8 địa phương đề xuất xây sân bay: Nguồn lực từ đâu khi cân đối ngân sách hạn hẹp?
Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến về dự thảo báo cáo cuối kỳ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030.
- 16-03-2021Từng là điểm yếu lớn nhất, lĩnh vực này sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng bền vững trong dài hạn
- 16-03-2021'Nhà nước đầu tư đường cao tốc không nhằm mục đích thu lợi nhuận'
- 15-03-2021Chỉ hơn 32% người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH
Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến về dự thảo báo cáo cuối kỳ “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Trong quá trình dự thảo, Bộ Giao thông đã nhận được đề xuất xây sân bay của 8 địa phương gồm Ninh Bình, Cao Bằng, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Bình Phước, Bắc Giang và Hà Giang. Hiện những sân bay này đều không nằm trong quy hoạch Cục Hàng không xây dựng.
Ông Đào Ngọc Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế, kiểm định và địa kỹ thuật – đơn vị thực hiện quy hoạch cho biết: “Ngoài việc tính toán đến yếu tố kinh tế - xã hội còn cân nhắc ở việc cân đối cả 5 lĩnh vực giao thông. Sau khi xem xét, đánh giá theo 6 tiêu chí chính, chúng tôi thấy rằng việc Việt Nam có 26 cảng hàng không vào 2030 là đề xuất quy hoạch phù hợp”.
6 tiêu chí chính để đánh giá về sự cần thiết và mức độ khả thi của việc xây dựng sân bay mới, gồm nhu cầu sản lượng, kinh tế - xã hội (tăng GDP, việc làm, thúc đẩy du lịch), an ninh quốc phòng (chiến lược, dự phòng chiến lược), khẩn nguy cứu trợ, điều kiện tự nhiên (vùng trời, tĩnh không, thời tiết, đất đai) và cự ly bố trí (cự ly tới đô thị trung tâm, cự ly tới sân bay lân cận).
Ngoài ra, Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cũng cho biết khi xem xét đề xuất quy hoạch cảnh hàng không của các tỉnh, bộ phải xem xét vai trò của sân bay đó với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương và vùng đó như thế nào? Đồng thời còn xét đến cả vai trò của cảng hàng không khi được xây dựng sẽ đóng góp cho việc đảm bảo an ninh quốc phòng, công tác khẩn nguy trong những điều kiện đặc biệt như thế nào?
Bên cạnh những tiêu chí mà đơn vị tư vấn đề xuất Bộ Giao thông cũng ưu tiên xem xét phát triển cảng hàng không ở những địa phương có hạ tầng đường thủy, đường bộ chưa thuận tiện, chưa tạo đà phát triển cho địa phương và vùng.
Việc xây dựng sân bay đòi hỏi suất đầu tư lớn và nguồn lực phát triển hệ thống cảng hàng không trên toàn quốc hiện vẫn phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách. Câu hỏi được nhiều chuyên gia đưa ra là nguồn lực đầu tư cho những cảng hàng không mới sẽ từ đâu và việc này nên trở thành tiêu chí trước khi xem xét đưa vào quy hoạch trong thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng: “Trước khi đề xuất xây dựng sân bay, địa phương cần làm rõ nguồn kinh phí thực hiện từ đâu? Cách huy động như thế nào? Quan điểm của tôi là nhà nước và nhân dân cùng làm nghĩa là trung ương và địa phương cùng phải đóng góp”.
Cùng quan điểm, TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng địa phương phải trả lời được câu hỏi nguồn lực để đầu tư xây dựng sân bay từ đâu trong bối cảnh nguồn lực cân đối quốc gia vẫn còn hạn hẹp, địa phương cần phải tính toán không thể đầu tư theo phong trào.
Thực tế cho thấy không phải cứ có cảng hàng không là kinh tế địa phương có thể cất cánh. Gánh nặng nợ công của mỗi địa phương ngày càng chồng chất là một thực tế, vì vậy giấc mơ bay còn phải gắn liền với thực tế khách quan này.
Ngoài ra, TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XIV nêu quan điểm: “những sân bay tạo tác động lan tỏa lớn đối với sự phát triển cả vùng và khu vực lớn thì trong trường hợp này ngân sách nhà nước có sự đầu tư còn lại phần lớn chúng ta nên huy động tối đa sự tham gia của đầu tư tư nhân”.
Hiện Việt Nam có 22 cảng hàng không, trong đó, 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa được phân chia theo khu vực. Theo quy hoạch phát triển sân bay tới năm 2020, định hướng đến 2030 được Thủ tướng phê duyệt năm 2018, Việt Nam có 23 sân bay vào 2020 và con số này sẽ là 28 vào 2030. Ngoài các sân bay hiện có, Việt Nam sẽ đầu tư thêm các sân bay, gồm Long Thành (Đồng Nai), Nà Sản (Sơn La), Lai Châu, Sapa (Lào Cai), Quảng Trị, Phan Thiết.
Với dự thảo quy hoạch mới đến 2030, định hướng 2050, Cục Hàng không đề xuất chỉ phát triển 26 sân bay (giảm 2 sân bay so với quy hoạch hiện hành) vào 2030. Theo đó, giai đoạn này chỉ xây dựng 4 trong 6 sân bay đã được quy hoạch trước đó, tạm thời lùi thực hiện sân bay Nà Sản và Lai Châu cho giai đoạn sau 2030.
Định hướng đến 2050, Việt Nam sẽ có 30 sân bay. Khi đó mới triển khai tới sân bay Nà Sản, Lai Châu, bổ sung thêm sân bay Cao Bằng và sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô.
Trong vòng 10 năm gần đây, thị trường vận tải hàng không có sự phát triển mạnh luôn duy trì mức 2 con số với mức tăng trưởng trung bình đạt 16,5%. Theo đó, Việt Nam được đánh giá là một trong thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á.
Tuy nhiên, trong 21 cảng hàng không đang do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý, khai thác, chỉ có 7 cảng hoạt động có lãi, còn lại 14 cảng hoạt động chưa có lãi. Do mỗi cảng có vai trò khác nhau trong việc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, nên Nhà nước đã giao ACV quản lý, khai thác, đầu tư phát triển hệ thống 21 cảng để ACV cân đối lợi nhuận từ cảng hoạt động có lãi, bù đắp cho cảng hoạt động chưa có lãi và vẫn phải đảm bảo hoạt động cả hệ thống 21 cảng có hiệu quả (bảo toàn và phát triển vốn).
Người đồng hành