MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

500.000 lì xì và hàng triệu đồng sau mỗi dịp Tết: Đừng để tiền làm hại con trẻ, chúng sẽ chẳng học được cách tiết kiệm và sau này sẽ cư xử như ‘người nghèo’

16-02-2018 - 19:51 PM | Sống

Dưới đây là những gì khoa học đang nhìn nhận về thói quen 'lì xì nhiều tiền' của người Việt vẫn diễn ra mỗi đầu năm mới. Nói chung, xã hội càng hiện đại thì người ta thấy số tiền trong mỗi phong bao lì xì càng lớn, lớn đến mức con trẻ lấy nó ra để so sánh với nhau, và người lớn lấy nó ra để đánh giá người khác.

Ngày Tết, một công việc mà các bậc cha mẹ, những người lớn không quên thực hiện với trẻ nhỏ chính là lì xì. Tục lệ mừng tuổi này thể hiện tình yêu thương của ông bà, cha mẹ dành cho con cháu, với hy vọng chúng sẽ hạnh phúc và may mắn trong cả năm.

Như thế, rõ ràng lì xì lấy may trong đầu năm mới là điều nên làm. Thế nhưng ngày nay phong tục này đã ít nhiều bị bóp méo khi đây đó người ta quá đặt nặng giá trị vật chất của các phong bao lì xì. Xã hội càng hiện đại phát triển, người ta thấy rằng giá trị số tiền trong mỗi phong bao lì xì càng lớn, lớn đến mức con trẻ lấy số tiền chúng nhận được để so sánh với nhau, và người lớn cũng lấy con số này ra để đánh giá người lớn đã lì xì cho những đứa trẻ của họ.

500.000 lì xì và hàng triệu đồng sau mỗi dịp Tết: Đừng để tiền làm hại con trẻ, chúng sẽ chẳng học được cách tiết kiệm và sau này sẽ cư xử như ‘người nghèo’ - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Nhiều người hiểu rằng rõ ràng phong tục tốt đẹp này đã bị ít nhiều bóp méo. Quan điểm này nhận được sự đồng thuận của khoa học, khi nhiều nghiên cứu gần đây cho rằng việc cho con trẻ quá nhiều tiền, sẽ ảnh hưởng không tốt đến trẻ nhỏ khi chúng lớn lên, đặc biệt là khả năng quản lý tiền bạc.

Dưới đây là những gì khoa học đang nhìn nhận về thói quen 'lì xì nhiều tiền' mỗi đầu năm mới:

1. Lì xì quá nhiều tiền khiến trẻ có những 'hành vi của người nghèo' trong cuộc sống sau này

Tiến sĩ, giáo sư tâm lý David Bredehoft (đại học Concordia, Mỹ) trong một nghiên cứu về tính khí của thanh niên và trẻ em cho rằng, những trẻ được nuông chiều bằng cách được cho quá nhiều tiền và vật chất có thể sẽ có thái độ không hay khi chúng bắt đầu trưởng thành.

Cụ thể, họ cho rằng nếu càng bị vật chất làm hư hỏng, trẻ càng trở nên tự mãn về bản thân mình. Bên cạnh đó, chúng cũng có xu hướng thấy mình làm việc kém hiệu quả hơn những đứa trẻ khác.

Những số tiền lớn đến dồn dập có thể khiến trẻ thay đổi hành vi một cách nhanh chóng, và rút cục có thể dẫn đến tình cảnh như trên. Bây giờ, hãy thử nhớ lại mỗi dịp Tết, con bạn nhanh chóng có một số tiền lớn đến cả hàng triệu đồng, với mỗi lần lì xì 500.000 đồng, nhanh như thế nào?

2. Trẻ có thể bị nhầm lẫn giữa cái mình muốn và cái mình cần

Khi đứa trẻ có quá nhiều tiền ở một thời điểm nào đó, chúng dễ dàng mua tất cả những thứ chúng thích. Một lẽ tự nhiên là tất cả bọn trẻ đều thích những món đồ chơi mới xuất hiện, giống như một điện thoại iPhone chẳng hạn.

Đây là hành vi bình thường khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại liên tục khuyến khích bọn trẻ tìm kiếm những thứ xa xỉ. Chúng ta đang sống trong một xã hội thay đổi chóng mặt, sự hài lòng vật chất thường kéo dài không lâu. Vì thế, chúng ta cần thiết phải dạy cho trẻ biết sự khác nhau giữa cái mình muốn và cái mình cần ngay từ khi còn nhỏ, để trẻ tránh được thói quen tiêu xài hoang phí trong tương lai: mua bất kỳ thứ gì mình thấy thích dù không cần thiết.

500.000 lì xì và hàng triệu đồng sau mỗi dịp Tết: Đừng để tiền làm hại con trẻ, chúng sẽ chẳng học được cách tiết kiệm và sau này sẽ cư xử như ‘người nghèo’ - Ảnh 2.

Những phương tiện truyền thông cổ vũ vật chất có vẻ như là quá đủ rồi!

Để trẻ hiểu được sự khác biệt này và có bài tập thực hành, không chỉ khi trẻ có quá nhiều tiền từ lì xì, cha mẹ có thể giải thích cho trẻ hiểu rằng phải làm bao nhiêu việc thì có thể nhận được một món tiền đủ mua một món hàng cụ thể nào đó.

Ví dụ, trẻ sẽ mất khoảng 30 giờ làm việc để mua được một bộ đồ chơi. Cha mẹ hãy yêu cầu chúng làm thế nào để sẵn sàng làm việc trong nhiều giờ. Điều đó sẽ giúp chúng đánh giá cao lượng công việc làm thêm cần thiết để có tiền mua những món đồ đắt tiền mà chúng muốn.

3. Cuối cùng, trẻ sẽ khó lòng học được bài học về tiết kiệm

Hãy kể câu chuyện tại nước Anh để xem các bậc phụ huynh đã giật mình như thế nào sau khi biết hậu quả của thói quen cho con trẻ nhiều tiền của mình. Hai giáo sư mang tên Sarah Brown và Karl Taylor đến từ Khoa Kinh tế của Đại học Sheffieled của Anh Quốc đã làm một bài nghiên cứu tương quan giữa việc cho trẻ tiền và khả năng tiết kiệm của trẻ về mặt định lượng là như thế nào.

Dựa trên bản khảo sát mang tên British Household Panel được thực hiện thường niên bởi Viện trường Đại học Essex, 2 giáo sư này đã lấy ra dữ liệu từ 6000 trẻ em ở độ tuổi từ 11 đến 15 trên khắp nước Anh. Thông qua dữ liệu này, 2 vị giáo sư đã kết luận rằng cứ được cho càng nhiền tiền, khả năng trẻ có thể tiết kiệm tiền là càng kém: Cứ 1% tăng trong số tiền bố mẹ cho trẻ thì sẽ tạo ra 22% giảm trong khả năng tiết kiệm.

Không chỉ có thế, các nhà khoa học còn đã chứng minh rằng khả năng tiết kiệm của trẻ nhỏ hầu như sẽ không có sự thay đổi khi chúng lớn lên: đứa trẻ nào biết tiết kiệm thì lớn lên cũng sẽ biết tiết kiệm còn đứa trẻ nào phung phí thì lớn lên vẫn sẽ phung phí.

Đa phần với những hành vi chi tiêu không đúng mực này, trẻ em được học từ chính các bậc cha mẹ mình. Chính những khoảnh khắc được bố mẹ hào phóng rút ví ra cho tiền đã in sâu trong tâm trí con trẻ, qua đó khiến chúng dần dà cũng sẽ trở nên thoải mái về tiền bạc như bố mẹ mình.

Tổng kết của bài nghiên cứu gây bất ngờ với các bậc cha mẹ này đã được đưa ra trong một hội thảo thường niên mang tên Royal Economic Society. Trong hội thảo, các chuyên gia cũng kết luận: "Nghiên cứu của chúng tôi chỉ rõ rằng số tiền tiêu vặt mà trẻ nhận được từ cha mẹ mình tương quan ngược chiều với khả năng tiết kiệm của trẻ nhỏ. Ngược lại, nếu trẻ em tự biết kiếm tiền từ những công việc bán thời gian thì khả năng tiết kiệm của trẻ sẽ tốt hơn".

Những nghiên cứu này đã làm cho nhiều bậc cha mẹ tại nước Anh bất ngờ. Ngay lập tức, số tiền tiêu vặt trung bình mà các bậc cha mẹ cho con cái đã giảm mạnh: Những đứa trẻ trong độ tuổi 15, một số tiền khoảng 5,98 bảng mỗi tuần, con số đã giảm 27% so với những thống kê gần nhất vào năm 2011.

5,98 bảng đổi ra tiền Việt tương ứng với khoảng 200.000 đồng. Vậy Tết này bạn liệu còn có ý định lì xì những tờ 500.000 đồng cho con trẻ ? Hãy nhớ câu nói của vị Thủ tướng Anh Winston Churchill: "Đừng cho con trai bạn tiền. Nếu bạn có khả năng, hãy cho cậu ấy một con ngựa".

Theo Quảng Đức

Trí thức trẻ

Trở lên trên