8 năm sau cái bắt tay cùng Kềm Nghĩa đưa bò Kobe về Việt Nam, dự án đầy tâm huyết của ông Đặng Văn Thành giờ ra sao?
Những lứa bò Kobe đầu tiên đã được bán ra thị trường từ đầu năm 2017, nhưng số lượng hạn chế vì đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, 2 tuần mới được một con xuất chuồng.
Đó là chia sẻ của ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công TTC trong một sự kiện gần đây, về dự án bò Kobe, loại thịt bò đắt bậc nhất thế giới.
“Về dự án bò Kobe, bản thân TTC tham gia 25%, Công ty CP Kềm Nghĩa 25%, còn lại là phía đối tác của Nhật Bản. Phía Nhật hỗ trợ về mặt kỹ thuật, chúng tôi hỗ trợ về mặt tiêu thụ, điều hành”, ông Thành nói.
Chủ tịch TTC cho biết thêm rằng sản phẩm thịt bò Kobe đã bán ra thị trường đầu năm nay nhưng số lượng còn rất ít vì phải nuôi gia công và chăm sóc kỹ lưỡng. Lượng thịt chủ yếu tiêu thụ ở Lâm Đồng và một số nơi đặt hàng. Cụ thể, khoảng 2 tuần, mới được một con cho ra thành phẩm.
“Việt Nam là nước thứ 7 sở hữu bò Kobe và việc đưa được bò Kobe về Việt Nam đã là thắng lợi của TTC và Kềm Nghĩa”, vị doanh nhân tự hào chia sẻ.
Cơ duyên đưa ông Thành đến với bò Kobe, loại bò cho thịt ngon nhất thế giới
Năm 2009, khi còn là Chủ tịch Sacombank, trong một chuyến đi Nhật, ông Thành ấn tượng bởi chất lượng cũng như quá trình nuôi của giống bò Kobe ngon nhất thế giới, ông Thành cùng ông Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Kềm Nghĩa, đã nảy ra ý định mời đối tác Nhật tham gia mở trang trại tại Việt Nam.
Nhận thấy sự chân thành của đối tác Việt, đối tác Nhật đã đồng ý tham gia thành lập Công ty cổ phần bò Kobe Việt Nam vào năm 2009, với tỉ lệ vốn 50% Nhật và 50% Việt Nam.
Trang trại bò Kobe đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng tại xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng), cách trung tâm thành phố Bảo Lộc trên 20 km.
Gần 100 con bò Kobe thế hệ F1 (50% máu Kobe) đã được nuôi dưỡng và cho ra sản phẩm “made in Việt Nam” đầu tiên.
Trong một lần chia sẻ trước đây, ông Đặng Văn Thành đã từng nói về cơ duyên đến với việc nuôi loại bò cho thịt ngon nhất thế giới này: “Nuôi và phát triển được giống bò quý hiếm Kobe của Nhật Bản ngay tại Việt Nam (nước thứ 7 trên thế giới nuôi được giống bò này) chính là niềm mơ ước từ lâu của tôi và người bạn thân thiết là anh Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch Công ty Kềm Nghĩa (hiện là Chủ tịch KVB). Mong ước đó của chúng tôi đã nhận được sự chia sẻ và đồng cảm của 2 người bạn Nhật Bản. Thực sự, ước mơ về việc nuôi giống bò gen quý của Nhật Bản đã được ấp ủ từ năm 2002, nhưng phải đến gần cuối năm 2009, KVB mới chính thức ra đời để thực hiện Dự án sản xuất bò Kobe tại Việt Nam”.
Kỹ thuật nuôi loại bò “nghe nhạc, mát-xa” rất tỉ mỉ
Quy trình kỹ thuật nuôi bò Kobe vô cùng nghiêm ngặt. Ông chủ trại bò Kobe Việt Nam đã thuyết phục thành công một đối tác Nhật Bản đã có ba đời nuôi bò Kobe tham gia.
Mỗi năm, chuyên gia này sang Việt Nam khoảng bốn lần để kiểm tra quy trình chăn nuôi, đánh giá tốc độ phát triển đàn bò, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đàn bò cho các kỹ sư và công nhân Việt Nam…
Kỹ thuật, quy trình phía Nhật Bản lo. Còn về thực phẩm, đầu ra thì phía Việt Nam lo. Thức ăn là những thực phẩm thô (cỏ, ngô, gạo tấm, khoai lang, ngô ủ chua, bã đậu nành, khô dầu đậu phộng…) để tạo ra những thớ thịt săn chắc chứ không phải thức ăn công nghiệp.
Mỗi loại thức ăn của bò Kobe đều được phân tích các chỉ tiêu về canxi, phốt pho, vitamin, độ khô, độ đạm, độ béo, chất xơ…
Sau khi có những số liệu phân tích này, chuyên gia Nhật Bản sẽ lựa chọn, tổng hợp để lên các khẩu phần dinh dưỡng riêng, phù hợp với từng độ tuổi, giới tính của bò.
Giá thịt bò Kobe khoảng 5 triệu (theo con số năm 2015) . Trung bình trọng lượng thịt thương phẩm 1 con bò chỉ vào khoảng 300 - 400kg.
Ông Đặng Văn Thành sau khi rời Sacombank đã trở lại và “lợi hại hơn xưa”. Ông tập trung vào phát triển Thành Thành Công với các ngành như mía đường, du lịch, bất động sản, giáo dục và năng lượng.
Trí thức trẻ