ACV liên tục xin tăng phí sân bay, khách hàng khó tránh bị tận thu
Trong lúc bộ GTVT chưa có ý kiến chính thức, Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) liên tục đưa đề xuất tăng giá một loạt dịch vụ liên quan tới vận tải hàng không nội địa trong đó mới nhất có đề xuất bỏ thuê bao trọn gói sân bay căn cứ (home base).
- 10-08-2016Bảo lưu đề xuất tăng giá dịch vụ hàng không, ACV nói gì?
- 06-08-2016Đề xuất tăng phí sân bay nội địa: Thiếu tính thuyết phục
- 28-06-2016Phí sân bay tăng mạnh
Kêu khó, than khổ để xin tăng phí
Sau khi than khổ, tố các hãng hàng không đua nhau hạ giá làm méo mó thị trường vận tải, gây áp lực lên hạ tầng nhà ga, ACV lại trình đề xuất xin tăng phí sân bay.
Theo ACV, 2 loại giá dịch vụ cất, hạ cánh (CHC) và phục vụ hành khách quốc nội đang quá thấp, thu không đủ bù chi nên TCT này kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh giá dịch vụ CHC quốc nội và giá phục vụ hành khách quốc nội bằng 50% giá áp dụng với quốc tế.
Lý giải về đề xuất này, đại diện ACV đưa ra các con số lợi nhuận được cho là thấp với mức 2.277 tỉ đồng lợi nhuận thuần trong đó lợi nhuận từ kinh doanh dịch vụ hàng không chỉ là 185,7 tỉ đồng. ACV còn nhấn mạnh trong hệ thống CHK mà ACV đang quản lý khai thác, chỉ có hoạt động kinh doanh tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất là có lãi và hai cảng này đang phải bù lỗ cho 18 cảng CHK còn lại. Hai sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng vừa đạt đến điểm hoàn vốn.
Không chỉ than lợi nhuận thấp, ACV còn cho rằng giá thành dịch vụ CHC quốc nội bình quân cuối năm 2015 lên tới 8,09 triệu đồng/chuyến bay nhưng trên thực tế TCT này chỉ thu được 2,5 triệu đồng/chuyến bay.
Do đó, không chỉ xin tăng phí dịch vụ cất, hạ cánh (CHC) và phục vụ hành khách quốc nội lên mức 50% giá quốc tế, ACV còn đề xuất lộ trình điều chỉnh giá phục vụ hành khách quốc nội 2 năm/lần và thay đổi chính sách giá bằng cách bỏ thuê bao trọn gói sân bay căn cứ (home base).
Cụ thể, ACV đề xuất tăng mức giá này lên 100 nghìn đồng/khách, tăng 30.000 đồng so với mức giá hiện hành. Được biết, năm 2012, mức giá này là 60 nghìn đồng, đến năm 2014 là 70 nghìn đồng.
ACV kiến nghị thay hình thức home base bằng cách áp 75% mức giá thu theo giờ trong khung giá dịch vụ đậu tàu bay theo quy định của Bộ Tài chính.
Không chỉ vậy, ACV còn xin bổ sung dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa, thiết bị vào phục vụ trong khu vực cách ly (xăng dầu hàng không, suất ăn hàng không)… để “duy trì bộ máy kiểm tra cùng công cụ hỗ trợ đi kèm cho việc cung ứng dịch vụ này.
Vì độc quyền, khách hàng lẫn hãng hàng không đều phải chịu
Cho tới nay, Bộ GTVT cũng như Cục Hàng không vẫn chưa đưa ra ý kiến chính thức về các đề xuất trên. Tuy nhiên, trao đổi với báo Lao Động, Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh cho rằng hiện ACV đang hoạt động với cơ chế cổ phần hoá nên Cục Hàng không chỉ đưa ý kiến về mặt cơ chế để tham vấn cho Bộ GTVT. Việc có tăng phí tới đâu ACV phải làm việc thương thảo cùng các hãng hàng không và phải tuân thủ theo mức trần của quy định.
Tuy nhiên, chia sẻ với chúng tôi, đại diện một hãng hàng không cho biết các đề xuất trên của ACV không có sự tham vấn của các hãng hàng không và phần lớn các hãng hàng không thấy khó "cũng không dám kêu" vì đây thực ra là đơn vị cung cấp dịch vụ độc quyền và cả khách hàng lẫn các hãng hàng không đều chẳng được lựa chọn.
Theo người này, việc ACV tăng phí không chỉ sẽ khiến khách hàng tốn thêm chi phí khi bay mà còn gây khó cho các hãng hàng không vì trong số các mức phí xin tăng có cả phí áp thẳng cho khách hàng lẫn những loại phí mà các hãng hàng không phải gánh chịu mà không thể đưa vào giá. Việc ACV tăng phí chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không, người này nhận định. Liên quan tới các lập luận của ACV, người này cho rằng việc ACV cần thu hồi vốn đầu tư là đúng nhưng mức thu hồi, thời gian thu hồi bao lâu phải tính toán cho hợp lý bởi đây là "hoạt động mang tính xã hội cao và một sân bay hoạt động trong 50 năm thì tính hồi vốn phải trong 40 năm chứ không phải 10 năm như kiểu dự án BOT đường bộ". Người này lý giải, với các dự án BOT đường bộ, sau khi hoàn đủ vốn, sẽ ngừng thu phí, còn thu phí sân bay là vĩnh viễn, việc đầu tư xây mới, nâng cấp sân bay lại có một phần ngân sách nhà nước nên phải tính khấu hao dài ra chứ không thể "tăng phí để tăng lãi do lãi ít".
Cùng quan điểm nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc ACV liên tục gây sức ép đòi tăng phí là do cơ chế độc quyền.
Hiện nay mức phí sân bay trong nước đã khá cao. Với chặng nội địa, nếu các hãng bán mỗi vé giá 500.000 đồng thì cộng thêm thuế, phí sân bay, phí soi chiếu, cất hạ cánh..., hành khách phải trả thêm khoảng 500.000 đồng. Với chặng quốc tế, giá vé đi châu Âu là 12 triệu đồng, cộng thêm thuế và phí của các sân bay Việt Nam và quốc tế thì giá vé máy bay lên tới 25 triệu đồng.
Trước đó trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng đề xuất mới đây của ACV chưa làm rõ việc cần thiết phải cần tăng giá các dịch vụ sân bay. Do đó, Bộ đã yêu cầu doanh nghiệp tính toán lại chi tiết hơn để cơ quan chủ quản xem xét.
Thứ trưởng Nhật cũng nhìn nhận đầu tư dịch vụ nhiều sân bay địa phương hiện đang ở mức thấp, song việc điều chỉnh phí sẽ được các quan chức năng sẽ xem xét kỹ lưỡng để việc điều chỉnh giá của ACV không làm ảnh hưởng đến giá vé máy bay.
Lao động