MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“63 triệu USD xuất khẩu khẩu trang so với doanh thu dệt may 40 tỷ USD/năm thì vẫn còn quá nhỏ”

Đây là nhận định của ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) về giá trị xuất khẩu khẩu trang trong 4 tháng đầu năm và cho rằng, Việt Nam còn tiềm năng hơn thế.

Chia sẻ về những khó khăn của ngành dệt may tại hội thảo trực tuyến “Xuất khẩu dệt may trong bối cảnh COVID-19 - Giải đáp quy định về CE và FDA”, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch VITAS cho biết, chưa bao giờ xuất khẩu tất cả các mặt hàng dệt may đều tăng trưởng âm như hiện nay. Đến hết tháng 4, kim ngạch dệt may của ngành đã giảm gần 30% so với tháng 3.

Ông Cẩm cho biết, dịch COVID-19 đã khiến xuất nhập khẩu toàn bộ các mặt hàng liên quan đến ngành dệt may rơi vào tăng trưởng âm. Xuất khẩu hàng may mặc âm hơn 18%, hàng xơ sợi âm 24%, vải không dệt âm 56,5%, bông giảm 7,98%, vải nhập khẩu giảm 10,99%, nguyên phụ liệu giảm 5,2%.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho dệt may, song vẫn còn nhiều thủ tục, vướng mắc. Hiệp hội VITAS cũng đã có văn bản gửi rất nhiều cơ quan, từ Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội cùng nhiều đơn vị khác đề nghị gỡ khó.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, mặc dù ngành dệt may chịu thiệt hại nặng nề từ dịch COVID-19 song cũng phát sinh cơ hội.

Minh chứng về điều này, ông Hải dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 19/4, tổng lượng khẩu trang mà Việt Nam đã xuất khẩu đạt 415 triệu chiếc, trị giá 63 triệu USD. Các thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Mỹ, Singapore...

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây khó khăn cho nhiều ngành kinh tế, đây được coi là cơ hội hiếm hoi để doanh nghiệp dệt may cầm cự, chờ đợi cơ hội phục hồi.

Đồng tình với quan điểm rằng dịch COVID-19 phát sinh nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch VITAS cũng nhìn nhận, nếu nhìn vào con số 63 triệu USD thu về từ xuất khẩu khẩu trang trong 4 tháng đầu năm với con số doanh thu 40 tỷ USD mỗi năm của ngành dệt may mỗi năm thì giá trị từ việc xuất khẩu khẩu trang trong thời gian qua vẫn còn quá nhỏ.

Phân tích về điều này, ông Cẩm cho rằng, trong những tháng vừa qua, các doanh nghiệp dệt may chủ yếu xuất khẩu khẩu trang vải, tuy nhiên vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo yêu cầu từ Tổng cục Hải quan, tất cả các loại khẩu trang của Việt Nam mang đi xuất khẩu đi đều phải kiểm tra, kiểm định nhiều lần.

"Nhiều doanh nghiệp sản xuất xong mà không xuất khẩu được. Có doanh nghiệp mang hàng tới cảng rồi lại phải mang về vì chưa xong thủ tục, để tại cảng thì tốn chi phí", ông Cẩm nêu dẫn chứng.

Tuy nhiên, lãnh đạo VITAS cũng vui mừng cho biết, gần đây những khó khăn về xuất khẩu khẩu trang đã được tháo gỡ rất nhiều. Đến nay, các loại khẩu trang vải, khẩu trang chắn giọt bắn, khẩu trang y tế đều được xuất khẩu thuận lợi.

"Nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành Nghị quyết trong đó có nội dung cho phép xuất khẩu khẩu trang y tế thì vấn đề này đã được tháo gỡ rất nhiều", ông Cẩm cho hay.

Lãnh đạo VITAS cho rằng, Việt Nam là cường quốc dệt may thì cũng có thể trở thành cường quốc về khẩu trang, đồ bảo hộ. Tuy nhiên, ông Cẩm cũng cho rằng, trong thời gian tới cần kiểm soát chặt chẽ hơn về vấn đề chất lượng .

Bởi trên thực tế, trong thời gian qua, do tình hình dịch bệnh cấp bách nhiều nước không kiểm tra nhiều trong khi thực tế chất lượng khẩu trang hàng trong nước hiện không đồng đều.

"Nếu tình trạng chất lượng như hiện nay còn kéo dài, sẽ dẫn đến tình trạng 'con sâu làm rầu nồi canh' và cả ngành sẽ đối mặt với tình trạng các nước sẽ siết mạnh kiểm soát chất lượng”, ông Cẩm nói.

Ngoài ra, khi tình hình dịch bệnh tại một số quốc gia được kiểm soát, sự cạnh tranh từ các nhà cung cấp đến từ các quốc gia khác cũng là một thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang của Việt Nam.

Vì vậy, ông Cẩm đề nghị các doanh nghiệp cần nắm rõ các tiêu chuẩn chứng nhận dãn nhãn như CE hay CSF do các quốc gia phát triển như: Mỹ hay EU có tiêu chuẩn rất khắt khe với các mặt hàng bảo hộ y tế.

Ngoài ra, lãnh đạo VITAS cũng cho rằng, nếu như dịch bệnh kết thúc, các doanh nghiệp phải liên tục cập nhật để từng bước chuyển đổi. Trong đó cần liên hệ chặt chẽ với khách hàng để xuất khẩu hàng hoá đang tồn đọng, ký đơn hàng mới và đàm phán thúc đẩy các đơn hàng hoãn, dừng sản xuất.

Khi dịch bệnh kết thúc, nhu cầu dệt may trên thế giới sẽ tăng cao bù đắp lại giai đoạn đóng băng sản xuất, do đó các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần nắm bắt cơ hội để tăng tốc bù đắp giai đoạn tăng trưởng âm trong thời gian vừa qua, ông Cẩm cho hay.

Theo Hạ An

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên