Alibaba: Dẫn đầu Trung Quốc với tiềm lực lớn, tham vọng sánh ngang với Amazon nhưng phải đối mặt với một thế lực đáng gờm ở ngay trong nước
Hiện tại, Alibaba đang nhắm đến mục tiêu "vượt mặt" Amazon - đối thủ sừng sỏ đến từ Mỹ. Tuy nhiên, mức định giá của 2 công ty lại quá chênh lệch. Liệu Alibaba có thể thu hẹp khoảng cách và vượt qua những rào cản mà chính phủ Trung Quốc tạo ra?
- 27-11-2019Nhà đầu tư đại lục nôn nóng trước đà thăng hoa của Alibaba ở Hồng Kông, nhưng tại sao vẫn chưa thể rót tiền dù công ty này đã "hồi hương"?
- 26-11-2019Mơ ước "về quê" của Jack Ma trở thành hiện thực, cổ phiếu Alibaba tăng vọt trong những giờ giao dịch đầu tiên tại Hồng Kông
- 19-11-2019Hồng Kông đang hỗn loạn vì biểu tình nhưng vì sao Alibaba lại chọn niêm yết ở đây, ngay tại thời điểm này?
Ngay cả những người không mang quan điểm duy tâm cũng nên suy nghĩ về niềm tin của Alibaba dành cho con số 8 - con số may mắn đối với người Trung Quốc. Vào ngày 26/11, công ty thương mại điện tử của Trung Quốc bán được 88 tỷ HKD (11,2 tỷ USD) cổ phiếu thứ cấp trên sàn chứng khoán Hồng Kông với mã cổ phiếu là 9988. Con số 88 không chỉ có cùng cách phát âm với "baba", mà còn thể hiện cho sự may mắn gấp đôi. Ngay khi tiếng chiêng vang lên, báo hiệu cổ phiếu này chính thức được giao dịch, thì nó đã tăng vọt từ 176 HKD lên mức giá 188 HKD. May mắn đã đứng về phía Alibaba.
Khu phố Pedder gần đó, vốn là địa điểm các nhà môi giới chứng khoán tập trung để thảo luận với nhau, giờ đây đã trở thành "điểm nóng" của các cuộc biểu tình. Tuy nhiên, sau khi đảng Dân chủ chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử hồi đầu tuần, thì căng thẳng đã tạm thời lắng xuống.
Tạm gác lại vấn đề về sự may mắn sang một bên, niêm yết lần 2 còn mang đến cho Alibaba 3 lợi ích. Đầu tiên, thương vụ này giúp công ty "ghi điểm" với chính phủ Trung Quốc vì sự tin tưởng vào thị trường Hồng Kông bất chấp các cuộc biểu tình đang diễn ra căng thẳng. Niêm yết ở Hồng Kông phần nào giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với họ - nơi đã diễn ra thương vụ IPO lớn nhất mọi thời đại vào năm 2014 của Alibaba, nhưng gần đây gặp bất ổn vì chiến tranh thương mại.
Hơn nữa, việc Alibaba tìm đến một địa điểm "gần nhà" cũng thu hút các nhà đầu tư tổ chức ở châu Á. Không lâu nữa, cổ phiếu của Alibaba sẽ đủ điều kiện để tham gia Stock Connect - liên kết giao dịch giữa sàn Hồng Kông với Thượng Hải và Thâm Quyến, theo đó nhà đầu tư đại lục cũng tham gia.
Hiện tại, họ đang nhắm đến một "giải thưởng" lớn hơn. Các giám đốc điều hành của Alibaba cho rằng công ty này nên được định giá như Amazon - đối thủ lĩnh vực thương mại điện tử lớn nhất trên toàn cầu. Amazon hiện đang có vốn hoá khoảng 890 tỷ USD, trong khi Alibaba là 520 tỷ USD. Chỉ số P/E của công ty Mỹ này hiện là 67, gấp đôi so với đối thủ đến từ Trung Quốc. Để thu hẹp khoảng cách, Alibaba có một động thái khá khéo léo, đó là họ cần sự hậu thuẫn của chính phủ Trung Quốc, nhưng phải thể hiện ra bên ngoài rằng mình "ít đậm chất Trung Quốc" hơn.
Không nên đánh giá thấp về khả năng đạt được tham vọng của Alibaba. Tuy nhiên, ngay cả những nhà phân tích có quan điểm lạc quan nhất cũng nói rằng việc vượt mặt Amazon là điều khó có thể thành công. 2 công ty này có mô hình kinh doanh khác nhau. Alibaba cung cấp một nền tảng liên kết giữa người bán và người mua trên các trang web lớn nhất như Taobao và Tmall, họ chủ yếu thu lời từ việc người bán chi tiền để tăng khả năng hiển thị trên bảng xếp hạng tìm kiếm.
Khác với Amazon, họ không bán sản phẩm do mình sản xuất, có nghĩa là họ không có nhu cầu về hàng tồn kho và kho bãi. Điều này giúp họ tạo ra lợi nhuận lớn hơn nhiều. Dẫu vậy, theo David Dai đến từ Bernstein, mảng kinh doanh điện toán đám mây dù là lớn nhất Trung Quốc nhưng cũng không có đóng góp nhiều vào mức định giá của Alibaba. Trong khi đó, điện toán đám mây là "mỏ vàng" của Amazon, Amazon Web Services chiếm khoảng một nửa giá trị của công ty này. Hơn nữa, Amazon tạo ra hơn 70 tỷ USD doanh thu hàng năm từ thị trường ngoài Mỹ, thì con số này của Alibaba chỉ thấp hơn 10 tỷ USD.
Chủ tịch của Alibaba, Daniel Zhang, đang nỗ lực thay đổi Alibaba, với việc tận dụng tốt hơn kho dữ liệu khổng lồ để tạo thêm nhiều giá trị. Ước tính, ở Trung Quốc, cứ 2 người thì có 1 người sẽ sử dụng các nền tảng thương mại điện tử của Alibaba để mua sắm. Phương thức thanh toán đằng sau đó là Alipay với khoảng 900 triệu người dùng. Việc Alibaba sở hữu 33% của Ant Financial có khả năng tăng thêm sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Dù có tiềm lực rất lớn, nhưng Alibaba vẫn phải chịu sự kiểm soát từ phía chính phủ Trung Quốc. Sau khi IPO ở New York năm 2014, sự bùng nổ của cổ phiếu Alibaba đã vỡ tung khi các cơ quan quản lý khiến công ty này bàng hoàng vì bán đồ giả. Khi Alipay và WeChat Pay đang bành trướng trong khu vực vốn được ngân hàng nhà nước kiểm soát, thì chính phủ của ông Tập Cận Bình nhanh chóng ngăn cản.
Giờ đây, căng thẳng pháp lý tăng cao đối với những cáo buộc cạnh tranh không lành mạnh, đặc biệt liên quan đến các thoả thuận "lựa chọn phe phái" - khi các nền tảng cấm người bán giao dịch với đối thủ của họ. Gần đây, Galanz, nhà sản xuất thiết bị gia dụng, và JD.com, đối thủ thương mại điện tử, đã kiện Tmall vì lạm dụng tiềm lực trên thị trường để chèn ép họ. Hồi tháng 4, Colin Huang - nhà sáng lập Pindoudou, đã cảnh báo về tình trạng cạnh tranh "độc quyền" trong lĩnh vực thương mại điện tử. Ngay lập tức, Alibaba đã bác bỏ tuyên bố này, cho rằng đó chỉ là "điều vô căn cứ". Ngay trước sự kiện 11/11, các nhà quản lý đã đến Hàng Châu để cảnh báo công ty này rằng những thoả thuận trên là bất hợp pháp.
Hiện tại, Alibaba dường như không quá nặng nề về áp lực trên. Họ lập luận rằng các "đại gia" công nghệ ở Trung Quốc gần như không phải là một nhóm độc quyền hoà thuận với nhau. Cuộc chiến diễn ra không ngừng giữa Alibaba, Tencent và những công ty khác khá dễ nhận thấy. Tuy nhiên, tầm quan trọng của những điều còn lại trong chính sách của chính phủ Trung Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực xây dựng một doanh nghiệp toàn cầu của họ.
Alibaba đã thâm nhập thị trường Đông Nam Á. Thế nhưng, các nhà phân tích nghi ngại về khả năng cạnh tranh mạnh mẽ của Alibaba với Amazon tại thị trường châu Âu và Mỹ, đặc biệt là dịch vụ đám mây vì những lo ngại về chính phủ Trung Quốc xâm nhập để lấy thông tin. Kể cả ở Hồng Kông, Alibaba có thể rơi vào thế khó xử nếu tâm lý chống Trung Quốc trỗi dậy.
Dẫu vậy, cũng không thể phủ nhận rằng Alibaba tự tạo may mắn cho chính mình. Kể từ khi thành lập 20 năm trước, công ty này đã vượt qua nhiều rào cản mà chính phủ Trung Quốc tạo ra để có được vị thế như ngày hôm nay, chiếm ưu thế trong cuộc cạnh tranh với đối thủ nước ngoài ở Trung Quốc và góp phần tạo cuộc cách mạng hoá ngành thương mại điện tử. Về mặt công nghệ, Alibaba có thể sánh ngang với Amazon. Tuy nhiên, mức định giá cho thấy khoảng cách vẫn còn khá lớn. Nếu may mắn, thương vụ niêm yết ở Hồng Kông có thể sẽ giúp thu hẹp sự chênh lệch ấy.
Tham khảo Economist