MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

9 dòng kiểm điểm trách nhiệm trong báo cáo riêng về Formosa

28-07-2016 - 14:17 PM | Xã hội

Hoàn thành ngày 26/7/2016, báo cáo tình hình, nguyên nhân, hậu quả và giải pháp khắc phục sự cố môi trường gây hải sản chết bất thường tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Nghiêm trọng nhưng báo chậm

Theo Chính phủ, đây là sự cố môi trường biển nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra trên diện rộng ở nước ta. Các cơ quan và địa phương liên quan chưa nhận thức được tính chất phức tạp của vụ việc nên đã thông tin, báo cáo chưa kịp thời.

Nhưng, ngay sau khi có thông tin, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, với tinh thần khẩn trương, sâu sát, thận trọng, khách quan, chủ trì nhiều cuộc họp và phân công các phó thủ tướng theo dõi, chỉ đạo cụ thể các nhiệm vụ có liên quan.

Về nguyên nhân, báo cáo cho biết kết luận nghiên cứu đã khẳng định độc tố hoá học (phenol, xyanua...) là nguyên nhân gây hải sản chết hàng loạt. Các nguồn thải lớn chỉ tập trung ở khu kinh tế Vũng Áng - Hà Tĩnh. Mà theo báo cáo này, thì chỉ có nguồn thải của Formosa mới có các độc tố nói trên.

Báo cáo cũng thuật lại quá trình đấu tranh, làm việc trực tiếp, buộc Formosa thừa nhận trách nhiệm gây ra sự cố.

Yêu cầu cao nhất của nhiệm vụ này, theo Chính phủ là phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân Việt Nam, đồng thời thể hiện tinh thần thiện chí, đạo lý của dân tộc là "đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại".

Yêu cầu còn là đảm bảo lợi ích của các bên, đồng thời bảo đảm tuân thủ thoả thuận xúc tiến và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Đài Loan, ngày 21/4/1993.

Tóm lại, theo báo cáo, với tinh thần cương quyết, khôn khéo, chúng ta đã buộc phía Formosa phải thừa nhận 53 sai phạm hành chính.

Đầu tháng 8 sẽ công bố thiệt hại về môi trường

Về thiệt hại trước mắt, Chính phủ đánh giá hệ sinh thái biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng, san hô chết nhiều, có trên 100 tấn hải sản tự nhiên (chủ yếu là hải sản sống ở tầng đáy) bị chết trôi dạt vào bờ, hải sản bị chết chìm xuống đáy biển còn khá lớn.

17.682 tàu thuyền khai thác hải sản với 40.966 người trực tiếp, 176.285 người phụ thuộc bị ảnh hưởng do sự cố môi trường gây ra. Sản lượng hải sản khai thác ven bờ và vùng lộng bị thiệt hại ước tính khoảng 1.600 tấn/tháng.

Diện tích nuôi tôm bị chết hoàn toàn là 5,7 ha tương đương 9 triệu tôm giống và khoảng 7 tấn tôm thương phẩm sắp đến kỳ thu hoạch, có 1.613 lồng nuôi cá bị chết (khoảng 30.000 m3), tương đương 140 tấn cá; có 6,7 ha diện tích nuôi ngao bị chết, tương đương 67 tấn; có trên 10 ha nuôi cua bị chết do sự cố môi trường;

Sự cố môi trường cũng tác động xấu đến hoạt động du lịch trong khu vực 4 tỉnh bị ảnh hưởng. Tỷ lệ khách huỷ tour khoảng 50%, công suất sử dụng phòng giảm từ 40 đến 50% só với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt tại Hà Tĩnh, công suất sử dụng phòng sau thời điểm sự cố xảy ra chỉ từ 10 đến 20%.

Thiệt hại về môi trường sẽ được công bố vào đầu tháng 8/2016. Nhưng sơ bộ có những nhóm sinh vật số loài và sinh lượng giảm tới 50% và 20- 50% tương ứng. Nguồn lợi sinh vật không chỉ giảm về trữ lượng mà còn có thể bị thay đổi cấu trúc nguồn lợi.

Chính phủ cũng nhìn nhận, sự cố đã gây tâm lý bức xúc, bất an trong nhân dân, gây ra tác động tiêu cực xã hội.

Cụ thể, giảm lòng tin của các tầng lớp nhân dân, khiến người dân nghi vấn về sự đúng đắn, đầy đủ của quá trình thẩm định, phê duyệt các thủ tục đầu tư, xây dựng, môi trường trước khi xây dựng nhà máy, quá trình giám sát của các cơ quan chức năng về quá trình các nhà máy vận hành ở Hà Tĩnh và các địa phương khác.

9 dòng kiểm điểm trách nhiệm

Báo cáo dài 23 trang, trong đó phần kiểm điểm trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường có 9 dòng.

Nguyên văn 9 dòng: Để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và uỷ ban nhân dân Hà Tĩnh tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan làm rõ trách nhiệm đối với những thiếu sót cuả các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, đã giao Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý nếu phát hiện có thiếu sót, dẫn đến vi phạm.

Đánh giá chung và bài học kinh nghiệm, báo cáo nêu, qua sự cố môi trường này, Chính phủ nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn về những thách thức và vấn đề môi trường đặt ra trong chính sách phát triển hiện nay. Và xin nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế xã hội.

Theo Nguyên Vũ

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên