MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Alibaba "đại chiến" Tencent ở thị trường Đông Nam Á như thế nào?

24-05-2021 - 15:07 PM | Doanh nghiệp

Alibaba "đại chiến" Tencent ở thị trường Đông Nam Á như thế nào?

Sau khi sáp nhập hãng gọi xe trực tuyến Gojek và gã khổng lồ thương mại điện tử Tokopedia của Indonesia, GoTo trở thành một hệ siêu sinh thái mạnh mẽ với mức định giá 18 tỉ USD.

"Indonesia Taobao" - Tokopedia và "Indonesia Didi" - Gojek chính thức hợp nhất trở thành GoTo Group. Sự sáp nhập của gã khổng lồ thương mại điện tử và hãng gọi xe trực tuyến Indonesia, tập đoàn mới được định giá 18 tỉ USD là một hệ siêu sinh thái toàn diện bao gồm các doanh nghiệp gọi xe, phân phối, thanh toán và thương mại điện tử.

Indonesia là quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, đồng thời cũng là phân khúc thị trường Đông Nam Á có tiềm năng phát triển lớn nhất đối với các công ty công nghệ. Theo dữ liệu trước đây từ Gojek và Tokopedia, các giao dịch trên GoTo sẽ chiếm 2% GDP của Indonesia.

Việc sáp nhập của hai ông lớn Internet Indonesia lần này nhằm vào hai đối thủ kinh doanh, một là Grab, nền tảng đặt xe và giao đồ ăn lớn nhất Đông Nam Á, hai là đối thủ "đáng gờm" trong lĩnh vực thương mại điện tử - Sea Ltd.

Trước đó cũng đã có thông tin về việc sáp nhập Grab và Gojek, nhưng do hai hoạt động kinh doanh chính là dịch vụ taxi nên việc sáp nhập này có thể bị các cơ quan quản lý đánh giá là độc quyền. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Gojek và Tokopedia không chồng chéo nhiều. Điều thú vị hơn là GoTo mới sẽ trở thành đối thủ với "siêu ứng dụng" khác - Sea Group. Liệu GoTo có thể giành được mức tăng giá cổ phiếu trong năm qua hơn Apple, Tesla và những gã khổng lồ khác?

Hiện tượng "siêu ứng dụng" độc đáo của Trung Quốc đang được nhân rộng ở Đông Nam Á. Trong báo cáo được Sea tiết lộ vào năm 2017, Tencent nắm giữ 39,8% cổ phần của Sea, trong khi nhà sáng lập Li Xiaodong chỉ nắm 20,7%. Dưới góc nhìn của người trong ngành, Sea là quân cờ được Tencent hậu thuẫn tại Đông Nam Á. Và đứng sau GoTo là Alibaba. Alibaba và SoftBank là những nhà đầu tư duy nhất có cổ phần ở mức hai con số trong GoTo, vượt qua các nhà đầu tư khác như Google và Temasek.

Đông Nam Á là miếng bánh thị trường hấp dẫn, và Indonesia là quốc gia lớn nhất

Alibaba đại chiến Tencent ở thị trường Đông Nam Á như thế nào? - Ảnh 1.

Gojek và Tokopedia sát nhập

Theo một báo cáo do Google và Temasek đồng công bố, nền kinh tế Internet Đông Nam Á sẽ vượt 240 tỉ USD vào năm 2025. Cụ thể hơn, nó đã đạt 72 tỉ USD vào cuối năm 2018, tăng 37% so với cùng kỳ của năm trước. Nói cách khác, thị trường rất có tiềm năng tăng trưởng.

Đông Nam Á và Trung Quốc có con đường phát triển Internet di động tương tự nhau. Trong số dân số hơn 600 triệu, 350 triệu người sử dụng Internet chủ yếu là thiết bị di động và cơ sở dân số rất lớn. Hơn 50% dân số Đông Nam Á dưới 30 tuổi, cơ cấu dân số trẻ và nền kinh tế phát triển nhanh góp phần thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử.

Cụ thể ở phía người dùng, tỷ lệ thâm nhập của thương mại điện tử ở Đông Nam Á là 38%, so với 67,7% của thương mại điện tử ở Trung Quốc, vẫn còn gần gấp đôi dư địa tăng trưởng.

Điều đáng chú ý là thị trường đông dân nhất Indonesia sẽ chiếm 48% thị trường thương mại điện tử, với quy mô 83 tỉ USD. Tokopedia là nền tảng thương mại điện tử được truy cập nhiều nhất tại thị trường Indonesia vào năm 2019, nhưng vào năm ngoái, Shopee của Sea đã nổi lên. GMV (Gross Merchandise Value – Tổng giá trị giao dịch) của Shopee đạt 35,4 tỉ USD vào năm ngoái, tăng gấp đôi năm trước và chiếm 57% toàn bộ thị trường thương mại khu vực Đông Nam Á. Đây là công ty thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á.

