MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 thành phố trực thuộc Trung ương tăng trưởng GRDP ra sao trong 9 tháng đầu năm 2022?

5 thành phố trực thuộc Trung ương tăng trưởng GRDP ra sao trong 9 tháng đầu năm 2022?

Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Cần Thơ là thành phố có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất, đạt 17,57% trong 9 tháng đầu năm 2022.

Tăng trưởng trung bình của 5 thành phố trực thuộc Trung ương đạt 13,21% trong 9 tháng đầu năm 2022, cao hơn mức bình quân của cả nước (8,83%).

Cần Thơ

Cần Thơ có tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 17,57% trong 9 tháng đầu năm 2022. Theo Cục Thống kê TP. Cần Thơ, tổng thu ngân sách Nhà nước lũy kế thực hiện đến ngày 20/9/2022 đạt 9.740,07 tỷ đồng, bằng 57,77% dự toán Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố giao, giảm 2,88% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, trong 9 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội của Cần Thơ đạt 21.944,45 tỷ đồng, tăng 30,16% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn Nhà nước đạt 4.195,78 tỷ đồng, tăng 41,71%, vốn ngoài Nhà nước đạt 16.528,74 tỷ đồng, tăng 29,87% và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.219,93 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ.

Đà Nẵng

Trong 9 tháng đầu năm 2022, hầu hết các chỉ số kinh tế của Đà Nẵng đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021. Theo Cục Thống kê TP. Đà Nẵng, thành phố có tăng trưởng GRDP đạt 16,76% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng đầu năm 2022 tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn Đà Nẵng ước đạt 2.743,3 triệu USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.629,3 triệu USD, tăng 27,3% và kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 1.114 triệu USD, tăng 14,1%. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục theo hướng xuất siêu, đạt 515,3 triệu USD trong vòng 9 tháng đầu năm 2022, tăng 69,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 28.640,8 tỷ đồng, tăng 24,72% so với cùng kỳ năm 2021. Thành phố thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 129,129 triệu USD, bằng 79,4% cùng kỳ.

5 thành phố trực thuộc Trung ương tăng trưởng GRDP ra sao trong 9 tháng đầu năm 2022? - Ảnh 1.

Tăng trưởng GRDP của 5 thành phố trực thuộc Trung ương 9 tháng đầu năm 2022. Nguồn: Cục Thống kê các tỉnh, thành.

Hải Phòng

Hải Phòng có tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm năm 2022 đạt 12,06% so với cùng kỳ năm trước. Theo Cục Thống kê TP. Hải Phòng, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố 9 tháng đầu năm 2022 đạt 78.461,5 tỷ đồng, đạt 74,3% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 118,8% so với cùng kỳ năm trước.

Về thu hút đầu tư nước ngoài, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 40.156,3 tỷ đồng, tăng 4,10% so với cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm đến 15/9/2022, toàn thành phố Hải Phòng có 56 dự án cấp mới đến từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ, với số vốn đầu tư đạt 787,76 triệu USD. Trong đó, tổng cấp mới và tăng vốn toàn thành phố có 85 dự án, vốn đầu tư đạt 1.244,16 triệu USD.

TP. HCM

Tăng trưởng GRDP của TP. HCM đạt 9,97% trong 9 tháng đầu năm 2022. Theo Cổng thông tin TP. HCM, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt gần 350.000 tỷ đồng, đạt hơn 90% dự toán năm và tăng gần 28% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt gần 105.000 tỷ đồng, đạt gần 90% dự toán, tăng gần 20% so cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 19,6% so với cùng kỳ, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 24,4% so với cùng kỳ. Khách du lịch nội địa đến thành phố ước đạt 20,61 triệu lượt, tăng 66,1% so với cùng kỳ; khách quốc tế đến thành phố ước đạt 2,11 triệu lượt, tăng 100%.

Tổng vốn đầu tư trên địa bàn TP. HCM ước thực hiện 74.838 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ. Cùng với đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt 406,6 triệu USD, giảm 40,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Hà Nội 

Hà Nội có tăng trưởng GRDP trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 9,69% so với cùng kỳ năm trước. Theo Cổng thông tin TP. Hà Nội, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố tăng 8,6%; khu vực dịch vụ phục hồi tích cực, cung ứng hàng hóa ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 21,3%.

Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố quý III tăng 17,7% so với quý trước, tăng 47,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn ngân sách Nhà nước địa phương quản lý quý III tăng 12,9% và 38,5%.

Minh Tiến

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên