"Ái nữ" nhà Thép Việt Pomina - Đỗ Duy Hiếu: Con sếp mà làm sai phải tự nhục chứ!
Đỗ Duy Hiếu cho rằng điều quan trọng là làm việc hiệu quả và đối xử chân thành với mọi người. Và là con của sếp mà làm sai thì phải tự biết... nhục.
Cái tên Đỗ Duy Hiếu khiến nhiều người lầm tưởng là nam giới. Đỗ Duy Hiếu năm nay 34 tuổi, là CEO của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thép Việt, đơn vị sở hữu gần 62% cổ phần của Công ty CP Thép Pomina (POM). Hiếu là con gái của nhà sáng lập Thép Việt Đỗ Duy Thái, một doanh nhân nổi tiếng nhất nhì ngành thép Việt Nam.
Chúng tôi vừa có cuộc trò chuyện với chị Hiếu về công việc, về gia đình nhân dịp Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3:
Chào chị Hiếu, chị gắn bó với Thép Việt lâu chưa?
- Tôi làm ở Thép Việt từ năm 2008, như vậy là được 9 năm rồi. Ban đầu tôi làm Coordinator (người điều phối), sau đó làm phòng tài chính và tiếp đó là chăm sóc khách hàng.
Kinh nghiệm đáng quý nhất chính là kinh nghiệm.
Với khoảng thời gian đó, những kinh nghiệm đã học hỏi được trong lĩnh vực này hẳn là không ít?
- Tôi làm ở công ty đã 9 năm và đã học được rất nhiều thứ. Tôi thường xuyên phải đi ra ngoài gặp gỡ đối tác, phải học cách bán hàng và đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm quản lý. Các cơ hội cọ xát thực tế này giúp tôi chững chạc hơn và học được nhiều bài học về cuộc sống. Kinh nghiệm đáng quý nhất chính là kinh nghiệm.
Làm việc ở công ty gia đình mà mình là một thành viên, chị có gặp áp lực gì không?
- Thép Việt là công ty gia đình nhưng rất đông thành viên. Áp lực thì có thể là do thời gian đầu mới gia nhập công ty, tôi tự tạo áp lực cho chính mình. Lúc đó tôi còn trẻ, có thể mọi người sẽ nhìn tôi với ánh mắt kiểu như "cô gái đó là con của người này, người kia".
Sau 1-2 năm, tôi không còn coi điều gì là áp lực hay ưu ái hết. Đương nhiên, khi làm việc trong công ty gia đình, mình có lợi thế rất đặc biệt là bản thân mong muốn làm gì thì có thể thuyết phục gia đình cho mình làm. Đó là một ưu thế lớn.
Tuy nhiên, khi đã bắt tay vào làm việc, hiệu quả công việc như thế nào, tính cách con người mình ra làm sao thì mọi người đều thấy được hết. Quan trọng hiệu quả công việc và bản thân phải biết hòa đồng với mọi người.
Tôi cũng giúp mọi người giải quyết công việc mà, chứ tôi có ngăn cản ai đâu (cười).
Áp lực chị tự tạo ra là như thế nào?
- Khi các bạn tôi đi du học về, có rất nhiều người ra ngoài làm, và không làm cho gia đình. Khi tôi chọn về làm việc cho công ty gia đình, tôi cũng nghĩ "không biết người ta có cho rằng do mình không có năng lực nên mới về nhà làm hay không".
Đó là áp lực mà tôi tự tạo ra cho mình. Nhưng sau khi đi làm rồi mới thấy, điều đó không quan trọng nữa. Tôi nghĩ người ta nhìn mình ra sao cũng không quan trọng, mà quan trọng là làm sao để đạt được hiệu quả trong công việc.
Vậy khi chị đi học ở nước ngoài chị xác định như thế nào, về Việt Nam hay ở lại. Hay là 50-50?
- Gia đình tôi buôn bán vật liệu xây dựng từ năm 1992. Lúc đó, tôi đã theo mẹ đi làm rồi. Tôi đã nghĩ là công ty cần cái gì, mình học cái đó. Những trải nghiệm cùng gia đình đã thấm vào máu tự bao giờ. Không ai yêu cầu tôi như vậy cả nhưng suy nghĩ của mình vẫn vậy.
Tôi bị la nhiều lắm! Con sếp mà làm sai phải tự nhục chứ!
Kỷ niệm đáng nhớ nhất ở Thép Việt của chị?
- Lúc trước, tôi hay nghĩ: "Cái này quá sức mình. Mình làm không nổi". Nhưng bây giờ tôi luôn nghĩ "mình có thể làm được". Khả năng con người là vô hạn, đừng đặt giới hạn. Khi mình gặp khó khăn mình cứ làm hết sức, hết sức.
Khi đã vượt qua rồi, tôi thấy ngạc nhiên. Đó là bài học ý nghĩa cả trong công việc và cuộc sống. Đừng bao giờ nói câu: Tôi chỉ làm được cái này thôi, tôi chỉ làm được đến mức thế thôi. Cái ý chí của chúng ta tới đâu thì sẽ đưa ta tới đó.
Chị từng vấp ngã lần nào chưa?
- Tôi bị la nhiều lắm.
Rồi chị có bị phạt không hay sẽ được bỏ qua vì con sếp?
- Con sếp mà làm sai phải tự nhục chứ!
Chị có nghĩ là mình sinh ra may mắn và giàu có không?
- Không có gì hoàn hảo hết. Ai cũng nỗi khổ riêng. Một người có khó khăn riêng của họ, không về phương diện này thì về phương diện khác. Cứ cố gắng hết mình thôi. Cái gì cũng có hai mặt.
Chị nhìn nhận thế nào về doanh nhân nữ trong nền kinh tế Việt Nam?
- Tôi thấy Việt Nam có nhiều lãnh đạo nữ. Nhưng nam hay nữ thì đều có cách tiếp cận khác nhau trong công việc. Những phụ nữ làm kinh doanh có sự chịu đựng, kiên nhẫn khá cao. Tôi có xem danh sách 50 phụ nữ quyền lực nhất Việt Nam mới được Forbes công bố vừa rồi. Họ có tầm ảnh hưởng rất lớn.
Cách tốt nhất là đừng bao giờ nghĩ đến bình đẳng giới. Suy nghĩ đó còn trong đầu mình có nghĩa là mình đã có sự phân biệt về bình đẳng giới.
Chị có gặp khó khăn gì không khi là một lãnh đạo nữ làm trong một công ty lớn?
- Phụ nữ có gia đình, rồi có con cái thì việc khó nhất là sắp xếp thời gian cho hợp lý. Vì dù sao bản thân vẫn là một phụ nữ, vẫn rất ưu tiên gia đình nhưng cũng phải hoàn thành công việc.
Một ngày chị dành cho công việc bao nhiêu tiếng và bao nhiêu tiếng dành cho gia đình?
- Tôi không chia được. Nhiều khi công việc gấp quá thì mình cho con ngủ xong thì lại ngồi làm việc. Đồng nghiệp trong công ty cũng hay bảo tôi: sao 12 giờ đêm mà chị còn trả lời email. Công việc gấp thì mình vẫn phải làm thôi.
Chị nghĩ sao về bình đẳng giới trong kinh doanh?
- Cách tốt nhất là đừng bao giờ nghĩ đến bình đẳng giới. Suy nghĩ đó còn trong đầu mình có nghĩa là mình đã có sự phân biệt về bình đẳng giới.
Nói đến ngành thép là nói đến nam giới. Vậy chị có gặp khó khăn gì khi làm quản lý ngành này không? Văn hóa công ty là gì?
- Ngược lại, tôi thấy lợi thế vô cùng. Tôi không thấy vấn đề gì cả. Tôi chuyên về mảng thương mại nên nhân viên của tôi chủ yếu là nữ. Thí dụ, làm việc trong nội bộ, gặp các anh sản xuất, mình nói ngọt với họ. Bạn có biết cách nói chuyện thôi miên là gì không? Đơn giản thôi, chính là sự chân thành. Có sao nói vậy. Lời nói chân thành thì dễ đi vào trái tim.
Năm nay công ty chúng tôi phát động chương trình làm việc trong hạnh phúc. Mọi người phải cười nhiều hơn, phối hợp với nhau tốt hơn và năm nay là vui. Vui trong công việc. Tôi tin rằng công việc mình vui thì mới làm tốt được.
Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Trí thức trẻ