Agribank, VietinBank, BIDV tăng lãi suất huy động thêm hơn 1% từ 27/10
Theo đó, lãi suất cao nhất khi gửi trực tuyến tại nhóm Big4 có thể lên xấp xỉ 8%/năm, tương đương với nhiều ngân hàng tư nhân khác.
- 27-10-2022Ngân hàng đua lãi suất, người gửi tiền... 'đau đầu'
- 27-10-2022Các ngân hàng đua nhau trưng biển lãi suất cao chót vót để hút khách gửi tiền
Ngân hàng Agribank, VietinBank, BIDV vừa cập nhật biểu lãi suất huy động mới từ ngày 27/10 và tăng mạnh ở nhiều kỳ hạn.
Theo đó, lãi suất cao nhất tại quầy ở 3 nhà băng này là 7,4%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, cao hơn trước 1%/năm.
Đối với kỳ hạn từ 6 tháng – 11 tháng, lãi suất lại 3 ngân hàng này có sự khác biệt. Trong đó, VietinBank niêm yết 6%/năm, tăng 1,3-1,4% so với biểu lãi suất cũ. BIDV áp dụng mức 6%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 6,1%/năm cho kỳ hạn 9 tháng. Agribank thì niêm yết cùng một mức 6,1%/năm.
Đối với kỳ hạn ngắn 3-5 tháng, lãi suất tại 3 ngân hàng này đều tăng 1% lên là 5,4%/năm, kỳ hạn 1-2 tháng tăng 0,8% lên 4,9%/năm.
Với tiền gửi không kỳ hạn, VietinBank và BIDV tiếp tục duy trì mức lãi suất 0,1%/năm, trong khi Agribank tăng 0,2% lên 0,5%/năm.
Được biết, VietinBank, BIDV cộng lãi suất tiền gửi theo hình thức trực tuyến thêm 0,5-0,6%/năm so với gửi tại quầy. Theo đó, lãi suất cao nhất tại nhóm Big4 có thể lên xấp xỉ 8%/năm, tương đương với nhiều ngân hàng tư nhân khác như VPBank (số tiền dưới 300 triệu), Techcombank, Sacombank,…
Trên thị trường, một số ngân hàng đã niêm yết lãi suất huy động cao nhất đạt trên dưới mốc 9%/năm, có thể kể đến SCB, VietCapitalBank, CBBank.
Tuy nhiên, lãi suất có sự chênh lệch khá lớn giữa biểu niêm yết và lãi suất thực tế tại mỗi chi nhánh. Do đó, trên thực tế, ngoài 3 ngân hàng nói trên, tại một số chi nhánh ở những ngân hàng khác, lãi suất tiền gửi cũng đã lên trên 9%/năm.
Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, lãi suất tiền gửi trên thị trường đã tăng trên 2%/năm ở nhiều kỳ hạn, đưa mức lãi suất trở lại vùng cao hơn cả năm 2019.
Động thái tăng mạnh lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước có 2 đợt tăng lãi suất điều hành (ngày 23/9 và 25/10), mỗi đợt tăng 1%.
Trong đó, ngày 25/10 vừa qua, NHNN đã tăng lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD từ 6,0%/năm lên 7,0%/năm.
Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng cũng tăng từ mức 0,5%/năm lên 1,0%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Ngoài ra, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế tăng từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này tăng từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm.
Nhịp sống thị trường