8 thuật ngữ tài chính giúp bạn hiểu hơn về khủng hoảng Covid-19
Bloomberg đưa ra giải thích ngắn gọn về 8 cụm từ về tài chính thường xuyên xuất hiện trên mặt báo trong những ngày này.
- 23-04-202010 công ty nổi tiếng thế giới ra đời trong suy thoái kinh tế ở Mỹ
- 19-04-2020Cuộc suy thoái do Covid-19 ở các nước phát triển sẽ sâu sắc và nghiêm trọng đến mức nào?
- 19-04-2020Giám đốc điều hành IMF: Dự báo của chúng tôi về suy thoái Covid-19 hiện nay có thể vẫn quá lạc quan
Những ngày này, đại dịch Covid-19 và những tác động đến kinh tế là chủ đề được bàn tán sôi nổi nhất. Trong các bản tin, bạn sẽ nghe nhiều đến các cụm từ như khủng hoảng, giải cứu, thị trường gấu… với tần suất dày đặc hơn bao giờ hết. Bloomberg đưa ra giải thích ngắn gọn về 8 cụm từ về tài chính thường xuyên xuất hiện.
Giải cứu (bailout): là hoàn cảnh mà chính phủ ra tay giúp đỡ 1 doanh nghiệp hoặc 1 ngành tránh khỏi cảnh suy thoái bằng cách hỗ trợ về mặt tài chính. Có thể sử dụng một số từ khác để miêu tả trường hợp này như "hỗ trợ khẩn cấp", "hỗ trợ thanh khoản". Chính phủ cũng có thể giải cứu bằng các "khoản tài trợ bắc cầu" (bridge financing) - phương án cấp vốn tạm thời mà các công ty sử dụng nhằm xoay sở trong ngắn hạn trước khi tiếp cận được nguồn vốn dài hạn.
Cú tăng giá thị trường con gấu (bear market rally): Thị trường con gấu được xác định khi giá cổ phiếu giảm 20% so với đỉnh. Năm nay chỉ mất 1 tháng, từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3, để điều đó diễn ra. Nhưng kể từ đó đến nay Dow Jones và S&P 500 đã tăng hơn 20% so với đáy. Về mặt kỹ thuật, khi thị trường con gấu kết thúc thì 1 giai đoạn thị trường con bò mới sẽ bắt đầu. Nhưng nhà đầu tư vẫn bi quan về thị trường, do đó đà tăng điểm lần này được gọi là "cú tăng giá của thị trường gấu", hay "cú nảy của con mèo chết".
Điều kiện bất khả kháng (Force majeure): Là một điều khoản khá phổ biến trong các hợp đồng, về cơ bản sẽ giải phóng các bên liên quan khỏi các trách nhiệm pháp lý hay bổn phận khi các sự kiện, tình huống bất ngờ diễn ra nằm ngoài tầm kiểm soát như chiến tranh, đình công, thiên tai hay dịch bênh. Với rất nhiều chuyến hàng bị kẹt tại cảng, những nhà máy chưa thể giao hàng vì nhân viên bị cách ly ở quê hay rất nhiều ảnh hưởng khác. Theo nhiều chuyên gia, dịch bệnh Corona hiện nay đã đạt tiêu chuẩn để coi là Force Majeure nhưng bất kỳ công ty nào có điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng cũng phải chứng minh được mình không thể hoàn tất nghĩa vụ đã ký vì Corona.
Forbearance: Nếu không thể kích hoạt điều khoản bất khả kháng, bạn có thể yêu cầu forbearance, tức là khi người cho vay đồng ý giãn nợ cho 1 khoản nợ đã quá hạn. Không phải vì người cho vay tốt bụng, mà là bởi trong 1 cuộc khủng hoảng như Covid-19 thì khó có thể buộc hàng nghìn người đi vay cùng phá sản một lúc và tịch biên những tài sản đảm bảo như nhà cửa xe cộ. Thậm chí Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang hối thúc các ngân hàng "linh hoạt đối với các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ có thu nhập thấp và trung bình bị ảnh hưởng bởi Covid-19, khuyến khích sử dụng những nghiệp vụ ngân hàng một cách an toàn và mềm mỏng, hợp lý".
Margin call: Đây chính là một trong hai cụm từ đáng sợ nhất trong thế giới tài chính. Nếu bạn mượn tiền từ môi giới để mua cổ phiếu hoặc tài sản khác, và sau đó giá cổ phiếu giảm, môi giới sẽ yêu cầu bạn phải đổ thêm tiền nếu không muốn bán số cổ phiếu đó. Duy trì mức ký quỹ "margin" giúp bảo vệ môi giới khỏi việc mất số tiền cho vay. Vấn đề là thị trường lao dốc chính là thời điểm tệ nhất để huy động tiền hoặc bán cổ phiếu.
Suy thoái: Bạn thường nghe các chuyên gia kinh tế nói rằng suy thoái là khi GDP sụt giảm trong 2 quý liên tiếp. Nhưng Mỹ không định nghĩa như vậy. Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia Hoa Kỳ định nghĩa suy thoái là tình trạng "hoạt động kinh tế sụt giảm mạnh trên diện rộng, kéo dài vài tháng, thể hiện rõ trên các chỉ số GDP thực, thu nhập thực, tỷ lệ việc làm, sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ".
Repo: Là viết tắt của "thỏa thuận mua lại" (repurchase agreement). Nếu bạn cần tiền ngay lập tức (qua đêm), bạn sẽ bán trái phiếu kho bạc Mỹ cho bên môi giới (1 ngân hàng, hay Fed) với thỏa thuận sẽ mua lại chúng ngay trong ngày tiếp theo với mức giá cao hơn một chút - chênh lệch giá tương đương với lãi suất. Nếu bạn không có tiền để thực hiện cam kết, người mua sẽ giữ số trái phiếu của bạn. Đây là cách để các định chế tài chính vay mượn tiền.
Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm điều chỉnh theo mùa vụ: Khi các báo giật tít Deutsche Bank dự báo GDP sẽ sụt giảm 13% trong quý II, thực chất không phải là GDP quý II thấp hơn 34% so với quý I. Đó là tỷ lệ tăng trưởng hàng năm đã được điều chỉnh theo mùa, tức là nếu nền kinh tế tiếp tục sụt giảm ở tốc độ như hiện tại trong 3 quý nữa, GDP cả năm sẽ giảm 34%. Deutsche Bank không nghĩ như vậy, thậm chí còn dự báo 6 tháng cuối năm GDP sẽ hồi phục. Nếu tính toán cụ thể thì GDP quý II chỉ giảm 3,4% so với quý I để tạo ra mức tăng trưởng hàng năm -13%.