6 thị trường chứng khoán tăng, giảm điểm mạnh nhất thế giới 2017
Tổng giá trị vốn hóa của chứng khoán toàn cầu năm nay tăng thêm 12,4 nghìn tỷ USD...
- 27-12-2017Những người giàu nhất thế giới kiếm thêm 1.000 tỷ USD trong năm 2017, gấp 4 lần năm 2016
- 21-12-2017Bitcoin, bong bóng và đại hội đảng Trung Quốc: Giới tài chính tìm kiếm gì trên Google trong năm 2017?
- 21-12-2017Quên Bitcoin đi, người Trung Quốc đang phát cuồng với cổ phiếu AI
Năm nay, các chỉ số chứng khoán chính của Phố Wall liên tiếp lập những đỉnh cao kỷ lục mới. Tuy nhiên, ngoài Mỹ, thị trường chứng khoán nhiều quốc gia khác cũng ghi nhận những mức tăng điểm ấn tượng trong năm nay.
Nhờ đó, tổng giá trị vốn hóa của chứng khoán toàn cầu năm nay tăng thêm 12,4 nghìn tỷ USD, trang CNN Money dẫn số liệu từ S&P Dow Jones Indices cho biết.
Dưới đây là 5 thị trường chứng khoán lớn của thế giới có mức tăng điểm ấn tượng nhất năm 2017, và 1 thị trường giảm điểm mạnh nhất.
Mỹ
Phố Wall trở thành một thỏi nam châm hút vốn khi các nhà đầu tư đặt cược mạnh vào triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan, lợi nhuận vững của các doanh nghiệp, và hy vọng Tổng thống Donald Trump sẽ nới lỏng các quy chế giám sát.
Ngoài ra, ông Trump cũng giúp chứng khoán Mỹ tăng điểm bằng kế hoạch cải tổ thuế lớn nhất trong 3 thập niên của Mỹ.
Năm nay, chỉ số Dow Jones đã tăng 25%, S&P 500 tăng 20%, và Nasdaq tăng 29%.
Argentina
Chỉ số Merval của chứng khoán Argentina đã tăng 73% trong năm nay và đạt mức cao chưa từng có trong phiên giao dịch sau Giáng sinh.
Việc ông Mauricio Macri đắc cử Tổng thống Argentina vào cuối năm 2015 đã chứng tỏ là một bước ngoặt: kinh tế Argentina tăng trưởng khả quan và thị trường chứng khoán đi lên mạnh mẽ. Năm 2016, chỉ số Merval đã tăng 45%.
Năm nay, Tổng thống Macri thúc đẩy một số cải cách kinh tế, khiến niềm tin của các doanh nghiệp càng được củng cố. Tuy nhiên, lạm phát ở Argentina vẫn ở mức cao, tren 20%, và đồng nội tệ của nước này tiếp tục mất giá.
Nigeria
Chỉ số Nigerian All-Share Index của chứng khoán Nigeria vẫn chưa tái lập được mức điểm kỷ lục thiết lập vào năm 2008, nhưng mức tăng 43% mà chỉ số này đạt được trong năm 2017 đã giúp rút ngắn khoảng cách.
Năm 2015 và 2016, chứng khoán Nigeria điêu đứng vì tác động của giá dầu giảm sâu, các cuộc tấn công của phiến quân, đồng nội tệ mất giá, bầu cử, và dịch Ebola. Tuy nhiên, giá dầu hiện đã hồi phục đáng kể, các quy định về đổi ngoại tệ được Ngân hàng Trung ương Nigeria nới lỏng, và nền kinh tế nước này đã thoát khỏi suy thoái.
Nhiều nhà phân tích lạc quan dự báo chứng khoán Nigeria sẽ tiếp tục tăng điểm trong năm 2018.
Thổ Nhĩ Kỳ
Vụ đảo chính bất thành năm 2016 và một loạt vụ tấn công khủng bố đã khiến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ rúng động.
Tuy nhiên, năm nay, chỉ số chính của thị trường chứng khoán nước này đã tăng 43% nhờ Chính phủ cắt giảm thuế và thực hiện một chương trình bảo lãnh vay vốn khuyến khích các ngân hàng cho các doanh nghiệp nhỏ vay tiền.
Trong quý 3, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tăng trưởng 11,1%. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích lo ngại nền kinh tế nước này đang rơi vào tình trạng tăng trưởng quá nóng.
Hồng Kông
Chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hồng Kông đã tăng gần 35% trong năm nay, trái với sự giảm điểm của các chỉ số chính của chứng khoán Trung Quốc đại lục. Sự khác biệt này được cho là xuất phát từ diễn biến giá cổ phiếu công ty công nghệ Tencent.
Niêm yết trên thị trường Hồng Kông, cổ phiếu Tencent đã tăng giá gấp hơn hai lần trong năm qua, thậm chí có lúc vốn hóa của Tencent còn vượt mức vốn hóa của mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook.
WeChat, ứng dụng nhắn tin của Tencent, hiện đã có gần 1 tỷ người sử dụng. Giới đầu tư cũng đang "phát cuồng" với những bước tiến của công ty này trong các lĩnh vực game di động và video trực tuyến.
Trong khi đó, chứng khoán đại lục khó tăng điểm do truyền thông nhà nước Trung Quốc khuyến cáo các nhà đầu tư nên thận trọng.
Qatar
Trái với sự tăng điểm của 5 thị trường chứng khoán nói trên, thị trường chứng khoán Qatar lại giảm điểm mạnh nhất thế giới năm nay.
Chỉ số chính của thị trường chứng khoán quốc gia vùng Vịnh này đã giảm 19% trong bối cảnh cuộc khủng hoảng quan hệ ngoại giao giữa Qatar với một loạt nước láng giềng dẫn đầu là Saudi Arabia.
Hồi tháng 6, các nước này cắt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar do cáo buộc nước này tài trợ khủng bố - một cáo buộc mà Qatar phủ nhận.
Đến nay, mọi nỗ lực nhằm "phá băng" quan hệ giữa Qatar với láng giềng đều thất bại, trong khi Doha phải áp dụng nhiều chiến lược và sử dụng các tuyến giao thương thay thế để giảm bớt ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt của các nước này.