Sau khi Tokopedia và Gojek được tích hợp, họ có thể sử dụng dịch vụ khó sinh lời là "gọi taxi" để kích hoạt toàn bộ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và thanh toán GoTo.

Theo Nitin Pangarkar, giáo sư tại Trường Kinh doanh của Đại học Quốc gia Singapore, cho biết: "Bản thân các dịch vụ vận tải rất khó kiếm tiền, nhưng chúng có thể làm tăng tần suất giao dịch cho dịch vụ giao đồ ăn. Một số lượng lớn giao dịch cũng sẽ tạo ra cơ hội cho nền tảng thực hiện giao dịch của người dùng và doanh nghiệp thông qua các dịch vụ thanh toán, do đó tạo ra lợi nhuận. Các nhà phân tích thường tin rằng du lịch, giao đồ ăn và thanh toán là ba lĩnh vực cốt lõi để xây dựng siêu ứng dụng".

"Siêu ứng dụng" là một hiện tượng độc đáo ở Trung Quốc, tức là người dùng chỉ cần tải một ứng dụng là có thể hoàn thành nhiều chức năng khác nhau như mạng xã hội, thanh toán, đi taxi, đặt đồ ăn. Mô hình này không chỉ có thể cải thiện giá trị vòng đời và mức độ gắn bó của một người dùng mà còn có thể hình thành một lợi thế khác biệt xung quanh hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Đối với một thị trường tiềm năng tăng trưởng, siêu ứng dụng đã trở thành một cuộc chiến bắt buộc để giành được nhiều người dùng hơn. GoTo được sáp nhập sẽ giành được nhiều lợi thế cạnh tranh hơn tại thị trường Indonesia.

Một mặt, Tokopedia và Gojek đều được sinh ra ở Indonesia và được hưởng sự hỗ trợ và thuận tiện của các công ty khởi nghiệp địa phương. Mặt khác, với sự trợ giúp từ hoạt động kinh doanh đa dạng của Gojek từ trực tuyến đến ngoại tuyến, Tokopedia có thể dễ dàng đạt được hàng chục triệu người dùng hoạt động hằng tháng.

Sea được hỗ trợ bởi Tencent không dễ để đánh bại

Alibaba đại chiến Tencent ở thị trường Đông Nam Á như thế nào? - Ảnh 2.
Từ một công ty trò chơi điện tử nhỏ tại Đông Nam Á, Sea Group vươn lên thành tập đoàn thương mại điện tử và thanh toán online khổng lồ với giá trị vốn hóa 128 tỉ USD.

Tháng trước, Grab công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu tại Mỹ thông qua một công ty mua lại với mục đích đặc biệt (SPAC). Các công ty SPAC là những công ty được thành lập để niêm yết lần đầu (IPO) trên thị trường chứng khoán. Grab kỳ vọng được định giá 39,6 tỉ USD sau khi phát hành cổ phiếu tại Mỹ.

GoTo cũng đang cố gắng đạt được giá trị gần 40 tỉ USD của Grab. Theo Zhihu, GoTo có kế hoạch IPO ở New York và Jakarta với mục tiêu đạt được mức định giá 35-40 tỉ USD. Con số này tương đương với khoảng gấp đôi mức định giá các khoản tài trợ vốn cổ phần tư nhân trước đây của Gojek và Tokopedia.

"Tencent Đông Nam Á" - Sea đã có giá cổ phiếu ổn định ở mức 250 USD vào đầu tháng 3 năm nay, với giá trị thị trường là 128 tỉ USD, sắp đuổi kịp giá trị thị trường của JD.com.

Alibaba đại chiến Tencent ở thị trường Đông Nam Á như thế nào? - Ảnh 3.

Nhà sáng lập Sea - Li Xiaodong.

Người sáng lập của Sea và các giám đốc điều hành cốt lõi hiện tại đều là người Trung Quốc. Li Xiaodong tốt nghiệp Khoa Kỹ thuật của Đại học Giao thông Thượng Hải. Ông từng làm nhân sự bốn năm tại Motorola và Corning. Năm 2006, ông Li đến Đại học Stanford để học MBA. Một trong những lý do khiến Sea được gắn mác "Tencent" là do Sea bắt đầu với hoạt động kinh doanh trò chơi.


Năm 2009, Li thành lập công ty tại Singapore, khi ấy có tên Garena, chuyên cung cấp game online. Gần đây, họ mới đổi tên thành Sea. Họ đang đầu tư mạnh tay để mở rộng sang mảng thương mại điện tử, đối đầu với nhiều cái tên lâu năm, như Lazada - thuộc sở hữu của Alibaba.

Năm 2010, Sea ra mắt Garena +, tích hợp tính năng hội họp, trò chuyện và chơi game. Cũng trong năm này, Tencent cũng đầu tư vào Sea. Năm 2010, Tencent đã trao cho Garena quyền vận hành trò chơi nổi tiếng "Liên minh huyền thoại" của mình tại Đông Nam Á. Kể từ đó, Tencent không chỉ theo đuổi khoản đầu tư vào Garena mà còn tiến tới hợp tác lâu dài với Garena trong năm 2018. Garena sẽ có ưu tiên 5 năm để phát hành điện thoại di động của Tencent đầu tiên tại Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore và Đài Loan.

Với mảng kinh doanh game "hái ra tiền", Sea đã ra mắt nền tảng thương mại điện tử Shopee vào năm 2015, tập trung vào các mô hình C2C (Consumer To Consumer - giao dịch thương mại trực tuyến giữa những người tiêu dùng thông qua một bên thứ ba) giống Taobao.

Sau khi "sao chép" Taobao, Shopee đã rất nỗ lực trong việc bản địa hóa và tiếp thị. Hiện tại, Shopee đã chiếm được hầu hết thị trường Đông Nam Á, và Sea trở thành công ty công nghệ lớn nhất Đông Nam Á, với giá trị thị trường gần 130 tỉ USD.

Sea cũng đang tích cực phát triển mảng kinh doanh ví điện tử SeaMoney của riêng mình. Vào tháng 12 năm ngoái, Sea đã thành công lấy được giấy phép ngân hàng kỹ thuật số. Điều này có nghĩa là Sea đã chính thức được gia nhập thị trường thanh toán kỹ thuật số Đông Nam Á, ngồi cùng bàn với những gã khổng lồ như Ant Financial và Google.

Đối với hệ sinh thái Sea, SeaMoney là một cổng giao thông mới và là đầu nối kết nối các doanh nghiệp khác. Sau khi "sao chép" ý tưởng của Tencent - Alipay, Sea tiếp tục ra mắt dịch vụ giao đồ ăn Shopee Food tại Indonesia vào năm ngoái. Có thể nói, Sea đang kể một câu chuyện mới: "sao chép" ứng dụng giao đồ ăn đình đám Meituan.

Alibaba đang nhân rộng mô hình ở Đông Nam Á

Alibaba đại chiến Tencent ở thị trường Đông Nam Á như thế nào? - Ảnh 4.

Alibaba mở rộng thương mại điện tử ở nước ngoài với Lazada.

GoTo hiện đã học theo Sea khi bổ sung thêm một đơn vị thanh toán và dịch vụ tài chính mới là GoTo Financial. Tập đoàn sẽ cung cấp các dịch vụ đa dạng hơn, điều này rất được các nhà đầu tư tiềm năng quan tâm. Rõ ràng, GoTo cũng đang kể câu chuyện về một "siêu ứng dụng không thể bỏ lại phía sau".


Từ năm 2016 đến nay, Alibaba đã ba lần đầu tư vào Lazada, nền tảng thương mại điện tử ở Đông Nam Á, với tổng giá trị 4 tỉ USD. Nêu Shopee thích hoạt động "Taobao + Pinduoduo", mang chuỗi cung ứng chi phí thấp kết hợp hoạt động giải trí; Lazada thích hoạt động kiểu Tmall - nền tảng cung cấp sản phẩm mang nhãn hiệu chính hãng.

Ngay từ tháng 8/2017, Alibaba đã đầu tư độc quyền 1,1 tỉ USD vào Tokopedia và nắm giữ hơn 40% cổ phần. Sau đó, vào tháng 11/2018, Alibaba đã tham gia với SoftBank Vision Fund để dẫn đầu khoản đầu tư 1,1 tỉ USD và trở thành một trong những cổ đông lớn của Tokopedia.

GoTo, kết hợp giữa Tokopedia và Gojek, giống như một "Alibaba Đông Nam Á", hoàn chỉnh cho Alibaba hơn là "Lazada Tmall Đông Nam Á". Với sự hội tụ của các mô hình kinh doanh và thị trường mục tiêu, GoTo cũng sẽ bắt tay vào một con đường đối đầu trực tiếp với "Tencent Đông Nam Á" - Sea.

Theo Zhihu


Theo Thanh Hà

Viettimes

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên