9 quy tắc giúp bạn không trở thành nô lệ của đồng tiền: Điều số 1 chính là đừng để tiền nhàn rỗi!
Bạn có thể kiếm được rất nhiều tiền, nhưng bạn có thực sự hạnh phúc? Cuộc sống có ý nghĩa là khi bạn tận hưởng những gì mình đang làm và không ép buộc bản thân phải làm việc quá sức. Hãy tự tạo ra những quy tắc về tiền bạc của riêng mình để ngừng làm nô lệ cho đồng tiền và bắt đầu một cuộc sống theo cách bạn muốn.
- 16-06-2020Sau tuổi 50, cuộc sống thay đổi bất ngờ khi tôi nhận ra điều này: Nếp nhăn đi cùng trí tuệ, hãy học cách tận hưởng món quà vô giá mà tuổi tác dành cho bạn
- 14-06-2020Hãy tiếp tục nỗ lực tiết kiệm tiền, bạn sẽ cảm ơn chính mình sau 5 năm
- 13-06-2020Gây quỹ hơn 50 tỷ đồng, xây gần 800 nhà chống lũ và bắt đầu những dự án xanh, Jang Kều chia sẻ: "Tiền chưa bao giờ là điều khó khăn nhất"
Tiền có thể giúp bạn tự do và cho bạn quyền được lựa chọn nếu bạn biết cách sử dụng tiền có ý nghĩa. Nhưng nếu bạn không hiểu, tiền cũng có thể biến bạn thành nô lệ của nó. Đưa ra các quyết định về tiền sẽ là khó khăn đối với những người không có những quy tắc tài chính của riêng mình.
Dưới đây là các quy tắc về tiền bạc mà nhà tư vấn về tài chính và phát triển cá nhân Tim Denning khuyên nên sử dụng để đưa ra những quyết định về tiền sáng suốt hơn. Bạn có thể sử dụng các quy tắc này để xây dựng nên nguyên tắc quản lý tiền bạc của riêng mình, từ đó giúp bạn đưa ra các quyết định thông minh hơn, làm việc ít hơn và tận hưởng cuộc sống nhiều hơn.
Đừng để tiền nhàn rỗi
Lạm phát và tiền giấy thường làm giảm giá trị số tiền bạn có, do vậy đừng nên tiết kiệm tiền của bạn theo cách giữ tiền mặt, thay vào đó, hãy dùng mỗi đồng tiền có mục đích. Tiền nhàn rỗi sẽ ảnh hưởng xấu tới tình hình tài chính của bạn, vậy nên hãy bỏ tiền vào những danh mục có thể làm tăng giá trị tiền bạn có. Làm thế nào để tiền làm việc cho bạn? Lời khuyên là hãy đầu tư số tiền bạn đang có.
Thanh toán nợ cho bản thân trước tiên
Quy tắc tiền bạc thứ hai của tôi là mọi khoản tiền gửi vào tài khoản ngân hàng của tôi phải "thanh toán nợ" cho bản thân tôi trước khi nó được chi tiêu ở nơi khác. Chúng ta thường bị cám dỗ chi tiêu khi nhận được lương. Điều này sẽ khiến bạn mua nhiều hơn những gì bạn cần, dẫn đến việc bạn phải làm việc chăm chỉ hơn và lâu hơn để đạt được mục tiêu tài chính đã đặt ra.
Hãy đặt ra nguyên tắc cho mình rằng bạn sẽ trả tiền cho bản thân trước khi tiêu dùng cho các khoản khác. Hãy tự coi bạn là chủ nợ của chính mình và dùng số tiền đó để tích lũy đầu tư.
Tránh những cám dỗ muốn phô trương tiền bạc của bản thân
Mỗi đồng tiền bạn dùng để phô trương sự giàu có của bản thân là thêm một ngày bạn phải làm công việc có thể bạn không thích.
Không phải tất cả chúng ta đều yêu thích công việc mình đang làm. Có một số công việc bạn làm là để kiếm sống và cũng có những công việc bạn làm với sự yêu thích. Thế nhưng dù là công việc yêu thích, thì cũng sẽ có những nhiệm vụ mà bạn không thích làm. Giống như tôi, phần lớn những công việc tôi đang làm đều là những gì tôi yêu thích, nhưng có một số nhiệm vụ như quản trị và theo dõi email khiến tôi mệt mỏi.
Tôi đã từ bỏ giấc mơ sở hữu chiếc xe BMW từ nhiều năm trước. Tôi đã từng đam mê những thứ vật chất xa xỉ để phô trương tiền bạc bởi những ám ảnh từ mạng xã hội. Sau đó, tôi đã nhận ra rằng đó là một trò chơi mà tôi không bao giờ có thể giành chiến thắng. Sẽ luôn có những chiếc xe đẹp hơn, ngôi nhà xa xỉ hơn khiến chúng ta bị ám ảnh. Vì vậy, thay vì cố gắng phô trương tiền vào những thứ phù phiếm, hãy dùng tiền vào những việc có ý nghĩa.
