MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

6 sàn TMĐT hợp lực tiêu thụ vải thiều Bắc Giang: Giúp nông dân livestream chốt đơn “khủng”, sẽ mở rộng bán nông, đặc sản khắp vùng miền

12-06-2021 - 16:31 PM | Thị trường

6 sàn TMĐT hợp lực tiêu thụ vải thiều Bắc Giang: Giúp nông dân livestream chốt đơn “khủng”, sẽ mở rộng bán nông, đặc sản khắp vùng miền

Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khách hàng đến mua sắm tại hệ thống siêu thị cũng gặp những khó khăn nhất định. Do vậy, sự kết hợp giữa siêu thị truyền thống và nhà bán hàng trực tuyến sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các bên, nhất là người tiêu dùng.

Mới đây, chương trình "Chung tay ủng hộ vải Bắc Giang" do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) chủ trì phối hợp cùng Bộ thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Bắc Giang đã thu hút sự tham gia của 6 sàn TMĐT gồm: Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, Voso và Postmart.

Trong thông tin phát đi mới đây, sàn Tiki cho biết, với mục tiêu hỗ trợ đầu ra cho nguồn vải thiều Bắc Giang trước tình hình dịch Covid-19 căng thẳng, cũng như trở thành nền tảng thương mại điện tử uy tín hàng đầu đồng hành cùng nông sản Việt trong dài hạn, từ ngày 5/6 đến hết ngày 15/6, Tiki chính thức phối hợp cùng Cục Thương mại Điện tử - Kinh tế số và đối tác đồng hành chiến lược Central Retail triển khai chương trình "Ủng hộ Vải Bắc Giang".

Theo đó, vải thiều Bắc Giang được chính thức mở bán trên sàn thương mại điện tử Tiki với giá chỉ từ 29.900 đồng/kg, cùng các ưu đãi miễn phí vận chuyển và mã giảm giá trực tiếp.

Khách hàng trên 26 tỉnh thành cả nước có thể dễ dàng mua sắm và ủng hộ vải thiều Bắc Giang trên Tiki thông qua gian hàng của Big C (GO!) - Central Retail trên TikiNGON. Riêng với Hà Nội và Tp.HCM, các đơn hàng vải thiều sẽ được áp dụng giao nhanh trong ngày, giúp người tiêu dùng có thể nhanh chóng thưởng thức đặc sản này. Dự kiến, lượng vải thiều tiêu thụ trong chiến dịch sẽ lên đến 16 tấn.

Bên cạnh mục tiêu tạo kênh tiêu thụ bền vững cho nông sản của các địa phương, đặc biệt là những đặc sản vùng miền, khuyến khích tinh thần "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Tiki còn mong muốn đóng góp chung tay, cùng Việt Nam vượt qua thời kỳ còn nhiều thử thách do dịch bệnh như hiện tại. Do đó, với mỗi đơn hàng TikiNGON thành công từ ngày 1/6 đến 15/6, Tiki sẽ trích 5% giá trị mỗi đơn hàng để chung tay cùng đồng bào tỉnh Bắc Giang phòng chống dịch Covid-19.

"Đây là cơ hội để Tiki và người tiêu dùng có thể cùng chung tay góp sức đồng hành cùng đồng bào tỉnh Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung trên hành trình đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh", đại diện đơn vị này nhấn mạnh.

Bà Vũ Thị Nhật Linh, Phó Tổng Giám đốc Quản lý Sàn Thương mại tại Tiki chia sẻ, "Dự án ‘Ủng hộ Vải Bắc Giang’ đánh dấu cho lần hợp tác đầu tiên giữa Tiki và đối tác Central Retail cùng sự đồng hành của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, nằm trong chiến lược ‘Từ nông trại đến bàn ăn’ của ngành hàng tươi sống TikiNGON. Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp sâu sát cùng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Central Retail và nhiều đối tác khác để triển khai thêm các chương trình đồng hành cùng nông dân địa phương, đưa các đặc sản vùng miền như vải thiều Thanh Hà - Hải Dương, nhãn lồng Hưng Yên, xoài Cam Lâm... đến tay người tiêu dùng Việt với giá thành hợp lý…

Tương tự, từ ngày 8/6 đến hết tháng 7/2021, vải thiều Bắc Giang chính thức lên sàn Lazada thông qua 2 gian hàng chính hãng của VinMart, FoodMap cùng với nhiều ưu đãi về giá bán và phí vận chuyển. Toàn bộ nguồn hàng được thu mua, bảo quản, đóng gói theo quy trình nghiêm ngặt tại kho hàng của VinMart và FoodMap, đảm bảo hương vị tươi ngon của loại trái cây đặc sản này.

Từ ngày 6/6/2021, Shopee cũng đã tổ chức các chương trình khuyến mãi, hỗ trợ các chi phí vận hành kho và chi phí vận chuyển sản phẩm vải thiều Bắc Giang giao ngay trong ngày tới tay người tiêu dùng tại hai thành phố Hà Nội và Tp.HCM.

Ghi nhận cho thấy, ngay trong những giờ đầu tiên mở bán, toàn bộ sản phẩm vải thiều Lục Ngạn trên gian hàng ShopeeFarm đã được bán hết. Cũng trong ngày 6/6, hơn 15 tấn trái cây bao gồm mận hậu, xoài tròn Sơn La; bưởi, dừa Tiền Giang và vải Bắc Giang được tiêu thụ.

Không chỉ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trên sàn, sàn này và các đối tác cũng triển khai các hoạt động tới người nông dân như đào tạo kinh doanh trực tuyến, các tiêu chuẩn về vận hành và đóng gói hàng hóa, các kĩ năng về quảng bá giới thiệu sản phẩm. Người nông dân trồng vải có thể trực tiếp lên livestream giới thiệu về sản phẩm vải thiều Bắc Giang trên nền tảng Shopee.

6 sàn TMĐT hợp lực tiêu thụ vải thiều Bắc Giang: Giúp nông dân livestream chốt đơn “khủng”, sẽ mở rộng bán nông, đặc sản khắp vùng miền - Ảnh 1.

Trước tình hình đầu ra của nông sản Bắc Giang gặp khó, làm sao để đưa 100 tấn vải thiều Lục Ngạn thẳng từ vườn đến tay người tiêu dùng là một thách thức mà sàn TMĐT Sendo đặt mục tiêu tìm lời giải đáp. Đại diện sàn TMĐT này gọi đây là cuộc chuyển giao "công nghệ bán hàng" đặc biệt và thần tốc nhất từ trước đến nay. Theo đó, Sendo sẽ trực tiếp mang những kinh nghiệm và sáng kiến mới cho chuyển đổi số nông nghiệp đến các hợp tác xã tại Bắc Giang. Đội ngũ chợ mạng này đang khẩn trương cùng Đoàn Thanh niên tỉnh Bắc Giang trực tiếp hướng dẫn bà con thực hành TMĐT. Trọng tâm và điểm nổi bật nhất của chương trình là trong ngày mở bán 6-6, khách hàng vào ứng dụng hoặc ghé thăm fanpage Sendo sẽ được xem chương trình livestream do chính tay bà con nông dân Bắc Giang thực hành quay tại vườn.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, đây là năm đầu tiên có sự kết hợp như vậy trong phương thức phân phối sản phẩm vải thiều của Bắc Giang. Trước đây, các nhà nhà bán hàng trên sàn TMĐT thường chủ động nguồn hàng tận gốc hoặc nhập qua doanh nghiệp đầu mối, nhưng cả hai phương thức đều phải chịu chi phí lớn về logistics hoặc lợi nhuận của doanh nghiệp đầu mối.

Trong khi đó, các siêu thị tập trung vào phương thức phân phối truyền thống với năng lực phân phối quy mô lớn của hệ thống siêu thị, nguồn hàng và logistics.

Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khách hàng đến mua sắm tại hệ thống siêu thị cũng gặp những khó khăn nhất định. Đó là chưa nói đến việc các siêu thị trực tiếp vận hành gian hàng online vốn không phải là lợi thế và có nhiều kinh nghiệm. Do vậy, sự kết hợp giữa siêu thị truyền thống và nhà bán hàng trực tuyến sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các bên, nhất là người tiêu dùng.

Theo đó, hệ thống siêu thị có thể tận dụng năng lực vận hành TMĐT cũng như số lượng lớn khách hàng của nhà bán hàng trực tuyến và các nhà bán hàng trực tuyến giảm được chi phí logistics, mở rộng được phạm vi các tỉnh, thành phố có khả năng phân phối và tăng được lượng hàng hóa bán ra.

Theo đại diện Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, việc kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường trực tuyến được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả, là cánh tay nối dài bên cạnh phương thức phân phối truyền thống, qua đó giúp bà con nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ, tận dụng lợi thế về công nghệ và kết hợp phát triển thị trường TMĐT. Đây là hướng đi mới góp phần chuyển giao công nghệ, phân phối hiện đại trong lĩnh vực nông nghiệp và là giải pháp bền vững tiêu thụ hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng của các địa phương trong thời gian tới.

Thế hệ F1 nhà Vạn Thịnh Phát: Cặp chị em trâm anh thế phiệt đầy tài năng, là chủ nhân công ty vừa ủng hộ 1.450 tỷ đồng mua vaccine chống Covid-19

Theo Phương Nga

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên