữu số km cao tốc nhiều nhất Việt Nam. Trên thực tế, Quảng Ninh là tỉnh có sự lột xác ngoạn mục trong phát triển cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế nhờ định hướng phát triển đúng đắn và nhiều quyết định mang tính tiên phong.

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, cơ chế "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, đầu tư công - quản lý tư", Quảng Ninh sử dụng một lượng ngân sách để làm "vốn mồi" dẫn dắt các nguồn vốn khác với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Đây là điểm mấu chốt giúp địa phương trong một thời gian ngắn có số km cao tốc bằng 1/10 tổng số đường cao tốc toàn quốc.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên tự làm đường cao tốc. Các tuyến cao tốc đều do Quảng Ninh tự làm, khác hẳn với các tuyến cao tốc trong nước do Chính phủ đầu tư. Các tuyến đường đã cho thấy rõ vai trò kết nối, rút ngắn thời gian di chuyển, liên kết chặt chẽ các khu kinh tế, cực tăng trưởng phía Bắc và các sân bay quốc tế gồm: Nội Bài (Hà Nội) - Cát Bi (Hải Phòng) - Vân Đồn (Quảng Ninh).

Hệ thống cơ sở hạ tầng được Quảng Ninh quy hoạch theo đúng định hướng định hướng tổ chức không gian lãnh thổ của tỉnh là "Một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá", mở rộng cánh cửa kết nối Việt Nam, ASEAN với Trung Quốc, đón nhận nhiều cơ hội mới.

Minh Tiến

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên