MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ai gây ra sai phạm hàng nghìn tỷ đồng tại Vinafood 2?

06-07-2017 - 11:06 AM | Doanh nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có kết luận thanh tra với Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), trong đó chỉ rõ những thiết sót, sai phạm của tổng công ty này trong giai đoạn từ năm 2014 đến hết quí I/2016.

Kết quả thanh tra tại Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho thấy, trong 2 năm (2014 - 2015) Công ty này đã vướng nhiều sai phạm trong quản lý tài sản; các công ty con kinh doanh kém, gây thất thoát cả nghìn tỷ đồng.

Năm 2014, Tổng công ty đã bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất sai quy định của Thủ tướng với lô đất gần 700 m2 (tại ấp Tân Phú 2, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang); bán 3 cồn nuôi trồng thuỷ sản và tài sản đi kèm cho Công ty Nông sản thực phẩm Trà Vinh, bán 2 căn nhà (đường Điện Biên Phủ, thành phố Trà Vinh)... tổng trị giá gần 115 tỷ đồng.

"Trách nhiệm các sai phạm trên thuộc về trực tiếp Chủ tịch Hội đồng thành viên tại thời điểm ban hành chủ trương bán tài sản. Cùng với đó là trách nhiệm Giám đốc các công ty, phòng kỹ thuật và các cá nhân liên quan", kết luận thanh tra của Bộ Nông nghiệp nêu.

Cơ quan thanh tra ngành nông nghiệp cũng phát hiện sai phạm của Vinafood 2 khi để thất thoát của Nhà nước 54 tỷ đồng trong dự án khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại tại 34,36,42 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du, quận 1, TP HCM.

Theo thoả thuận, trách nhiệm đền bù thuộc về Công ty Việt Hân là 80% tổng tiền đền bù 68 tỷ, nhưng Nghị quyết 05 của Hội đồng thành viên Tổng công ty ngày 22/10/2015 lại chuyển trách nhiệm chi phí đền bù sang Tổng công ty 100%.

Vị trí khu đất 34,36,42 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du

Ngoài ra, đa số các đơn vị thành viên của Tổng công ty đều kinh doanh thua lỗ trong năm 2014, 2015 và 3 tháng đầu năm 2016. Năm 2014, công ty mẹ ghi nhận lỗ số tiền gần 880 tỷ đồng; chỉ có 4 công ty con có lãi gần 5,4 tỷ. Kết thúc quý I/2016 trong khi công ty mẹ lãi trước thuế hơn 51 tỷ đồng, thì các đơn vị trực thuộc lỗ trên 46 tỷ.

Với những sai phạm trên, Thanh tra Bộ yêu cầu Vinafood 2 phải tiếp tục triển khai thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty theo đúng kế hoạch, tiến độ và quy định của pháp luật. Doanh nghiệp này cũng phải kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có những tồn tại, khuyết điểm và sai phạm đã nêu trên.

Vinafood 2 phải nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc thực hiện phương án sắp xếp lại cơ sở nhà, đất tại số 33 Nguyễn Du; 34, 36 và 42 Chu Mạnh Trinh (quận 1, TPHCM.)

Đơn vị cũng cần khẩn trương trình Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phương án củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ chủ chốt. Tổng công ty này phải báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Nông nghiệp trước ngày 15/8/2017 để tổng hợp báo Thủ tướng.

Trước đó, cuối tháng 6/2017 Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo gia hạn thời hạn bán cổ phần lần đầu (IPO) với công ty mẹ - Vinafood 2 tối đa 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng phê duyệt phương án cổ phần hoá.

Hồi tháng 1, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp này tiến hành cổ phần hoá, chỉ giữ lại 51% vốn góp Nhà nước.

Công ty TNHH MTV Tổng công ty Lương thực miền Nam, có tên viết tắt là Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) tiền thân là Tổng công ty lúa gạo Miền Nam được thành lập năm 1976 theo Quyết định số 130/LTTP ngày 18/8/1976 của Bộ Lương thực và Thực phẩm. Vốn điều lệ là 3.375.000.000.000 đồng (ba nghìn ba trăm bảy mươi lăm tỷ đồng).

Tính đến ngày 31/3/2017, Vinafood 2 gồm 14 đơn vị thuộc khối mẹ và 1 đơn vị Văn phòng tổng công ty, 12 công ty cổ phần chi phối, 8 công ty liên kết với gần 2.600 cán bộ, công nhân viên. Vianfood 2 có trụ sở chính tại TPHCM và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, kho chứa trải dài từ Đà Nẵng đến Cà Mau, đặc biệt tập trung nhiều ở các tỉnh ĐBSCL, nơi sản xuất hầu hết số lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Trong hơn 40 năm qua, Vinafood 2 đã có những bước phát triển vượt bậc về nhiều mặt, trở thành một trong những doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo lớn trên thế giới với mức chế biến và xuất khẩu bình quân hàng năm đạt khoảng 2,8 - 3 triệu tấn gạo, kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên 1 tỷ đô la Mỹ, doanh số trên 30.000 tỷ đồng.

Theo Duy Khánh

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên