MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

7 điều được hé lộ từ báo cáo tài chính của công ty lợi nhuận ‘khủng’ nhất thế giới năm 2018

03-04-2019 - 10:50 AM | Tài chính quốc tế

Tình hình tài chính của Saudi Aramco, công ty dầu Arab Saudi, vừa được hé lộ lần đầu tiên hôm 1/4. Theo đó, công ty có lợi nhuận cao nhất thế giới năm 2018, vượt xa Apple ở vị trị thứ hai.

Số liệu tài chính của Saudi Aramco, vốn được bảo vệ chặt chẽ, đã được công bố lần đầu tiên tới nhà đầu tư trái phiếu hôm 1/4. Năm 2018, Aramco có lợi nhuận 111,1 tỷ USD, dễ dàng vượt qua những doanh nghiệp khác trên thế giới, trở thành công ty có lợi nhuận “khủng” nhất thế giới.

Aramco cũng nộp thuế 102 tỷ USD cho chính phủ Arab Saudi trong năm 2018.

Dưới đây là một số điều lần đầu được hé lộ của Aramco.

1. Ông vua lợi nhuận

Lợi nhuận của Aramco năm 2018 bằng tổng lợi nhuận của Apple, Google và Exxon Mobil trong cùng năm.

7 điều được hé lộ từ báo cáo tài chính của công ty lợi nhuận ‘khủng’ nhất thế giới năm 2018 - Ảnh 1.

Lợi nhuận ròng các công ty trong năm 2018.

2. Aramco vẫn thua các công ty khác về lợi nhuận/thùng

Aramco sản xuất khoảng 10% lượng dầu thô thế giới và chỉ tốn chưa đến 3 USD để bơm mỗi thùng dầu. Tuy nhiên, công ty lại không tạo ra nhiều lợi nhuận trên mỗi thùng như các công ty dầu mỏ hàng đầu khác. Nguyên nhân là thuế cao. Arab Saudi phụ thuộc vào Aramco để tài trợ cho xã hội và quân sự cũng như đời sống của hàng trăm hoàng tử.

7 điều được hé lộ từ báo cáo tài chính của công ty lợi nhuận ‘khủng’ nhất thế giới năm 2018 - Ảnh 2.

Dòng tiền hoạt động của một số công ty trong ngành năng lượng.

Dòng tiền hoạt động – chỉ số được các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ - của Aramco năm ngoái là 26 USD/thùng. Chỉ số trên của Royal Dutch Shell, Hà Lan và, Total S.A, Pháp, lần lượt là 38 USD/thùng và 31 USD/thùng.

3. Aramco khó định giá 2.000 tỷ USD

Arab Saudi từ lâu đã nhấn mạnh Aramco sẽ được định giá 2.000 tỷ USD nhưng một số nhà đầu tư nêu rõ họ không có cùng quan điểm ngay từ khi công ty mới chỉ ở giai đoạn đầu của chuẩn bị IPO. Khoản tiền 58,2 tỷ USD cổ tức chi cho chính phủ Arab Saudi năm ngoái cho thấy định giá Aramco chỉ gần 1.200 tỷ nếu xét dựa trên các công ty có cùng quy mô.

4. Aramco dễ dàng thực hiện một thương vụ mua lại 69 tỷ USD

Aramco đang bán trái phiếu để hỗ trợ việc mua lại 70% cổ phần nhà sản xuất hóa chất Saudi Basic Industries Corp (Sabic) từ quỹ đầu tư quốc gia Arab Saudi.

Aramco sẽ sử dụng hầu hết tiền mặt của công ty cho thương vụ, trả lần đầu nửa giá trị sau đó trả dần cho tới năm 2021. Kế hoạch này khiến Aramco mất 500 triệu USD tiền lãi.

Tham vọng trở thành công ty năng lượng hàng đầu thế giới, không chỉ về sản xuất dầu, của Aramco đòi hỏi các thương vụ mua lại lớn hơn. Thỏa thuận với Sabic là bước đầu tiên, theo Stewart Williams, công ty tham vấn Wood Mackenzie, nói.

“Với số liệu tài chính đã công bố, nhà đầu tư sẽ tò mò cái tên tiếp theo trong danh sách ‘mua sắm’ của Aramco là gì”.

5. Nhà đầu tư thèm muốn trái phiếu Aramco

“Việc Aramco phát hành trái phiếu đã được kỳ vọng từ lâu với lực cầu mạnh mẽ”, Richard Segal, nhà phân tích cấp cao về thị trường mới nổi tại Manulife Asset Management, nói.

Lãi suất tại khu vực Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đang ở gần đáy 1 năm, giúp Aramco giảm phần nào chi phí đi vay. Giá dầu Brent cũng đã tăng 28% kể từ đầu năm.

7 điều được hé lộ từ báo cáo tài chính của công ty lợi nhuận ‘khủng’ nhất thế giới năm 2018 - Ảnh 3.

Lãi suất khu vực hợp tác vùng Vịnh đang ở gần đáy 1 năm.

6. Aramco có ít nợ, tín nhiệm không quá xuất sắc

Aramco được Moody’s và Fitch Ratings xếp hạng tín nhiệm ở bậc cao thứ 5 trong thang xếp hạng của hai công ty. Họ đều cho rằng Aramco có thể xếp hạng cao hơn nhưng bị hạn chế bởi xếp hạng của Arab Saudi.

Aramco vượt xa các công ty tương tự như Shell, Total và Exxon Mobil trong xếp hạng tín nhiệm. Thương vụ mua lại Sabic sẽ không ảnh hưởng đến xếp hạng của Aramco do công ty có mức nợ thấp.

7 điều được hé lộ từ báo cáo tài chính của công ty lợi nhuận ‘khủng’ nhất thế giới năm 2018 - Ảnh 4.

Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu và sản lượng dầu khí của một số công ty trong năm 2018.

7. Aramco đối mặt nhiều rủi ro

Bản cáo bạch cũng tiết lộ chi tiết các rủi ro cho nhà đầu tư, gồm nguy cơ tên lửa rơi xuống cơ sở của Aramco, đạo luật chống độc quyền của Mỹ nhằm vào OPEC, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu…. Aramco còn là “nạn nhân” của các vụ tấn công mạng “thành công”. Năm 2016, khi giá dầu Brent giảm còn 45 USD/thùng và OPEC giảm sản lượng, Aramco đã phải vật lộn để hòa vốn.

Theo Bloomberg

Theo Như Tâm

Người đồng hành

Trở lên trên