ADB thay đổi dự báo tăng trưởng cho Việt Nam và Singapore, khoảng cách GDP lại được rút ngắn
Ảnh: AFP
Theo báo cáo mới nhất của ADB, triển vọng tăng trưởng 5,8% của kinh tế Việt Nam được ADB đánh giá là cao thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, sau mức 6,3% của Singapore.
- 20-07-2021Thêm một tổ chức hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021
- 20-07-2021ADB hạ triển vọng tăng trưởng năm 2021 của khu vực Đông Nam Á
- 17-07-2021Nhìn sâu hơn vào cuộc đua của Việt Nam và các quốc gia muốn trở thành những “con hổ” châu Á
Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á ADB đã thay đổi mức dự báo tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam từ 6,7% xuống 5,8%, do làn sóng Covid-19 lần thứ tư sẽ có tác động tiêu cực đến sự phục hồi kinh tế.
Các hạn chế di chuyển đã khiến Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) giảm xuống 44,1 trong tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm ngoái, ADB cho biết trong báo cáo mới đây. Tổ chức này cũng nhận định rằng tiến độ tiêm chủng ở vực phía Nam, khu vực ảnh hưởng đến tăng trưởng lớn nhất cả nước, có thể tác động đến hoạt động kinh tế trong năm nay. Tuy nhiên, ADB vẫn duy trì dự báo cho năm 2022 ở mức tích cực 7%.
Theo báo cáo mới nhất của ADB, triển vọng tăng trưởng 5,8% của kinh tế Việt Nam được ADB đánh giá là cao thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, sau mức 6,3% của Singapore. Trong báo cáo được đưa ra hồi tháng 4, ADB dự báo Singapore sẽ tăng trưởng ở mức 6,0%, thấp hơn Việt Nam.
Như vậy, nếu tính toán theo dự báo mới, quy mô GDP năm 2021 của Việt Nam dự kiến vẫn sẽ cao hơn Singapore, nhưng khoảng cách được rút ngắn từ gần 6 tỷ USD xuống còn gần 2 tỷ USD.
Trong báo cáo này, ADB giữ nguyên dự báo cho Philippines và hạ dự báo cho Indonesia, Thái Lan cũng như Malaysia. Triển vọng tăng trưởng năm 2021 của khu vực Đông Nam Á được điều chỉnh từ 4,4% xuống còn 4,0%
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, nhận định: “Công cuộc phục hồi sau đại dịch Covid-19 của khu vực châu Á và Thái Bình Dương đang tiếp diễn, mặc dù con đường còn bấp bênh trong bối cảnh các đợt bùng phát mới, các biến thể vi-rút mới và việc triển khai vaccine không đồng đều. Ngoài các biện pháp ngăn chặn và tiêm chủng, việc phục hồi các hoạt động kinh tế có chiến lược và theo từng giai đoạn — ví dụ như thương mại, sản xuất và du lịch — sẽ là chìa khóa để bảo đảm công cuộc phục hồi xanh, bao trùm và bền bỉ".
Mới đây, Standard Chartered cũng đã điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 6,7% xuống 6,5%. Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế tại Việt Nam và Thái Lan của Standard Chartered nhận định rằng: Việt Nam đang trên con đường tiến tới mục tiêu trở thành trung tâm chuỗi cung ứng mang tầm khu vực, một nền kinh tế công nghiệp hiện đại và một quốc gia có thu nhập cao trong tương lai. Dịch Covid-19 được kiểm soát tốt trong năm 2020 đã giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng được hưởng lợi từ quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, khả năng kiếm soát dịch Covid-19 sẽ đóng vai trò quan trọng đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn.
Nhóm chuyên gia của Standard Chartered dự báo, các lĩnh vực tập trung vào thị trường trong nước như bán lẻ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu làn sóng dịch Covid-19 hiện tại kéo dài. Điều cần chú ý hiện nay là liệu những tác động lên lĩnh vực công nghiệp sẽ là nhất thời hay sẽ kéo dài. Dự báo tăng trưởng cho năm 2022 của Việt Nam tiếp tục được Standard Chartered duy trì ở mức 7,3% dựa trên kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ hậu Covid-19.