600 biệt thự Pháp cổ tại Hà Nội sẽ bán cho ai?
600 biệt thự cổ trên địa bàn Hà Nội sẽ được bán cho các hộ dân được phân nhà, hoặc đang thuê nhà, ở lâu năm trong chính biệt thự đó.
- 17-04-2022Cận cảnh một trong 600 căn biệt thự cổ được bán ở Hà Nội: Nửa tỷ một mét vuông, 7 phòng ngủ, mặt tiền đắc địa
- 14-04-2022Hà Nội cấm tự ý phá dỡ biệt thự cổ xây dựng trước 1954
- 06-04-2022Những biệt thự, tòa nhà kiến trúc cổ bị 'xóa sổ' xây cao ốc ở Hà Nội gây xôn xao
Trao đổi với PV Tiền Phong về việc Hà Nội cho phép tiếp tục bán 600 biệt thự cũ thuộc danh mục được bán, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, 600 biệt thự đều do Cty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội quản lý cho thuê nhà ở cũ theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014.
Bên cạnh đó, việc bán biệt thự không mới vì Hà Nội đã thực hiện từ năm 2009 đến nay. Tất cả danh mục biệt thự đều có trong danh sách do HĐND thành phố phê duyệt.
Theo vị này, 600 biệt thự đều là những biệt thự có nhiều hộ gia đình ở, được Cty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội cho thuê từ nhiều năm trước. Đa số các hộ đều đã mua nhà và được cấp sổ đỏ, chỉ còn lại 1- 2 hộ theo kiểu "xôi đỗ" chưa mua. Cơ quan chức năng đang vận động họ mua nốt để thuận tiện cho công tác quản lý.
Ảnh minh họa
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thêm, hiện nay, biệt thự do nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân quản lý nên nhiều trường hợp không có hồ sơ quản lý, không kịp thời cập nhật về tình trạng biến động về phá dỡ, cải tạo… Do nhiều thành phần quản lý, sử dụng nên việc xác định trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp kinh phí để kiểm định chất lượng, thực hiện bảo trì, cải tạo sửa chữa rất khó khăn. Các hộ gia đình vẫn trông chờ vào nhà nước, tiền thuê nhà thu được không đủ kinh phí để sửa chữa, bảo trì biệt thự.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định về "Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các biệt thự công được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025".
Về tạo lập nguồn vốn để thực hiện việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết khu nội đô lịch sử đối với các công trình nhà cổ, biệt thự cũ, các công trình kiến trúc khác, thành phố cho biết sẽ dựa trên các nguồn vốn, gồm:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện bán 600 biệt thự cũ thuộc danh mục được bán, thuộc sở hữu nhà nước, đang bán dở dang, hiện do Cty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội quản lý cho thuê nhà ở cũ theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014; Nghị định số 99/2015 của Chính phủ; Nghị định số 30/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015 của Chính phủ.
Thứ hai, thành phố sẽ rà soát trong danh mục 207 biệt thự cũ thuộc sở hữu nhà nước thuộc danh mục biệt thự không được bán tại Đề án quản lý biệt thự để xác định chủ thể quản lý của các cơ quan, tổ chức T.Ư và thành phố đang quản lý, sử dụng hoặc thuê làm trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh, để xử lý.
Cụ thể, xây dựng phương án bán đấu giá hoặc đấu giá cho thuê 10 - 15 năm theo giá thị trường, trả tiền một lần đối với 34 biệt thự chuyên dùng do Cty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội đang quản lý một phần hoặc toàn bộ biệt thự.
Tiền phong