MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

90% nhà cung cấp linh kiện ô tô tại Việt Nam là doanh nghiệp FDI

Khả năng gia nhập thị trường còn yếu, chưa có kinh nghiệm và các chính sách cụ thể nên công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô còn nhiều khó khăn.

Hiện nay, cả nước mới có khoảng 300 doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ (CNHT) phục vụ cho sản xuất ô tô, trên tổng số 12.000 DN CNHT của cả nước. Trong đó, có đến 90% các nhà cung cấp linh kiện ô tô tại Việt Nam là các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chỉ có rất ít DN CNHT trong nước tham gia mạng lưới cung ứng cho sản xuất, lắp ráp ô tô.

Dù đã có quy mô sản xuất khá lớn, nhưng hiện nay ngành CNHT trong nước vẫn chưa có nhà máy nào đầu tư vào chế tạo các bộ phận quan trọng của ô tô; chất lượng sản phẩm, phụ tùng linh kiện ô tô cung cấp trên thị trường còn kém, chưa đáp ứng được yêu cầu. Cùng với đó, giá thành xuất xưởng của các sản phẩm phụ tùng, linh kiện ô tô còn cao vì thế làm giảm sức cạnh tranh.

90% nhà cung cấp linh kiện ô tô tại Việt Nam là doanh nghiệp FDI - Ảnh 1.

Sản phẩm CNHT cho sản xuất ô tô chưa chiếm được vị thế tại thị trường trong nước cũng như nước ngoài. (Ảnh minh họa: Vietnamnet)


Ông Lương Đức Toàn, Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, DN CNHT ngành sản xuất ô tô phát triển chủ yếu theo ngành dọc, bó hẹp trong quan hệ liên kết đầu tư và cung ứng sản phẩm. DN CNHT phần lớn chỉ phục vụ các công ty lắp ráp tại thị trường nội địa, xuất khẩu sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn do chênh lệch chất lượng sản phẩm cũng như yêu cầu, tiêu chuẩn của các công ty nước ngoài còn khá cao.

“Quy mô sản xuất của DN CNHT ngành sản xuất ô tô còn hạn chế. Việt Nam rất thiếu DN CNHT sản xuất phụ tùng linh kiện và DN sản xuất vật liệu hỗ trợ cơ bản như sắt, thép, nhựa, cao su, hóa chất…Khả năng gia nhập thị trường của các DN CNHT trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm cung ứng linh kiện cho sản xuất ô tô, thiếu các biện pháp và chính sách thích đáng của Chính phủ hỗ trợ cho phát triển ngành CNHT nói chung và CNHT cho sản xuất ô tô nói riêng”, ông Toàn nhận định.

Ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Hội Kỹ sư ô tô Việt Nam chỉ rõ, quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn nhỏ trong khi số lượng DN lắp ráp lại quá nhiều, từ đó không đáp ứng được yêu cầu về hiệu quả kinh tế đối với việc thu hút DN đầu tư vào phát triển CNHT cho ngành sản xuất ô tô.

“Chính sách liên quan đến công nghiệp ô tô thời gian vừa qua chưa đồng bộ, đặc biệt là chính sách thuế chưa phù hợp, hay thay đổi nên chưa hỗ trợ hiệu quả việc phát triển ngành ô tô. Trong khi đó, CNHT cho sản xuất ô tô còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nhưng khả năng tài chính cũng như công nghệ của các DN trong nước còn hạn chế, trình độ quản lý, trình độ khoa học công nghệ còn yếu đã khiến cho CNHT cho sản xuất ô tô khó phát triển”, ông Hào nói.

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất ô tô trong nước và từng bước tham gia vào hệ thống cung ứng sản phẩm hỗ trợ trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp ô tô thế giới, đảm bảo mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản hình thành ngành CNHT cho sản xuất ô tô, đáp ứng khoảng 35% nhu cầu linh kiện, phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, ông Lương Đức Toàn cho rằng, cần nghiên cứu, tiến tới xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ nhằm phát triển ngành CNHT nói chung và CNHT cho sản xuất ô tô nói riêng.

Ông Toàn cũng khuyến nghị ngoài việc kiểm soát các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực CNHT; cần tăng cường đầu tư, liên doanh, liên kết nhằm mở rộng quy mô cho các nhà cung cấp trong nước có thể đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu về chất lượng, chi phí,  dịch vụ logistic để bảo sản phẩm có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; tạo sự đột phá về hoàn thiện thể chế cho CNHT ngành sản xuất ô tô./.


Theo Nguyễn Quỳnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên