MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

6 tấn chất cấm tạo nạc bán trộm ra ngoài đang ở đâu?

25-04-2016 - 17:58 PM | Thị trường

Các công ty dược đã nhập khẩu và bán hơn 6 tấn Salbutamol- chất cấm tạo nạc trong chăn nuôi ra ngoài, không đúng đối tượng, sai mục đích. Giờ chúng ở đâu?

Ông Nguyễn Văn Việt - Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, theo báo cáo của C49 (Bộ Công an), trong năm 2014 và 2015, Các Công ty dược đã nhập khẩu 9.140 kg Salbutamol, trong đó có 6.248 kg bán ra ngoài, không đúng đối tượng, sai mục đích.

Hiện nay, trong kho của các Công ty dược còn lại khoảng 1.334kg và các công ty dược đang thu hồi 2.025 kg đã phối trộn, tỷ lệ Sabultamol thấp, kém chất lượng.

“Có 4 tấn salbutamol trôi nổi trên thị trường 2 năm nay, bởi vì không áp dụng được luật tố tụng hình sự nên không thể thu hồi hết được. Công ty bán cho người này, người kia, bán chủ yếu không đúng mục đích nên không thể thu hồi được”, ông Việt bày tỏ.

Tuy nhiên, ông Việt cho rằng, nguồn cung cấp salbutamol đã được khống chế bởi Thanh tra Bộ đã thanh tra doanh nghiệp nhập khẩu Salbutamol.

Thanh tra Bộ đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra lấy 207 mẫu thức ăn chăn nuôi của 32 công ty tại 10 tỉnh để phân tích (59 mẫu phân tích chỉ tiêu Auramine, 148 mẫu phân tích chỉ tiêu Salbutamol). Kết quả phân tích không phát hiện Salbutamol và Auramine trong toàn bộ 207 mẫu.

Tại các cơ sở thức ăn chăn nuôi không phát hiện Salbutamol, vậy số Sabutamol còn lại ở đâu? Ông Việt cho biết, số lượng sabutamol tuồn ra ngoài đang ở trang trại và lò mổ, thông qua thương lái và những người tiếp thị cám. Chính vì thế trong quý I/2016, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo cục Thú y, Thanh tra Bộ kiểm tra gắt gao các trang trại, lò mổ.

“Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã thành lập các đoàn thanh tra đột xuất một số cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu vi phạm. Từ đầu năm 2015, các đoàn thanh tra đã tiến hành kiểm tra được trên 40 tổ chức, cá nhân; phát hiện phát hiện và xử lý 18 Công ty có hành vi vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính số tiền trên 2.6 tỉ đồng”, ông Việt cho hay.

“Thứ 5 tuần trước chúng tôi đã tổ chức tiêu hủy một trang trại lợn sử dụng chất cấm ở Tiền Giang vì vi phạm đến lần thứ 3. Cơ quan chức năng rất cứng rắn trong việc này”, ông Việt cho hay.

Theo ông Việt, đến thời điểm này, nguồn cung cấp salbutamol vẫn chủ yếu theo đường chính ngạch, chưa phát hiện nhập lậu.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng cho biết, “Salbutamol ảnh hưởng tới sức khỏe, nó ảnh hưởng tới hệ hô hấp, gây rối loạn nhịp đập, nhịp tim, những người bị bệnh tim có thể dẫn tới tử vong. 100% các nước trên thế giới đã cấm dùng Salbutamol trong thực phẩm và chăn nuôi”.

Nhưng do buôn bán Salbutamol lãi hơn ma túy nên vẫn có những người vô lương tâm sử dụng trong chăn nuôi.

Ông Việt cho biết, từ 1/7 Bộ Luật hình sự sửa đổi có hiệu lực, bất cứ tổ chức, cá nhân nếu sử dụng chất cấm nếu bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện sẽ bị mất tài sản rất lớn, nhất là dính vào vòng lao lí.

“Nếu một người sử dụng chất cấm không chỉ mất trắng sản nghiệp mà còn quay vào vòng lao lý. Sau 1/7, nếu tổ chức cá nhân nào từ kinh doanh, sản xuất, vận chuyển sẽ mất rất nhiều thứ, họ phải cân nhắc đến điều này”, ông Việt nhấn mạnh.

Ông Việt cho biết, để tăng cường công tác tuyên truyền, Bộ Công an, Viện Kiểm soát phải hướng dẫn cụ thể vì chỉ còn 2 tháng đã triển khai thực hiện. Thứ hai cần tập trung công tác thanh tra, kiểm tra, nguồn cung cấp thêm chất cấm.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng nhấn mạnh, việc đẩy mạnh thanh tra, xử lý hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trong năm 2016 sẽ quyết liệt hơn nữa. Cùng với đó, từ 1.7.2016, Bộ Luật Hình sự sửa đổi (có bổ sung) có hiệu lực thi hành, sẽ áp dụng mức xử phạt “mạnh tay” và mang tính răn đe đối với hành vi vi phạm ATTP.

Điều 317 quy định, chỉ cần có hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm sẽ đều bị xử lý hình sự với hình phạt cao nhất tới 20 năm tù mà không cần phải có hậu quả xảy ra như chết người hay gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng như luật cũ quy định.

Ngoài ra, mức phạt hành chính có thể lên đến trên 1 tỉ đồng. Điều này khẳng định một điều: Nếu tiếp tục đưa các chất cấm vào chăn nuôi, các hộ chăn nuôi sẽ không những “trắng tay” mà còn mắc vòng lao lý.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Việt - Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2016, Bộ NNPTNT tiếp tục ngăn chặn chất cấm và sẽ chấm dứt hoàn toàn tình trạng sử dụng chất cấm. Ngoài kinh nghiệm đã có, Bộ sẽ tập trung 3 lĩnh vực là kháng sinh trong nuôi thủy sản, bắt đầu từ các công ty nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất thuốc xem có kinh doanh hợp pháp hay không. Thực tế có nhiều công ty làm không đúng quy định nên việc khống chế được nguồn cung mới “đánh” được đúng đối tượng. Các tỉnh sẽ bắt đầu vào cuộc từ trang trại, cơ sở nuôi trồng thủy sản để phát hiện. Tuy nhiên, điều này khó khăn vì kháng sinh có rất nhiều chất cho phép trong thú y nhưng không được phép dùng trong nuôi trồng thủy sản.

“Đến nay, đã có 2 vụ về thuốc BVTV ở Đồng Tháp hiện đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, và vụ ở Hoà Bình sử dụng thuốc nhập lậu từ Trung Quốc. Thứ ba là phân bón hữu cơ và phân bón khác cũng sẽ được tăng cường kiểm tra trong năm 2016”, ông Việt cho hay.

Ông Chu Đình Khu - Trưởng phòng Thức ăn chăn nuôi - Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT: Trong số các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi thì các chất thuộc nhóm Beta agonist (β- agonist) là phức tạp nhất.

Ngoài hỗ trợ điều trị các bệnh hen suyễn, các chất β- agonist còn có tác dụng đối với hệ vận động như một chất “doping” trong thể thao và chuyển hóa mỡ, tạo nạc với động vật, nhất là các loại gia súc cho thịt phổ biến hiện nay là cho lợn.

Bà Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia, Bộ Y tế: “Chất β2-agonis tồn dư lại trong sản phẩm thực phẩm gây ra các tác hại lớn cho người sử dụng. Khi người sử dụng thực phẩm chứa các hóa chất tăng trưởng trong thời gian dài có thể gây nhiễm độc gan…. Có thể dẫn đến rối loạn hệ thống hormon của cơ thể.

Auramine O (vàng Ô): Người tiếp xúc trực tiếp với chất vàng ô qua da, nhẹ thì gây dị ứng, ngứa với da. Nếu tiếp xúc bằng đường hô hấp, sẽ kích ứng dữ dội, gây sặc, lên cơn viêm phế quản, viêm phổi.

Parodi (1982) nghiên cứu trên động vật cho thấy vàng Ô auramine gây ung thư cho chuột cống và chuột nhắt. Nhiều thí nghiệm cho thấy vàng Ô làm tổn thương axít nhân DNA của nhiều dòng tế bào, đặc biệt là tế bào gan, thận và tủy xương”.

Theo Diệu Thùy

Infonet

Trở lên trên