Có kế hoạch dự phòng trước những biến động
Chúng ta đều không biết tương lai sẽ như thế nào, vì vậy hãy luôn có kế hoạch dự phòng cho bất cứ biến động nào có thể xảy ra. Dịch bệnh, kinh tế suy thoái, thất nghiệp có thể ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình tài chính của bạn. Khi những thời điểm không chắc chắn này xảy ra, có một kế hoạch dự phòng sẽ là chiếc phao cứu sống bạn.
Sử dụng tiền để giải quyết vấn đề
Có rất nhiều triệu phú và người giàu trên thế giới, nhưng nhiều người trong số họ chỉ tạo ra vấn đề khi có tiền chứ không giải quyết chúng.
Bạn sẽ không còn trở thành nô lệ của đồng tiền khi bạn sử dụng nó để giải quyết vấn đề. Tiền của bạn sẽ đi một chặng đường dài khi nó được sử dụng có mục đích và có ý nghĩa. Dùng tiền để giải quyết các vấn đề sẽ mang lại cho bạn sự thỏa mãn và bạn sẽ thu lại được những thứ quý giá khác có giá trị thậm chí nhiều hơn số tiền đã bỏ ra.
Thiết lập “khẩu vị” rủi ro của bản thân
Nếu không quyết định trước những rủi ro mà bạn có thể sẵn sàng chấp nhận với số tiền của mình, thì bạn rất dễ mất tiền. Cũng có một số người mất tiền do họ chấp nhận rủi ro quá nhiều. Họ đặt cược quá nhiều tiền, giống như đánh bạc hơn là đầu tư bởi họ không hiểu được rủi ro của những gì họ đầu tư vào. Thiết lập “khẩu vị” rủi ro trước khi đầu tư vào danh mục nào đó sẽ giúp tiền làm việc cho bạn.
Bạn muốn có bao nhiêu tiền mặt? Bạn muốn đầu tư bao nhiêu vào cổ phiếu hay bất động sản dễ bị ảnh hưởng trong thời kỳ suy thoái? Bạn muốn bỏ bao nhiêu tiền vào các tài sản ít rủi ro hơn nhưng lợi nhuận cũng thấp hơn như trái phiếu? Bạn muốn dành bao nhiêu tiền vào các tài sản an toàn như vàng?
Hãy suy nghĩ về các rủi ro và thiết lập khẩu vị của mình trước để không bị thụ động bởi những thay đổi có thể xảy ra.
Nắm vững 8 nguyên tắc cơ bản của thế giới đầu tư
Hãy nghiên cứu danh sách những nơi bạn có thể gửi tiền và phân chia tỷ lệ bỏ tiền hợp lý, như vậy, mỗi đồng tiền sẽ làm việc cho bạn.
Chứng khoán phái sinh; bất động sản; cổ phiếu; vàng và bạc; trái phiếu; kho bạc; tiền kỹ thuật số; tài sản thế chấp. Tìm hiểu về 8 loại tài sản này, phân tích những ưu và nhược điểm của từng loại và cân đối các khoản đầu tư hợp lý để quản lý tài chính tốt hơn.
Đầu tư vào sự phát triển của bản thân
Khi mà mỗi đồng tiền đang làm việc cho bạn, bạn có thể làm cho số tiền tăng thêm nữa bằng cách phát triển tư duy của bản thân. Cách bạn suy nghĩ về tiền quyết định bạn sẽ có bao nhiêu trong tài khoản.
Nếu bạn nghĩ mình sẽ luôn sống trong nghèo khó, thì tương lai của bạn sẽ là như vậy. Ngược lại, hãy nghĩ mình sẽ trở nên giàu có và không ngừng tìm cách thay đổi vận mệnh bằng cách đầu tư cho sự phát triển của bản thân. Hãy dùng lợi nhuận kiếm được để đầu tư vào giáo dục và học hỏi thêm những kỹ năng mới. Bạn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn khi thông minh hơn và hiểu biết hơn.
Bạn có thể cần ít tiền hơn bạn nghĩ
Chúng ta dễ dàng bị đánh lừa rằng phải có thật nhiều tiền thì mới hạnh phúc. Khi bạn học cách sống tối giản và ít bị cám dỗ bởi vật chất hơn, bạn sẽ không trở thành nô lệ của đồng tiền. Ngừng việc so sánh bản thân với người khác, hãy hài lòng với những gì bạn có, và sống đơn giản; bạn sẽ không cần phải làm việc cả đời để theo đuổi những thứ phù phiếm.
Theo Entrepreneurshandbook