6 biểu đồ cho thấy kinh tế Mỹ hay Trung Quốc thiệt hại nhiều hơn ở năm thứ 2 của thương chiến
Ở cả hai nền kinh tế, chi tiêu tiêu dùng đã trở thành điểm sáng hiếm hoi của năm 2019, được hỗ trợ bởi thị trường lao động khá vững chắc.
- 27-12-2019Không phải chiến tranh thương mại hay vỡ nợ, đây mới là rủi ro lớn nhất của Trung Quốc trong mắt các chuyên gia nghiên cứu của chính phủ
- 22-12-201940 năm quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung và 20 tháng thương chiến cam go
- 18-12-2019Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump đắc cử tổng thống nhiệm kỳ 2: Thêm chiến tranh thương mại, Powell bị sa thải và tiếp tục giảm thuế?
Năm 2019, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã bước vào năm thứ hai, ngày càng tạo thêm nhiều gánh nặng lên cả hai nền kinh tế trong bối cảnh môi trường kinh doanh trên toàn cầu ngày càng tệ đi.
CNBC đưa ra 6 biểu đồ cho thấy nền kinh tế cũng như thị trường tài chính của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã diễn biến ra sao trong năm vừa qua.
Tăng trưởng kinh tế chậm lại
Tốc độ tăng trưởng GDP – thước đo rộng nhất về sức khỏe của 1 nền kinh tế - đã sụt giảm ở cả Mỹ và Trung Quốc. Một số chuyên gia kinh tế dự báo năm 2020 các con số thậm chí sẽ còn tồi tệ hơn vì hai nước tiếp tục mắc kẹt trong xung đột thương mại và còn phải đối phó với những vấn đề nội bộ phức tạp. Điều này gây thêm nhiều áp lực cho nền kinh tế toàn cầu vốn đã mong manh.
Khối lượng giao dịch thương mại giảm
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả hai nước đều sụt giảm mạnh trong 10 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm trước đó. Nhưng các chuyên gia cho rằng đó là điều tất yếu khi mà dòng chảy thương mại toàn cầu đã suy yếu ngay cả trước khi thương chiến nổ ra.
Trong khi đó mức thâm hụt thương mại của Mỹ - mà phần lớn là thâm hụt với Trung Quốc – không thay đổi nhiều trong năm vừa qua. Dù theo số liệu thì thâm hụt thương mại Mỹ - Trung đã giảm từ mức 344,5 tỷ USD trong giai đoạn tháng 1 – tháng 10/2018 xuống còn 294,5 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2019.
Hoạt động sản xuất suy giảm
Chỉ số PMI của Mỹ và Trung Quốc trong năm 2019
Lĩnh vực sản xuất của cả Mỹ và Trung Quốc đã bị ảnh hưởng mạnh bởi thực trạng kinh tế toàn cầu suy giảm và tình hình càng trở nên tệ hơn bởi cuộc chiến thương mại giữa 2 nước.
Phần lớn các tháng của năm 2019, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của cả hai nước đều ở dưới mức 50 điểm – ngưỡng phân chia giữa suy thoái và mở rộng.
Doanh số bán lẻ ở mức ổn định
Tăng trưởng doanh số bán lẻ của hai nền kinh tế
Ở cả hai nền kinh tế, chi tiêu tiêu dùng đã trở thành điểm sáng hiếm hoi của năm 2019, được hỗ trợ bởi thị trường lao động khá vững chắc.
Nhưng cũng có những rủi ro khiến sự lạc quan có thể sẽ không kéo dài lâu. Một số chuyên gia phân tích cảnh báo rằng thuế quan bổ sung mà Mỹ đánh vào hàng hóa Trung Quốc có thể làm xói mòn sức tiêu dùng ở Mỹ. Tại Trung Quốc, giá thịt lợn tăng phi mã sẽ buộc người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu cho những mặt hàng khác.
Chuyển động trên thị trường tiền tệ
Diễn biến USD và nhân dân tệ trong năm 2019
Nền kinh tế Mỹ khỏe mạnh và vị thế là hầm trú ẩn an toàn của đồng USD đã giúp đẩy tăng nhu cầu về đồng bạc xanh, khiến USD tăng giá mạnh trong năm 2019.
Ngược lại, chính phủ Trung Quốc đã để cho nhân dân tệ giảm giá trong phần lớn năm 2019. Dù có chủ ý hay không thì diễn biến này đã khiến Tổng thống Donald Trump gắn mác thao túng tiền tệ cho Trung Quốc. Nhưng Quỹ tiền tệ quốc tế IMF cho rằng giá trị của nhân dân tệ diễn biến hoàn toàn phù hợp với thể trạng của kinh tế Trung Quốc.
Thị trường chứng khoán
Các đợt cắt giảm lãi suất và một số lần căng thẳng thương mại tạm lắng đã giúp củng cố tâm trạng của nhà đầu tư và giúp phố Wall liên tiếp lập kỷ lục bất chấp lợi nhuận của các doanh nghiệp tỏ ra yếu ớt.
Còn trên TTCK Trung Quốc, việc các cổ phiếu Trung Quốc được bổ sung vào một số chỉ số chuẩn quốc tế đã giúp Shanghai Composite Index có được mức tăng trưởng cao kỷ lục (2 con số) trong năm 2019.