Ðại gia Thái Lan thâu tóm dự án điện mặt trời tại Việt Nam
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, cùng với việc bùng nổ các dự án điện mặt trời, 2019 được coi là năm đỉnh điểm của những ‘cơn sóng ngầm’ quanh việc chạy đua xin giấy phép bổ sung quy hoạch điện mặt trời ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương. Tình trạng mua bán giấy phép, chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư nước ngoài cũng xuất hiện.
- 26-05-2020Gấp rút hoàn thành dự án điện mặt trời lớn nhất Việt Nam
- 24-05-2020Điện mặt trời: Hàng loạt dự án được chủ nội "sang tay" cho nhà đầu tư ngoại là chuyện bình thường theo cơ chế thị trường, thậm chí là điểm sáng của ngành điện
- 19-05-2020Nhà đầu tư ngoại "thâu tóm" dự án điện mặt trời, Bộ Công Thương nói gì?
Ðại gia Thái Lan thâu tóm
Cùng với việc các dự án điện mặt trời ồ ạt vận hành, những ngày gần đây, hàng loạt thông tin về việc nhiều nhà đầu tư yếu kém về năng lực vẫn giành được những dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, rồi nhanh chóng sang tay cho nhà đầu tư ngoại kiếm lời dần xuất hiện tại nhiều diễn đàn về năng lượng tái tạo. Thậm chí, theo công bố của các nhà đầu tư nước ngoài, việc chuyển giao các dự án điện mặt trời tại Việt Nam đang diễn ra hết sức sôi nổi.
Mới đây nhất, Hội đồng quản trị Công ty Super Energy Corporation Company Limited (Super Energy) của Thái Lan công bố việc cuối tháng 3/2020 đã gửi thư tới Ủy ban Chứng khoán Thái Lan thông báo về quyết định sẽ chi không quá 456,7 triệu USD để đầu tư vào 4 dự án nhà máy điện mặt trời, gồm Lộc Ninh 1 (200 MW), Lộc Ninh 2 (200 MW), Lộc Ninh 3 (150 MW) và Lộc Ninh 4 (200 MW) tại tỉnh Bình Phước (Việt Nam).
Theo thông báo, khoản đầu tư vào dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1 là 99,7 triệu USD; tại Lộc Ninh 2 là 140 triệu USD; tại Lộc Ninh 3 là 105 triệu USD và tại Lộc Ninh 4 là 112 triệu USD. Để nâng tỷ lệ chiếm hữu tại các doanh nghiệp triển khai 4 dự án điện mặt trời nói trên, theo tiến độ, Super Energy phải trả tổng cộng 72,9 triệu USD. Trong đó, khoản đã trả là hơn 5,7 triệu USD. Cụ thể, khoản trả trong tháng 3/2020 là 13,667 triệu USD. Khoản sẽ trả trong tháng 6/2020 là 32,4 triệu USD và khoản sẽ trả vào tháng 11/2020 là 11,6 triệu USD. Theo thỏa thuận, nếu giá mua điện khác với dự báo là 7,09 UScents/kWh, giá trị của cổ phiếu sẽ được điều chỉnh theo tỷ lệ giá mua điện thực tế.
Tuy nhiên, theo thông tin ban đầu, không phải các đối tác phía Việt Nam (nhiều thông tin cho là các công ty con thuộc Tập đoàn Hưng Hải) sẽ nhận được tất cả khoản tiền này. Hiện đợt thanh toán đầu tiên đã diễn ra với số tiền là 5,732 triệu USD. Các đợt thanh toán còn lại sẽ kèm với các điều kiện chi tiết như khi có quyết định thuê đất, giấy phép xây dựng, hợp đồng nối lưới, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hay chứng nhận đủ điều kiện phát điện thương mại với giá mua điện là 7,09 UScents/kWh…
Đáng chú ý, trước khi thâu tóm 4 dự án nói trên, công ty năng lượng Thái Lan đã sở hữu 6 dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Tính đến tháng 3/2020, chỉ riêng 6 dự án này đã có tổng công suất lên tới 286,72 MW, bằng một nửa tổng công suất của 100 dự án điện mặt trời tại Thái Lan mà SEC đang sở hữu gộp lại.
Điểm đặc biệt là cả 6 dự án điện tại Việt Nam mà Super Energy thâu tóm trước đó chỉ có tỷ suất sinh lời (the return on investment - EIRR) từ 12 - 13%. Và các dự án điện thuộc cụm dự án Lộc Ninh có chỉ số EIRR cao hơn hẳn, từ 16,59% tới 17,4%. Ngoài các dự án điện mặt trời, SEC còn sở hữu 4 dự án điện gió tại Việt Nam, tại các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Phú Yên, Gia Lai. Các dự án này dự kiến sẽ đi vào hoạt động một phần hoặc toàn bộ từ quý 4/2021.
Hàng loạt dự án rơi vào tay nước ngoài
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, thông qua hình thức liên doanh, chuyển nhượng cổ phần với doanh nghiệp Việt Nam, nhiều tập đoàn năng lượng và đầu tư nước ngoài đã sở hữu hàng chục dự án điện mặt trời, điện gió và hưởng mức giá ưu đãi 9,35 UScents/kWh trong 20 năm tại Việt Nam.
Trong số này phải kể đến việc hai nhà máy điện mặt trời TTC 1 và TTC 2 tại Tây Ninh do Tập đoàn Thành Thành Công và Tập đoàn Năng lượng Gulf (Thái Lan) hợp tác đầu tư, vận hành từ giữa năm 2019. Khi đó tập đoàn Thái Lan sở hữu 49% vốn nhưng trong lần thay đổi gần nhất, Gulf đã tăng mức nắm giữ lên 90%. Ông Prasert Thirati - Giám đốc Công ty Gulf Việt Nam cũng đồng thời là người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng xanh TTC, Công ty cổ phần Gulf Tây Ninh 1, Gulf Tây Ninh 2. Ngoài các dự án điện mặt trời tại Tây Ninh, tập đoàn Thái Lan còn nắm trong tay các dự án điện gió tại Bến Tre với tỷ lệ sở hữu 95%.
Công Super Energy ngoài các dự án đã nêu, hiện cũng đã đầu tư thông qua hình thức mua cổ phần loạt dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận, An Giang... Ngoài Thái Lan, nhiều nhà đầu tư đến từ Singapore, Trung Quốc, Philippines... cũng sở hữu hàng chục dự án điện mặt trời, điện gió ở Việt Nam thông qua hình thức mua cổ phần, liên doanh.
Trước thông tin nhà đầu tư Thái Lan nhảy vào thâu tóm các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, đầu tháng 6 vừa qua, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt lại ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc báo chí phản ánh Tập đoàn Super Energy (Thái Lan) thâu tóm các dự án điện mặt trời tại Bình Phước. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý phù hợp đảm bảo an ninh quốc gia và an ninh năng lượng.
Tiền phong