80,4% giày dép xuất khẩu được sản xuất bởi doanh nghiệp FDI
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, doanh nghiệp FDI vẫn là lực lượng chủ yếu sản xuất giày dép xuất khẩu. Tỷ trọng này được giữ ổn định qua nhiều năm.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn đóng vai trò lớn trong xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam. Trong số 14,65 tỷ USD tổng trị giá xuất khẩu nhóm mặt hàng này trong năm 2017 thì xuất khẩu của các doanh nnghiệp FDI đã là 11,78 tỷ USD, chiếm 80,4% xuất khẩu giày dép của tất cả các thành phần kinh tế.
Đáng chú ý, tỷ trọng này tương đối ổn định qua nhiều năm. Cụ thể: năm 2016 là 80,6%, năm 2015 là 79,5%, năm 2014 là 76,6% và năm 2013 là 76,5%.
Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp sản xuất giày, dép ở Việt Nam. Xuất khẩu của nhóm hàng này sang Hoa Kỳ luôn chiếm hơn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng giày dép của cả nước (5.113,1 triệu USD). Giày, dép cũng đóng góp tới 11% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ.
Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai nhập khẩu giày dép của Việt Nam với kim ngạch 1.140,6 triệu USD, tăng 26% so với 2016. Đứng thứ ba là thị trường Bỉ với kim ngạch 907,5 triệu USD, tăng trưởng 10% so với 2016. Tiếp theo là thị trường Đức với kim ngạch 992,6 triệu USD, tăng 30% và thị trường Nhật Bản với kim ngạch 751 triệu USD, tăng 11,3% so với năm 2016.
Trong 2 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng giày, dép của cả nước là 2.253,5 triệu USD. Hơn 800 triệu USD giá trị giày, dép trong số đó được xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Theo Tổng cục Hải Quan, có 863 doanh nghiệp xuất khẩu giày, dép ra trong năm 2017, tăng 15% so với số lượng doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này trong một năm trước đó. Hiện nay, mặt hàng giày dép của Việt Nam đã được tiêu thụ tại hơn 100 thị trường trên thế giới.